VBF 2024: Doanh nghiệp FDI đề xuất nhiều ưu đãi về thuế tối thiểu toàn cầu

19/03/2024, 14:25
báo nói -

TCDN - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh” ngày 19/3, doanh nghiệp FDI đề xuất loạt chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) chia sẻ tại Diễn đàn VBF 2024, việc quy định thuế tối thiểu toàn cầu chính thức được áp dụng từ năm 2024 đang gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam về việc các ưu đãi thuế họ được hưởng hiện nay có thể trở nên gần như vô nghĩa.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cơ bản của Việt Nam là 20%, tuy nhiên thuế suất có hiệu lực thực tế đối với các tập đoàn lớn có sự chênh lệch trong khoảng 5-10%, do đó nếu doanh nghiệp phải nộp khoản thuế đối với mức chênh lệch này thì hiệu quả miễn giảm thuế hiện tại sẽ bị mất đi.

Nội dung dự thảo Nghị định được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai lấy ý kiến từ ngày 19/12/2023 bao gồm kế hoạch thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và các nội dung về ưu đãi hỗ trợ, phạm vi và phương pháp hỗ trợ thông qua Quỹ hỗ trợ đầu tư, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng mức hỗ trợ chưa rõ ràng nên chưa đủ để thu hút sự quan tâm và đồng tình từ các nhà đầu tư.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham).

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham).

Bên cạnh đó, theo nội dung của dự thảo Nghị định này, đối tượng hỗ trợ chỉ giới hạn ở quy mô vốn đầu tư từ 500 triệu đô-la Mỹ trở lên, gây ra lo ngại về việc số doanh nghiệp có khả năng được hưởng hỗ trợ rất ít và phần lớn doanh nghiệp nước ngoài không được hưởng ưu đãi. Trường hợp hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp này bị thu hẹp lại do quy định này, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn bộ các doanh nghiệp cung ứng đã đầu tư vào Việt Nam theo doanh nghiệp đó, cuối cùng sẽ gây ra trở ngại cho việc mở rộng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.nê

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ Việt Nam sẽ phân tích kỹ lưỡng và dự báo tác động của việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, lấy ý kiến rộng rãi của các ngành về nội dung Nghị định để sửa đổi, bổ sung, qua đó có biện pháp để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư nước ngoài.

Đóng góp ý kiến về đối tượng hỗ trợ đầu tư theo dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, nhóm công tác thuế và hải quan cho rằng các đối tượng hỗ trợ còn trong phạm vi hẹp. Dự thảo đưa ra đối tượng là các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao (doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao) đáp ứng điều kiện về quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.

“Với điều kiện này về quy mô, chỉ có số lượng rất ít doanh nghiệp có thể đạt được, theo đó chính sách sẽ chỉ tập trung áp dụng cho một nhóm đối tượng hẹp, chưa đại diện được cho nhóm các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, và cũng chưa đảm bảo đáp ứng được mục tiêu thu hút đối với các nhà đầu tư chiến lược như tinh thần Quốc hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 nêu trên”, nhóm công tác thuế và hải quan cho hay.

Để chính sách hỗ trợ đầu tư phát huy tác dụng hiệu quả trong việc ổn định môi trường đầu tư, giữ chân và thu hút các tập đoàn đầu tư lớn, nhóm công tác thuế và hải quan đề xuất bổ sung doanh nghiệp đang làm việc tại Khu công nghệ cao vào đối tượng được hỗ trợ. Cùng với đó xem xét quy mô đầu tư cũng như Tập đoàn đầu tư vào dự án.

Nhóm công tác thuế và hải quan cũng đề xuất bổ sung thêm vào đối tượng hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất khác có tổng vốn đầu tư từ 20.000 tỷ đồng hoặc từ 1 tỷ USD trở lên.

Lý giải về đề xuất này, đại diện nhóm cho rằng, dù không phải là lĩnh vực công nghệ cao nhưng với quy mô vốn như lớn từ 20.000 tỷ đồng hoặc từ 1 tỷ USD trở lên, các dự án đầu tư này sẽ rất cần được khuyến khích và thu hút vì đi theo nó sẽ là cả một hệ sinh thái các doanh nghiệp vệ tinh từ khâu cung cấp linh, kiện vật tư phụ trợ, các đơn vị logistic,… đều là những mắt xích không thể thiếu.

Việc đưa ra những khoản hỗ trợ đầu tư phù hợp cho các đối tượng mở rộng trên cũng được xem như động lực giúp phát triển một hệ sinh thái toàn diện và khép kín, nâng cao năng lực sản xuất tại Việt Nam, tăng cường nội lực và giảm phụ thuộc vào năng lực cung cấp, sản xuất từ bên ngoài. Số lượng những dự án đầu tư với quy mô vốn đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên ở Việt Nam không nhiều, chỉ có một vài tên tuổi lớn.

Theo nhóm công tác thuế và hải quan, với quy mô vốn này, các nước trong khu vực cũng rất muốn thu hút, vì vậy, Việt Nam cần chủ động đưa ra chính sách thu hút đầu tư thật sự hấp dẫn mới cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư sao cho chính sách mang tính toàn diện và phát huy hiệu quả tốt hơn trong việc giữ chân và thu hút các tập đoàn đầu tư mang tính chiến lược.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết VBF 2024: Doanh nghiệp FDI đề xuất nhiều ưu đãi về thuế tối thiểu toàn cầu tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Cục Thuế Vĩnh Phúc tập trung rà soát doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh thuế tối thiểu toàn cầu
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng đề nghị Cục Thuế Vĩnh Phúc tập trung rà soát tất cả người nộp thuế thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu để tổ chức triển khai kịp thời khi các chính sách đã được nội luật hóa đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam.
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để bù đắp một phần cho doanh nghiệp
Để đảm bảo việc áp dụng thuế toàn cầu từ năm 2024 đạt hiệu quả cao, ngoài tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để bù đắp lại một phần cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cơ quan thuế cần thành lập bộ phận hỗ trợ thường xuyên, thậm chí trực tuyến để giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.