Vì sao mới chỉ có 18% doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt đề án cơ cấu lại?
TCDN - Hiện mới chỉ có 18% tổng số doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt đề án cơ cấu lại. Theo Bộ Tài chính, có 5 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm trễ này.
Tại Báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội khóa 15 trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính cho biết, tính đến tháng 3/2025, mới có 122 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại, đạt 18% tổng số doanh nghiệp phải phê duyệt, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 9/9 đơn vị (đạt 100%); Cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt 113/667 đơn vị (đạt 17%).
Do còn nhiều DNNN chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án hoặc mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025 trong cuối năm 2023 và năm 2024 nên chưa thực sự đánh giá được rõ về hiệu quả việc triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại DNNN, tuy nhiên, theo tổng hợp của Bộ Tài chính thì về cơ bản các doanh nghiệp DNNN đều hoạt động có lãi về kết quả về tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh của các DNNN (89% tổng số DNNN hoạt động hiệu quả, có lãi trong năm 2023).

(Ảnh minh họa)
Bộ Tài chính đánh giá, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ rà soát, phê duyệt Đề án cơ cấu lại của các DNNN trực thuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các điểm b, c, d khoản 5 Điều 1 Quyết định số 360/QĐ-TTg.
Theo Bộ Tài chính có 5 nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Thứ nhất, quy trình xin ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan mất nhiều thời gian.
Thứ hai, việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện, phê duyệt Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển của các doanh nghiệp.
Thứ ba, còn có cách hiểu chưa thống nhất về việc rà soát, xây dựng, phê duyệt Đề án cơ cấu lại cho từng DNNN nên có một số cơ quan, đơn vị không rà soát, xây dựng, phê duyệt Đề án và cho rằng DNNN trực thuộc mình quản lý không thuộc đối tượng phải xây dựng, phê duyệt Đề án hoặc chỉ rà soát danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.
Thứ tư, đối với một số doanh nghiệp thuộc diện phải chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC (hoặc không đủ điều kiện nhưng Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đề xuất chuyển giao về SCIC) thì Cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa xây dựng, phê duyệt Đề án cơ cấu lại mà chỉ báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc chuyển giao như trường hợp các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương.
Thứ năm, một số đơn vị có nhiều doanh nghiệp phải phê duyệt đề án cơ cấu lại nhưng tiến độ triển khai thực hiện rất chậm. Như trường hợp Tp.HCM, cả 46/46 doanh nghiệp đều chưa được UBND Tp.HCM phê duyệt.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện phê duyệt Đề án cơ cấu lại các DNNN còn lại theo Quyết định số 360/QĐ-TTg.
Đồng thời, Bộ sẽ chủ động xử lý vướng mắc, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu giải pháp kịp thời cho Chính phủ; đẩy mạnh giám sát tiến độ các dự án đầu tư, sắp xếp lại doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát vốn nhà nước; tăng cường công khai minh bạch tài chính, quản trị, nâng cao trách nhiệm và chất lượng điều hành tại các DNNN. Định hướng DNNN tập trung ngành nghề chính, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, phát triển mô hình quản trị hiện đại được khuyến khích triển khai mạnh mẽ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899