Xtmobile “lách luật” bán iPhone 12 xách tay không hoá đơn VAT?

14/12/2020, 09:03

TCDN - Lấy vỏ bọc với những lời quảng cáo bán hàng “iPhone 12 Chính hãng (VN/A)” nhưng lại không thể xuất hóa đơn VAT hoặc chỉ có thể ghi phiếu xác nhận thanh toán cho khách hàng là tình trạng đang xảy ra tại hệ thống cửa hàng XTmobile, khiến nhiều người đặt dấu hỏi về nguồn gốc xuất xứ?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, XTmobile là hệ thống cửa hàng bán lẻ điện thoại di động được thành lập từ năm 2013. Đến nay hệ thống này đã có 7 cửa hàng tại 2 thành phố lớn là TP. HCM và Đà Nẵng. XTmobile chuyên bán lẻ điện thoại di động, iPad, phụ kiện tại Việt Nam với một lượng khách hàng lớn.

Tuy nhiên, theo phản ánh của độc giả, hệ thống XTmobile đang kinh doanh nhiều sản phẩm iPhone không thể xuất hóa đơn VAT, có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm pháp luật?

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (PV) đã dành thời gian tiếp cận hệ thống cửa hàng XTmobile tại địa chỉ số 50 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, TP HCM. Trong vai khách hàng có nhu cầu tìm mua điện thoại Iphone 12 128GB, PV đều được các nhân viên tư vấn nhiệt tình và cho tham khảo những mẫu máy mới nhất.

Cảm nhận đầu tiên của PV, các sản phẩm điện thoại đều có bề ngoài không khác gì điện thoại chính hãng. Chính sách bảo hành của cửa hàng đưa ra với các sản phẩm này cũng tương đối tốt. Thế nhưng, khi PV hỏi sản phẩm muốn mua xuất hóa đơn VAT thì nhân viên tại cửa hàng cho biết: “Bên em không xuất hóa đơn VAT chỉ ghi phiếu ghi tay thôi”.

Ngoài ra, trên bảng giá bán hàng tại cửa hàng XTmobile thì iPhone 12 128GB có giá khoảng 23 triệu đồng, trong khi sản phẩm chính hãng tại FPT Shop có giá gần 27 triệu đồng, chênh lệch 4 triệu đồng.

Trong khi hàng chính hãng luôn có hóa đơn VAT thì các cửa hàng bán điện thoại xách tay

Trong khi hàng chính hãng luôn có hóa đơn VAT thì các cửa hàng bán điện thoại xách tay "nói không" với việc này.

Đáng nói, khi PV ngỏ ý muốn tìm hiểu về vấn đề tại sao hàng hóa xách tay lại được bán ngang nhiên tại XTmobile thì nhân viên cửa hàng lại không thể giải thích được. Vì vậy, PV yêu cầu được gặp mặt chủ doanh nghiệp để đặt lịch làm việc, tìm hiểu thông tin thì nhân viên này lại cho rằng mình không có trách nhiệm phải báo cho chủ doanh nghiệp và tỏ ra không muốn làm việc với nhóm PV.

“Nếu anh muốn tìm hiểu sâu hơn thì anh gọi điện thoại trực tiếp cho chủ doanh nghiệp, em không hỗ trợ làm việc với anh”. Một lát sau, nhân viên này lại đưa ra những lời hâm dọa đối với nhóm PV: “Nếu trong vòng 15 phút nữa, mà anh còn ở lại thì em sẽ mời công an phường xuống làm việc”.

Không có hóa đơn VAT, cửa hàng này chỉ có thể cung cấp một

Không có hóa đơn VAT, cửa hàng này chỉ có thể cung cấp một "hóa đơn" có đánh dấu xác nhận của cửa hàng.

Với những thông tin từ hệ thống cửa hàng XTmobile tiết lộ, có thể thấy việc kinh doanh của doanh nghiệp này đang có dấu hiệu trốn thuế, nhập hàng lậu. XTmobile có 7 cửa hàng, hoạt động gần 7 năm, nhưng lại lộ ra những dấu hiệu trốn thuế, hàng không rõ nguồn gốc, chứng từ sản phẩm. Đây là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý như: Hải quan, Quản lý thị trường, Công an kinh tế, Tổng cục Thuế…

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, không hiểu trong gần 7 năm qua, XTmobile đã qua mặt một loạt các cơ quan quản lý trên để kinh doanh như thế nào?Vì sao những sản phẩm không nguồn gốc, không có hoá đơn chứng từ theo quy định, có dấu hiệu trốn thuế rất rõ như thế này, lại được các hệ thống cửa hàng trên ngang nhiên mua bán?

Phải chăng các hệ thống cửa hàng này đã có một kết nối ngầm nào đó, đã được lực lượng chức năng bảo kê. Qua đó, hàng lậu được thoải mái kinh doanh với số lượng mua bán rất lớn, mà không bị kiểm tra xử lý, tịch thu hàng hóa theo quy định? Những đơn vị kinh doanh hàng chính ngạch đang thắc mắc công lý và pháp luật hiện đang ở đâu?

Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã nhiều lần phản ánh tình trạng hàng xách tay không hóa đơn chứng từ tràn lan trên thị trường TP HCM. Trong các bài viết đều thể hiện rõ những cơ sở, cửa hàng đang tồn tình trạng buôn bán các mặt hàng nhập lậu, trốn thuế… những mặt hàng dạng như này khi được tuồn ra thị trường gắn mác “hàng xách tay” nhưng liệu ai biết chính xác có hay không các sản phẩm dởm, hàng dựng, hàng nhái được đầu nậu “trộn” chung với các mặt hàng xách tay lừa đảo người tiêu dùng?

Như vậy, việc trốn thuế gây thất thoát ngân sách làm ảnh hưởng đến các đơn vị doanh nghiệp bán hàng chính ngạch vi phạm luật cạnh tranh được quy định theo nghị định số: 35/2020/NĐ-CP của chính phủ được áp dụng vào ngày 15/5/2020 quy định nếu gây ảnh hưởng đến thu nhập và thị phần của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Cùng với việc ngang nhiên buôn bán Iphone 12 xách tay hay các loại hàng hoá không có giấy tờ đầy đủ, cũng đã vi phạm các quy định của việc cấm buôn bán hàng gian, hàng lậu của nhà nước.

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 - 50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1-100 triệu đồng.

Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Pháp luật Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Xtmobile “lách luật” bán iPhone 12 xách tay không hoá đơn VAT? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan