Vụ nhà ốp kính phản quang gây chói mắt tại Đà Nẵng: Chủ đầu tư làm sai phương án kiến trúc

11/05/2020, 09:52

TCDN - Dù Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có công văn đề nghị chủ đầu tư 2 dự án sử dụng mặt tiền phủ kính phản quang màu vàng gây chói mắt xử lý khắc phục nhưng đến nay việc ốp kính màu vàng tại cả 2 công trình này vẫn không dừng lại khiến người dân càng thêm bức xúc.

Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng vừa phát đi thông báo về kết luận của Giám đốc Sở tại cuộc họp xử lý khắc phục đối với các dự án sử dụng kính phản quang.

Kết luận chỉ rõ 2 dự án gồm công trình Văn phòng (lô A2.1 đường Nguyễn Văn Linh) của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Tổ hợp khách sạn căn hộ P.A Tower (lô A2-1, A2-2 đường Như Nguyệt) của Công ty Cổ phần PAVNC đã không thực hiện đúng hồ sơ thỏa thuận phương án kiến trúc như Sở Xây dựng thẩm định.

Chủ đầu tư SHB tự ý thay đổi phương án kiến trúc tòa nhà đã được thống nhất từ màu xanh sang màu vàng gây phản quang chói mắt cho người tham gia giao thông và người dân sống chung quanh khu vực tòa nhà. (Ảnh: BXD)

Chủ đầu tư SHB tự ý thay đổi phương án kiến trúc tòa nhà đã được thống nhất từ màu xanh sang màu vàng gây phản quang chói mắt cho người tham gia giao thông và người dân sống chung quanh khu vực tòa nhà. (Ảnh: BXD)

"Cụ thể, sử dụng vật liệu kính cho mặt tiền công trình là kính màu vàng, có tác dụng phản quang không phù hợp với phương án kiến trúc là kính màu xanh được duyệt và quy định quản lý kiến trúc theo Quyết định số 9801/QĐ-UBND ngày 15/11/2011 của UBND thành phố. Việc khắc phục còn rất chậm, mặt dù Sở Xây dựng đã nhiều lần đôn đốc", thông báo nêu rõ.

Trong thông báo, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đề nghị chủ đầu tư 2 công trình trên chậm nhất đến ngày 31/3/2020 phải gửi phương án khắc phục sửa chữa, kèm theo tiến độ thực hiện cụ thể về Sở Xây dựng để theo dõi, giám sát thực hiện.

Về phương án xử lý, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đề nghị chia 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 1, thay thế hoặc ốp (dán), phun mờ... giảm tối đa diện tích và độ phản quang của kính. Sau khi khắc phục xong, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và chính quyền địa phương để xác nhận đã khắc phục, tổng hợp kết quả sau xử lý gửi về Sở Xây dựng. Chủ đầu tư phải kết thúc việc xử lý khắc phục trước ngày 15/4.

Tuy nhiên, đến nay việc ốp kính màu vàng tại cả 2 công trình này vẫn không dừng lại khiến người dân càng thêm bức xúc. 

Ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng Kiểm tra quy tắc đô thị Q.Hải Châu, Đà Nẵng, cho biết: "Chúng tôi đã bàn với Phòng cấp phép Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng và các bên cùng thống nhất là dứt khoát sẽ không cho điều chỉnh, bổ sung; phải tháo dỡ toàn bộ và phải làm theo giấy phép, đúng với phương án kiến trúc như ban đầu. Nếu họ không tự giác tháo dỡ thì sẽ cưỡng chế”.

Được biết, chủ đầu tư tòa nhà Risemount là Công ty Pavnc Risemount (thành viên Tập đoàn Vicoland). Trước kết luận của Sở Xây dựng rằng chủ đầu tư dùng kính vàng trong khi hồ sơ thiết kế nêu dùng kính xanh, một lãnh đạo Vicoland nói hồ sơ thiết kế tòa nhà này chỉ nêu vật liệu kính, không nêu rõ màu kính gì.

Lãnh đạo Vicoland cho biết đang tính toán trồng thêm cây xanh, nghiên cứu lắp rèm che và giãn mật độ các ô kính để giảm bớt việc phản chiếu ánh sáng. Tuy nhiên, không nói rõ khi nào đơn vị này thực hiện khắc phục.

Trong khi đó, đại diện truyền thông Ngân hàng SHB, chủ đầu tư tòa nhà SHB Nguyễn Văn Linh, từ chối chia sẻ vấn đề liên quan hồ sơ thiết kế với báo chí.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Vụ nhà ốp kính phản quang gây chói mắt tại Đà Nẵng: Chủ đầu tư làm sai phương án kiến trúc tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giá đất đô thị Đà Nẵng cao nhất gần 100 triệu đồng/m2
Theo UBND TP Đà Nẵng, giá đất ở cao nhất tại Đà Nẵng là 98,8 triệu đồng/m2. Giá đất thương mại, dịch vụ tại Đà Nẵng cao nhất là hơn 79 triệu đồng/m2. Giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại Đà Nẵng cao nhất là hơn 59,2 triệu đồng/m2.
Vốn FDI vào Đà Nẵng giảm gần 80%
Quý I/2020 Đà Nẵng đã thu hút đầu tư được hơn 8,6 ngàn tỷ đồng vốn trong nước và hơn 83 triệu USD vốn FDI. So với cùng kỳ năm ngoái, FDI đầu tư vào địa phương này giảm gần 80%.