Giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp và vườn ươm công nghệ

13/05/2025, 13:49
báo nói -

TCDN - Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân đề xuất doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong khu, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu.

Giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất

Chiều 12/5, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 2 thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân.

Trình bày Tờ trình Dự thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, Dự thảo thể chế hóa 5 nhóm chính sách lớn, là: Cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Gồm 7 chương và 17 điều, Dự thảo quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, áp dụng đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 2 thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân.

Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 2 thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân.

Do thực hiện yêu cầu xử lý những việc cấp bách của đất nước trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu thể chế hóa các chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với dự thảo Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp.

Về nội dung cụ thể, Dự thảo quy định một số nội dung định lượng, như doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Khoản hỗ trợ tiền thuê đất này được nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định của Chính phủ.

UBND tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, xác định quỹ đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại.

Tại điều 9, Dự thảo quy định doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

Đề nghị tăng cường ưu đãi thuế cho công nghệ sạch, kinh tế xanh

Góp ý vào điều 9, Dự thảo quy định Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG), đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) cho rằng cần quy định thật cụ thể nội dung này, làm rõ phương thức hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp, nếu không sẽ rất khó triển khai vì kinh nghiệm cho thấy hiệu quả hỗ trợ bằng chính sách này trước đây rất thấp.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Khải, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiến nghị sửa Điều 9 để mở rộng phạm vi hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho cả các dự án đổi mới công nghệ, chuyển đổi số quy mô lớn của doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ, bổ sung: “Doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn thực hiện dự án đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hoặc dự án xanh, tuần hoàn đáp ứng tiêu chí ESG…. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ mới, chuyển đổi số, không chỉ giới hạn ở lĩnh vực môi trường, qua đó thúc đẩy năng suất và sức cạnh tranh”. Đại biểu Trần Văn Khải góp ý.

Đại biểu Trần Văn Khải cũng đề nghị tăng cường ưu đãi thuế cho công nghệ sạch, kinh tế xanh (Điều 12). Cụ thể là cho phép doanh nghiệp được khấu trừ 150% chi phí cho hoạt động đổi mới, nâng cấp công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm, bảo vệ môi trường khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Ưu đãi này song song với ưu đãi chi phí R&D, qua đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch, cải tiến quy trình để phát triển bền vững.

Về cải thiện môi trường kinh doanh, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đánh giá cao nguyên tắc “ưu tiên các biện pháp kinh tế, hành chính, dân sự thay vì hình sự hóa các sai phạm kinh tế". Đây là bước tiến rất quan trọng để xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp. Tuy nhiên theo đại biểu cần hướng dẫn cụ thể để đảm bảo thống nhất khi triển khai, tránh việc áp dụng không đồng bộ.

Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung cơ chế giám sát độc lập của Hiệp hội ngành nghề nhằm giảm tối đa việc lạm dụng thanh, kiểm tra gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đối với cơ chế giải quyết nhanh khiếu nại, tố cáo từ doanh nghiệp đại biểu Nguyễn Văn Thân đề nghị bổ sung quy định cụ thể về thời hạn giải quyết, cơ quan đầu mối tiếp nhận phản ánh, khiếu nại từ doanh nghiệp về các hành vi phiền hà, gây khó khăn từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, cần có chế tài cụ thể xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức lạm dụng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp gây cản trở hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng Dự thảo cần có 1 chương nói về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành các công việc liên quan đến kinh tế tư nhân, vì họ tham mưu giải quyết công việc, các vấn đề ách tắc, nếu họ chậm trễ thì ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.

Phát biểu tại phiên họp, theo Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, khó nhất là phân loại và bóc tách các nội dung để thể chế hóa ở Dự thảo, nội dung nào đưa vào các luật đang sửa và nội dung nào sẽ tiếp tục sửa. Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao Nghị quyết 68, mong đợi Nghị quyết của Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ sớm đưa chính sách vào cuộc sống, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát từng nhóm chính sách, cụ thể hóa tối đa để khi có nghị quyết là ban hành kế hoạch và bố trí nguồn lực triển khai thực hiên được ngay.

Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, không kỳ vọng Nghị quyết trình Quốc hội thể chế hóa hết được Nghị quyết 68 mà cần có lộ trình để sửa đổi các quy định chưa phù hợp. Hai cơ quan cần tiếp tục nghiên cứu, có lộ trình để bãi bỏ một số quy định để tạo thể chế thúc đẩy phát triển hỗ trợ kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

Hải Đăng
Bạn đang đọc bài viết Giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp và vườn ươm công nghệ tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

x