Xóa bỏ thuế khoán hộ kinh doanh: Nâng cao minh bạch, công bằng trong quản lý thuế
TCDN - Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi từ thuế khoán sang kê khai thực tế là bước tiến nhằm nâng cao sự minh bạch và công bằng trong công tác quản lý thuế và đồng thời đảm bảo rằng người nộp thuế có trách nhiệm cao hơn với số liệu mình khai báo.
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó đặt mục tiêu xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất vào năm 2026. Nhân dịp này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Tài chính doanh nghiệp để làm rõ những tác động và giải pháp hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam.
Thưa bà, tại Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân yêu cầu xoá bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026. Bà có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?
Nghị quyết số 68 có ý nghĩa rất quan trọng đặc biệt là việc xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ và cá nhân kinh doanh, vì nó đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật giữa các đối tượng kinh doanh, dù là cá nhân hay doanh nghiệp. Việc chuyển từ thuế khoán sang kê khai thực tế giúp nâng cao tính minh bạch, công bằng hơn. Đồng thời, đảm bảo người nộp thuế có trách nhiệm cao hơn với số liệu mình khai báo. Tôi tin rằng đây là một thay đổi tích cực và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay chúng ta có khoảng 5 triệu hộ và cá nhân kinh doanh, trong đó có 3,6 triệu hộ đang đăng ký thuộc diện nộp thuế. Trong số này, có gần 2 triệu hộ đang áp dụng phương pháp thuế khoán. Tuy nhiên, mức thuế bình quân hàng tháng của gần 2 triệu hộ kinh doanh theo hình thức khoán trong quý 1 năm 2025 chỉ vào khoảng 700.000 đồng/tháng.
Đáng chú ý, hiện vẫn tồn tại tình trạng nhiều cửa hàng bán thuốc, phòng khám tư nhân, spa... có doanh thu khá lớn, thậm chí một cá nhân kinh doanh dịch vụ có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi ngày nhưng chỉ đóng thuế vài triệu đồng. Điều này cho thấy việc xác định doanh thu tính thuế vẫn chưa phản ánh đúng thực tế, dẫn đến sự thiếu công bằng và thất thu ngân sách nhà nước.
Nhiều hộ kinh doanh cho rằng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình này, bà nghĩ sao về điều đó?
Tôi hiểu rằng sẽ có không ít thách thức trong quá trình chuyển đổi này, đặc biệt là đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa quen với việc kê khai thuế.
Trước đây, khi áp dụng thuế khoán, các hộ kinh doanh chỉ cần xác định doanh thu và số thuế phải nộp trong năm. Sau đó, gửi thông tin lên cơ quan thuế và cơ quan thuế sẽ thông báo mức thuế cố định trong cả năm. Ví dụ, nếu doanh thu là 1 tỷ đồng thì sẽ tính 1,5% thuế; nếu là hộ kinh doanh dịch vụ với doanh thu 500 triệu đồng thì tính thuế suất 7%, và như vậy xác định được số thuế phải nộp.
Khi chuyển sang hình thức kê khai thuế đầy đủ, tức là không còn áp dụng thuế khoán nữa, thì các hoạt động kinh doanh phải xuất hóa đơn, có chứng từ bán hàng và thực hiện kê khai thuế định kỳ. Việc kê khai có thể không quá phức tạp, nhưng cá nhân kinh doanh vẫn phải tự thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu mình kê khai.

(Ảnh minh họa)
Bà có thể giải thích rõ hơn về các phương pháp này và những thay đổi quan trọng mà các hộ kinh doanh sẽ gặp khi áp dụng quy định mới?
Các hộ kinh doanh khi chuyển sang hình thức kê khai cũng cần phân biệt rõ giữa hai phương pháp tính thuế. Cụ thể, với các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên, họ sẽ áp dụng phương pháp tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ. Khi đó, thuế VAT sẽ được tính bằng cách lấy thuế đầu ra trừ thuế đầu vào, và nộp phần chênh lệch còn lại.
Còn đối với những hộ kinh doanh có doanh thu dưới 1 tỷ đồng, họ vẫn phải nộp thuế nhưng sẽ áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu phát sinh trong kỳ, chứ không phải là hình thức khoán cố định một năm như trước. Đơn cử, theo quy định hiện hành, hoạt động thương mại, bán hàng hóa: 1% thuế VAT và 0,5% thuế TNCN; dịch vụ sửa chữa ô tô có thể áp dụng thuế suất 7% trên doanh thu; cho thuê nhà có thể áp dụng thuế suất 10% (gồm cả VAT và thuế TNCN).
Điều này có nghĩa là nếu trong năm hộ kinh doanh phát sinh doanh thu 500 triệu đồng, thì sẽ kê khai và nộp thuế dựa trên đúng số đó tức là không còn "khoán một cục" như trước, mà phải kê khai theo doanh thu thực tế từng tháng, từng quý. Nếu doanh thu là 700 triệu hay 1 tỷ đồng thì sẽ nộp thuế tương ứng với con số đó.
Và như vậy, chúng ta có thể thấy rằng việc kê khai không đồng nghĩa với việc tất cả đều phải áp dụng thuế VAT theo phương pháp khấu trừ, mà vẫn có phương pháp đơn giản hơn, tức là nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu thực tế.
Tôi cho rằng đây là một cách tiếp cận văn minh, phù hợp với thực tiễn và cũng đáp ứng được nhu cầu của người kinh doanh là muốn nộp đúng, nộp đủ, và minh bạch với nhà nước.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/6, tất cả các hộ và cá nhân kinh doanh đang áp dụng thuế khoán, hoặc các hộ kinh doanh bán hàng trực tiếp, bán lẻ như trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ sửa chữa ô tô, vận tải,… nếu có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên phải thực hiện kết nối và sử dụng hóa đơn điện tử thông qua máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế.
Như vậy, ngay cả khi chỉ là một siêu thị nhỏ, cửa hàng nhỏ, nhưng nếu doanh thu đạt ngưỡng theo quy định thì khi bán hàng chủ hộ phải xuất hóa đơn điện tử, và dữ liệu hóa đơn sẽ được kết nối trực tiếp với cơ quan thuế. Đây là cơ sở để xác định doanh thu một cách minh bạch, rõ ràng, và giúp cơ quan thuế theo dõi, quản lý hiệu quả.
Để các hộ kinh doanh có thể thuận lợi chuyển sang kê khai thuế, theo bà, cần có những giải pháp hỗ trợ nào để giúp họ thực hiện quá trình chuyển đổi một cách dễ dàng?
Nghị quyết số 68 cũng đã nhấn mạnh rằng, để khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chủ động chuyển đổi, nhà nước cần có những hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn như xây dựng phần mềm hỗ trợ kê khai đơn giản, dễ dùng, phù hợp với những người không chuyên về kế toán hay công nghệ. Việc phát triển phần mềm kê khai đơn giản, dễ sử dụng là rất cần thiết. Các hộ có thể dễ dàng nhập doanh thu, chi phí, hàng hóa mua vào, bán ra mà không gặp khó khăn quá lớn.
Theo tôi, nhà nước có thể dành một khoảng thời gian chuyển tiếp từ 6 tháng đến 1 năm để các hộ kinh doanh làm quen với phương pháp mới, và trong thời gian đó, nhà nước nên cung cấp các phần mềm, công cụ hỗ trợ một cách miễn phí. Điều này không chỉ giúp họ dễ tiếp cận, mà còn tạo ra tâm lý tích cực, chủ động chuyển đổi.
Ngoài ra, hiện nay bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam có hàng nghìn hội viên, trong đó gần 800 công ty đại lý thuế đã được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế và kế toán. Các công ty này đủ điều kiện để ký hợp đồng trực tiếp với hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, thực hiện dịch vụ kế toán, tư vấn thuế.
Điểm đáng chú ý là chi phí thuê các công ty đại lý thuế này tương đối thấp, phù hợp với khả năng chi trả của các hộ kinh doanh nhỏ. Họ sẽ kê khai, nộp thuế thay cho doanh nghiệp, và khi có kiểm tra, thanh tra hoặc các cơ quan chức năng làm việc, họ cũng sẽ đứng ra thay mặt doanh nghiệp xử lý thủ tục. Điều này giúp giảm tải rất nhiều gánh nặng cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ vốn không chuyên sâu về thuế và kế toán.
Tuy nhiên, để việc chuyển đổi này diễn ra thuận lợi, tôi cho rằng truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế để họ chủ động thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, giảm thiểu gian lận.
Bên cạnh đó cần trang bị kiến thức và hỗ trợ người nộp thuế, nhất là với những người hoàn toàn chưa biết gì về hóa đơn điện tử hay quy trình kê khai. Khi bắt buộc họ phải xuất hóa đơn thì phải đi kèm hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu, thực tế.
Đây là trách nhiệm không chỉ của cơ quan thuế, mà còn cần sự vào cuộc của các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, các đại lý thuế, các công ty dịch vụ kế toán.
Xin cảm ơn bà!
email: [email protected], hotline: 086 508 6899