Xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ Blockchain trong kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam

24/10/2023, 10:38
báo nói -

TCDN - Tại Việt Nam, thị trường bảo hiểm là một thị trường đang phát triển, hứa hẹn nhiều tiềm năng với doanh thu phí bảo hiểm đến năm hết năm 2021 đã đạt 217.338 tỷ đồng với tốc độ phát triển ấn tượng hơn gần 17% so với năm 2020.

2-1

TÓM TẮT:

Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ kinh doanh trực tuyến với mức tăng trưởng hàng năm đạt 25% - 30%, cho thấy nhu cầu mua hàng nhanh và đơn giản của người dùng ngày càng tăng. Việc phải đến các phòng giao dịch, tốn nhiều thời gian với thủ tục phức tạp như truyền thống của ngành Bảo hiểm khiến các khách hàng ngán ngẫm và gây ra nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan. Tại Việt Nam, thị trường bảo hiểm là một thị trường đang phát triển, hứa hẹn nhiều tiềm năng với doanh thu phí bảo hiểm đến năm hết năm 2021 đã đạt 217.338 tỷ đồng với tốc độ phát triển ấn tượng hơn gần 17% so với năm 2020.

Ngành Bảo hiểm Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề như: bảo mật thông tin, chi phí và các gian lận. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 thì chuyển đổi số và ứng dụng hệ thống chuỗi - khối (Blockchain) với các ưu điểm của nền tảng công nghệ này đang dần được ứng dụng trong ngành Bảo hiểm và được xem là có thể giải quyết một số các vấn đề trong ngành Bảo hiểm hiện nay. Tuy nhiên, việc ứng dụng Blockchain trong ngành Bảo hiểm vẫn còn đang trong quá trình thực nghiệm, có nghĩa là kết quả vẫn còn chưa được khám phá một cách đầy đủ nhất. Bài viết xem xét các vấn đề mà ngành Bảo hiểm đang gặp phải, đồng thời tập trung phân tích lợi ích của việc ứng dụng Blockchain trong ngành Bảo hiểm. Nghiên cứu về công nghệ Blockchain cho thấy, ngành Bảo hiểm nên quan tâm ứng dụng công nghệ này để giúp cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tránh các gian lận, giảm chi phí và cải thiện các quy trình cơ bản trong các nghiệp vụ bảo hiểm hiện nay và xa hơn là giúp minh bạch thị trường bảo hiểm ở Việt Nam.

1. Vai trò của chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực bảo hiểm

Chuyển đổi số đang dần thay đổi bộ mặt của nhiều ngành nghề, và đây không còn là vấn đề của một số doanh nghiệp mà trở thành xu thế tất yếu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Không nằm ngoài cuộc thay đổi, ngành Bảo hiểm cũng rất tích cực tham gia vào cuộc chuyển đổi số này để tìm cho mình một hướng đi phù hợp trong công cuộc gấp rút hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 15/02/2012 và Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường bảo hiểm làm căn cứ để giúp cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, hiện đại hơn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Hiện tại, chuyển đổi số không phải nỗi lo lắng cần tìm giải pháp mà đã trở thành xu hướng tất yếu của mọi ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội. Không nằm ngoài cuộc chơi, ngành Bảo hiểm - ngành luôn hoạt động theo mô hình truyền thống giờ cũng đứng lên tìm cho mình nhiều cơ hội phát triển bằng chuyển đổi số. Thị trường bảo hiểm những năm qua đã có nhiều bước tiến vượt bậc.

Tại Việt Nam, chúng ta đã được chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) lớn và đó chính là động lực thúc đẩy nhiều DNBH lớn nhỏ tham giam vào cuộc đua chuyển đổi số để thay đổi, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. So với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát thì hiện nay, việc sử dụng công nghệ như một điều tất yếu trong cuộc sống: từ làm việc từ xa, mua sắm online, trao đổi với nhau… Điều này chứng tỏ rằng, nếu ngành Bảo hiểm không chuyển đổi, không bắt kịp xu hướng công nghệ sẽ chẳng thể mang lại những sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng và tiện lợi đến khách hàng. Bên cạnh đó, ngành Bảo hiểm thường được biết đến với đặc thù phải làm thủ tục trên giấy tờ rất nhiều lần tại phòng giao dịch đa gây khó khăn cho khách hàng, đặc biệt tại thời điểm nhiều thành phố đang giãn cách xã hội ở nước như hiện nay thì điều này lại càng khiến khách hàng thấy tồi tệ khi trải nghiệm dịch vụ thiếu chuyên nghiệp này. Hình thức làm việc truyền thống không những khiến khách hàng khó chịu mà dữ liệu của ngành Bảo hiểm cũng rất lớn; hàng tháng, nhân viên bảo hiểm luôn phải xử lý liên tục khối số liệu, dữ liệu khổng lồ của các giao dịch.

Tuy nhiên, nó sẽ không thực sự chính xác vì nhân viên phải giải quyết công việc một cách thủ công. Vì vậy, chuyển đổi số sẽ vô cùng quan trọng đối với ngành Bảo hiểm, nó chính là “đòn bẩy” giúp ngành này vượt qua khủng hoảng và phát triển mạnh mẽ. Ứng dụng công nghệ hiện đại vừa giúp nhân viên giải phóng sức lao động vừa tạo ra các dịch vụ độc đáo, nhanh gọn nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Thay vì khách hàng phải đến văn phòng làm thủ tục, ký hợp đồng thì họ có thể làm công việc này từ xa mà không làm tốn nhiều thời gian. Không những vậy, chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp cá nhân hóa dịch vụ, đem lại nhiều ưu đãi, dịch vụ tốt phù hợp đúng đối tượng mà không mất nhiều thời gian gọi điện tiếp thị. Với việc ứng dụng các phần mềm công nghệ cho lĩnh vực bảo hiểm, nó cho phép khách hàng đối soát các hợp đồng đã ký, kiểm tra giao dịch, lịch sử thanh toán, hay phản hồi trực tiếp với doanh nghiệp chỉ với chiếc máy tính hoặc điện thoại có kết nối Internet thông qua ứng dụng hoặc website doanh nghiệp. Những tác vụ, phản hồi đó sẽ được chuyển trực tiếp đến bộ phận chăm sóc khách hàng hay bộ phận giao dịch để xử lý ngay lập tức. Khi đã có sự tham gia của công nghệ vào hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi xóa mờ những cản trở về không gian, thời gian nhờ các nền tảng công nghệ tự động hóa.

Bên cạnh đó, nó sẽ thu thập dữ liệu người dùng về để phân tích tìm ra những điều khách hàng không hài lòng về sản phẩm hay những điều hài lòng nhằm khắc phục và phát triển ưu điểm sản phẩm.

Vì sao nên ứng dụng công nghệ Blockchain trong kinh doanh bảo hiểm? Công nghệ chuỗi - khối (Blockchain) được phát minh và thiết kế đầu tiên bởi Satoshi Nakamoto vào năm 2008, khi mà đồng tiền Bitcoin được Satoshi giới thiệu ra thế giới. Tại thời điểm đó, người ta chỉ biết đến Bitcoin, và công nghệ đứng sau nó thì chưa có tiếng vang như thời điểm hiện giờ. Nhưng từ năm 2008 đến nay, Blockchain đã được phát triển và cải tiến trở thành một trong những công nghệ đột phá lớn nhất với tiềm năng ảnh hưởng rộng lớn tới mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, từ tài chính đế sản xuất, kinh doanh và thậm chí là cả lĩnh vực giáo dục.

Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian, do đó được gọi là chuỗi - khối (Blockchain). Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống Blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Đặc biệt, Blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống Blockchain bao gồm nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin mà không đòi hỏi “dấu hiệu của niềm tin”. Về cơ bản, Blockchain là một chuỗi các máy tính mà tất cả phải chấp thuận một giao dịch trước khi nó có thể được xác nhận và ghi lại. Giống như việc bạn gửi cái hộp đi mà mọi người đều xác nhận cái hộp đó là của bạn chứ không phải một vị luật sư hay một ngân hàng nào đó. Blockchain khẳng định giá trị riêng dựa trên các tính năng của nó: phân cấp, bất biến, bảo mật, minh bạch và truy xuất nguồn gốc.

- Tính phân cấp: Cơ sở dữ liệu Blockchain không được kiểm soát bởi một cơ quan trung ương mà được đóng góp, xác nhận và kiểm soát bởi nhiều thực thể; các cá nhân trong đó hoàn toàn kiểm soát và quyết định người và dữ liệu nào mà họ muốn chia sẻ.

- Tính bất biến: Tính năng này dựa trên sự tuyến tính: khối thông tin mới khi được xác thực sẽ được thêm vào phần “đuôi” của khối trước đó, tạo nên “chuỗi” dữ liệu.

- Tính bảo mật: Công nghệ Blockchain sử dụng mật mã để bảo mật dữ liệu, dùng hàm băm (hash function) để xác thực các giao dịch; với một dữ liệu đầu vào cụ thể, chỉ có một đầu ra cố định (hash). Điều này có nghĩa là gần như chúng ta không thể thay đổi dữ liệu đầu vào mà không để lại dấu vết.

- Tính minh bạch: Cơ sở dữ liệu Blockchain có tính công khai. Người dùng có khả năng truy cập, xem, đọc và viết nội dung và các chi tiết có liên quan (khả năng truy cập dựa trên loại nền tảng Blockchain nào đang được sử dụng).

Trong bảo hiểm, Blockchain là một hệ thống cơ sở dữ liệu phân tán, trong đó, các giao dịch và hồ sơ có thể được ký kết, trao đổi và xác minh mà không có sự kiểm soát của một bên trung tâm. Blockchain có thể được kết hợp với các công nghệ khác, đặc biệt là các hợp đồng thông minh, để cho phép các DNBH tự động hóa các quy trình và phát triển các sản phẩm sáng tạo mà nếu không có nó thì không thể thực hiện được.

Để thực hiện các giao dịch kinh doanh trong bảo hiểm, giao dịch an toàn mở tạo ra một mức độ minh bạch, bảo mật và đáng tin cậy mà trước đây không thể có được. Công nghệ này đã sẵn sàng để cách mạng hóa hoạt động trên nhiều lĩnh vực, cho phép các bên liên quan bổ sung - chẳng hạn như: nhà môi giới, nhà cung cấp, nhà tái bảo hiểm và các đối tác trong hệ thống tương tác với nhau. Kết quả là một chuỗi hệ thống được kết nối nhiều hơn, đảm bảo sự tin cậy về tính bảo mật và độ chính xác của dữ liệu về khách hàng, dữ liệu tài chính trong hợp đồng, thời gian đáo hạn. Điều này giúp cho các bên tham gia dễ dàng kiểm soát hợp đồng bảo hiểm đã ký kết với nhau.

2. Cơ sở vận dụng và giá trị mang lại từ công nghệ Blockchain trong chuyển đổi số vào kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam

2.1. Cơ sở lý thuyết vận dụng công nghệ Blockchain trong chuyển đổi số vào kinh doanh bảo hiểm

Blockchain đã nhận được rất nhiều sự chú ý trong những năm gần đây. Nó có tiềm năng thay đổi cách các DNBH hoạt động trong thời đại kỹ thuật số đang phát triển này. Sự thật là công nghệ Blockchain đã và đang giúp các DNBH tiết kiệm thời gian, cải thiện tính minh bạch, tiết kiệm thời gian, ngăn chặn gian lận, tuân thủ các quy định và phát triển các sản phẩm và thị trường tốt hơn. Để áp dụng công nghệ Blockchain trong kinh doanh bảo hiểm thì các DNBH vận dụng các nền tảng dựa trên các khung lý thuyết sau:

Khung lý thuyết về các bên liên quan (The theory of starkeholders):

Lý thuyết này cho rằng, bất kỳ một công ty hay tổ chức nào cũng có các bên liên quan (Freeman và cộng sự, 2010). Blockchain trong bảo hiểm được xem như một tập hợp các bên liên quan được khái quát hóa thành ba tầng:

Tầng 1 - Giao thức: ngôn ngữ máy tính và các nguyên tắc tính toán là nền tảng của các nhà phát triển đã nghiên cứu trước đó về học thuật;

Tầng 2 - Mạng: truy cập vào giao thức thông qua các DNBH, các nhà môi giới. Theo đó, những người làm trong ngành Bảo hiểm sẽ vận dụng hệ thống Blockchain để vào những sản phẩm và dịch vụ khách hàng. Đây là nền tảng kết nối giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng;

Tầng 3 - Ứng dụng: thông qua phục vụ yêu cầu từ người dùng như các khách hàng là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Khung lý thuyết về thông tin bất cân xứng (The theory of asymmetric infomation):

Theo khung Lý thuyết này, mọi giao dịch của các bên tham gia đang cố tình che đậy các thông tin, khi đó giá cả không phải là giá cân bằng của thị trường mà có thể cao hoặc thấp hơn giá cân bằng của thị trường (Akelop, 1970). Đây cũng là một vấn đề cần giải quyết triệt để trong mua, bán bảo hiểm. Việc vận dụng nền tảng Blockchain sẽ giúp thị trường bảo hiểm minh bạch các thông tin về người mua, người bán, nhà môi giới, các đại lý một cách chính xác, kịp thời và đầy đủ.

Khung lý thuyết về chi phí giao dịch (The theory of transaction cost):

Lý thuyết này cho rằng, sự tương tác của các hành vi cơ hội, khả năng con người bị hạn chế trong môi trường bất định và điều kiện thông tin không cân xứng tạo ra chi phí giao dịch. Chi phí này ảnh hưởng đến hiệu quả các giao dịch và nội bộ các doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ Bockchain kỳ vọng sẽ giúp giảm các chi phí giao dịch trong mua bán bảo hiểm của các công ty bảo hiểm.

2.2. Giá trị mang lại từ việc chuyển đổi số trong ứng dụng công nghệ Blockchain cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm

Quản lý chuỗi cung ứng các sản phẩm bảo hiểm

Một DNBH sẽ mua các thành phần từ một chuỗi các nhà cung ứng, sau đó tính toán các rủi ro và đưa sản phẩm bảo hiểm hoàn chỉnh ra thị trường. Lợi ích chính mà Blockchain mang lại trong chuỗi cung ứng là khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo hiểm với tính bảo mật và minh bạch cao. Blockchain cho phép lưu trữ số hóa mọi thông tin về các sản phẩm bảo hiểm cung cấp. Một mã nhận dạng duy nhất sẽ được cấp cho mỗi sản phẩm (hoặc một dòng sản phẩm). Với mã này và một dấu thời gian, các DNBH có thể theo dõi sản phẩm của mình trong suốt chuỗi cung ứng. Tất cả thông tin đều được lưu trữ trên hệ thống Blockchain. Do đó, quá trình kiểm toán giá trị gia tăng trở nên dễ dàng hơn. Blockchain đảm bảo giá trị minh bạch và bền vững của sản phẩm, của DNBH. Ví dụ như: sản phẩm được tạo ra một cách hợp pháp (không vi phạm các nguyên tắc tài chính, các quy định kinh doanh sản phẩm bảo hiểm).

Xử lý bồi thường bảo hiểm hiệu quả với Blockchain

Các hệ thống bảo hiểm truyền thống có thể dẫn đến nhiều hành vi gian lận, đòi hỏi lượng lớn công việc giấy tờ. Dữ liệu khách hàng được lưu trữ phân tán trên các cơ sở dữ liệu khác nhau của các công ty bảo hiểm và bệnh viện. Khả năng trùng lặp thông tin rất lớn, dẫn đến tỷ lệ sai sót cao trong quá trình xác nhận quyền sở hữu. Chuyển đổi kỹ thuật số với công nghệ Blockchain giúp lưu trữ bất biến dữ liệu trong một sổ cái phi tập trung. Có nghĩa là không ai có thể can thiệp vào bất kỳ thông tin nào mà không có sự đồng thuận của các tác nhân trong hệ thống. Dữ liệu được bảo toàn tuyệt đối. Blockchain cũng đem đến môi trường giao tiếp hiệu quả hơn giữa các thành viên của hệ thống bảo hiểm (khách hàng, công ty bảo hiểm, bệnh viện). Quy trình xác nhận quyền sở hữu giờ đây được tự động hóa trong khi niềm tin vẫn được duy trì nhờ tính minh bạch của Blockchain, tích hợp với hợp đồng thông minh. Các hệ thống bảo hiểm đang chuyển sang các mô hình đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí hơn.

Blockchain là giải pháp chia sẻ các dữ liệu tiện lợi và tiết kiệm cho ngành Bảo hiểm

Trong nhiều thế kỷ, dữ liệu DNBH đều được lưu trữ trên giấy tờ. Dữ liệu nằm trong các silo dữ liệu rời rạc, riêng lẻ, dẫn đến hạn chế trong việc chia sẻ dữ liệu tức thì. Trong khi đó, công nghệ Blockchain lưu trữ tài liệu một cách bảo mật, trên sổ cái phân tán, giúp dễ dàng truy cập khi cần thiết và chỉ những bên liên quan được ủy quyền mới có thể truy cập được. Ví dụ: trong ngành Bảo hiểm nhân thọ, Blockchain cam kết bảo mật hồ sơ sức khỏe của các cá nhân, khả năng tài chính, hợp đồng, điều khoản giao kết. Các tổ chức có thể kiểm tra lịch sử y tế, khả năng tài chính của các cá nhân thông qua dấu thời gian. Sau đó, thông tin này có thể được chia sẻ giữa các bác sĩ, bệnh viện, dược sĩ và DNBH sức khỏe theo cách an toàn, cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu của họ.

Blockchain bảo vệ danh tính kỹ thuật số cho người mua bảo hiểm

Trong thời đại chuyển đổi số, khi thông tin cá nhân nắm giữ nhiều giá trị lớn trong thế giới ảo, việc bảo mật thông tin cho khách hàng bảo hiểm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhu cầu sử dụng các giải pháp bảo mật thông tin cá nhân ngày càng gia tăng bởi hành vi trộm cắp danh tính sử dụng vào các mục đích khác nhau đang diễn ra phổ biến, thường xuyên. Sổ cái bất biến Blockchain giúp người dùng lưu trữ, kiểm soát tối đa dữ liệu cá nhân của họ. Mạng lưới phân tán đảm bảo dữ liệu trên Blockchain gần như không thể bị tấn công.

Với một ID chủ quyền riêng theo cấu trúc phân tán, người dùng có thể truy cập vào dữ liệu của mình một cách dễ dàng. Kết hợp với những công nghệ mới nổi khác, Blockchain giúp nhiều DNBH nâng cao các giải pháp bảo mật dữ liệu của mình. Không chỉ hỗ trợ các giao dịch mua, bán bảo hiểm trực tuyến an toàn mà giải pháp này còn giúp ngăn chặn việc các công ty kiếm tiền từ dữ liệu của khách hàng khi chưa được phép.

Giảm gian lận và trục lợi bảo hiểm

Khi sử dụng Blockchain trong kinh doanh hệ thống ngành Bảo hiểm, tất cả thông tin người dùng được lưu trữ một cách xác thực và vĩnh viễn trên cơ sở dữ liệu Blockchain. Dữ liệu có thể được sử dụng để phân tích và dự đoán hành vi gian lận (fraud behavior) của người dùng từ lịch sử giao dịch của họ nhanh hơn và thuận tiện hơn.

Tiết kiệm quỹ thời gian cho quy trình giải quyết

Chúng ta đều biết rằng, các quy trình trong ngành Bảo hiểm đòi hỏi rất nhiều giấy tờ. Con người dễ làm mất hoặc bỏ quên một tài liệu nào đó khi cần thiết, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong việc xử lý khiếu nại (claim). Sử dụng công nghệ phân tán, các DNBH sẽ đẩy nhanh tiến độ cập nhật thông tin người dùng. Trong hợp đồng thông minh (smart contracts), một tập hợp các điều kiện được tạo ra. Thông qua cơ sở dữ liệu, các điều khoản hợp đồng, giao dịch và thông tin cần thiết khác sẽ được tự động thu thập.

Ngay khi các điều kiện này được đáp ứng, các điều khoản của thỏa thuận bảo hiểm được thực hiện tự động ngay lập tức.

Tăng sự tương tác và tin tưởng từ phía khách hàng

Các DNBH có thể sử dụng dữ liệu này để phân tích hành vi của khách hàng. Sau khi biết được thói quen và lịch sử sức khỏe của khách hàng, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng đưa ra nhiều ý tưởng mới hơn để cung cấp dịch vụ tốt hơn, từ đó có được sự tham gia và lòng trung thành từ khách hàng của họ. Đối với khách hàng, nếu họ biết những gì xảy ra với thông tin của họ và các thủ tục cần thiết, thì họ sẽ chủ động biết cần phải làm gì, từ đó tạo cảm giác minh bạch và có niềm tin hơn với DNBH.

Giảm các chi phí phát sinh không cần thiết

Khi chưa ứng dụng công nghệ Blockchain, các DNBH luôn phải chiụ những chi phí phát sinh từ các vị trí nhân sự khi xử lý các sự cố như: khiếu nại, bồi thường, bảo mật... Điều này ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận chung của các doanh nghiệp này. Khi sử dụng công nghệ Blockchain, quy trình giải quyết các phát sinh nhanh hơn, tăng niềm tin cho khách hàng, từ đó gián tiếp giúp DNBH bán được nhiều sản phẩm hơn, tăng doanh thu, mở rộng phạm vi kinh doanh.

3. Khuyến nghị cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam khi ứng dụng Blockchain vào chuyển đổi số

Blockchain là nền tảng của cuộc Cách mạng 4.0 đã và đang được thử nghiệm, bước đầu đã mang lại những thành công nhất định trên thế giới ở nhiều lĩnh vực: y tế, giáo dục, logicstic… Trong lĩnh vực bảo hiểm, Blockchain cũng đã có những thành công nhất định ở các nước phát triển như: Thụy Sĩ, Anh, Đức, Mỹ…, mang lại doanh thu lớn cho các tập đoàn, DNBH ở các nước này. Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ Blockchain tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cần có những thận trọng nhất định khi nền tảng chuyển đổi số ở nước ta chưa cao.

Thứ nhất, DNBH cần tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, báo chí về công nghệ Blockchain cho mọi người nói chung và các khách hàng bảo hiểm nói riêng, do tâm lý sợ bị lừa đảo của khách hàng khi giao dịch trực tuyến, nhất là những hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn. Các DNBH cần từng bước xây dựng nền tảng số để vận dụng công nghệ Blockchainclockchain tốt nhất. Trước mắt, DNBH cần làm nổi bật tính tương tác với khách hàng để tạo niềm tin cho khách hàng khi họ cần tư vấn để tham gia hợp đồng mới hoặc tái ký hợp đồng bảo hiểm.

Thứ hai, về các quy định pháp lý khi vận hành công nghệ Blockchain: Các cơ quan lập pháp nên nghiên cứu ban hành hệ thống pháp luật khi sử dụng công nghệ Blockchain để làm căn cứ cho các DNBH thử nghiệm, áp dụng. Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc theo quy định của Luật An ninh mạng để bảo về danh tính, quyền lợi, tài sản của khách hàng và DNBH khi sử dụng công nghệ Blockchain.

Thứ ba, về tài chính đầu tư xây dựng hệ thống Blockchain: Các DNBH cần có chiến lược tài chính cho vấn đề này bởi khi DNBH vận hành hệ thống Blockchain thì phải chi phí cho các nhà phát triển, các nhà vận hành hệ thống. Vấn đề này đòi hỏi chi phí lớn, do đó dễ ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của DNBH trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Trong thời kỳ bùng nổ cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, ứng dụng Blockchain là một giải pháp hữu ích cho các DNBH hiện nay. Ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động quản lý kinh doanh của các DNBH ở Việt Nam đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu.

Các doanh nghiệp chưa dám đầu tư nhiều vào công nghệ Blockchain bởi những rủi ro, chi phí trong quá trình vận hành. Tuy nhiên, giá trị mà Blockchain mang lại cho các DNBH như: giảm thiểu chi phí, hạn chế khả năng trục lợi, tăng khả năng tương tác với khách hàng, bảo mật tuyệt đối thông tin… thì có thể thấy rõ. Để phát huy giá trị mà công nghệ Blockchain mang lại, cần có sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng liên quan về hành lang pháp lý, tiềm lực tài chính để các DNBH có thể đưa ứng dụng công nghệ Blockchain vào kinh doanh phát triển lâu dài, bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Alexander Braun, Florian Schreiber (2017), The Current InsurTech Landscape:Business Models and Disruptive Potential, Institute of Insurance Economics I.VWHSG, University of St. Gallen and Swiss Re Institute.

2. Anish Raj & Prasad Joshi (2018), Changing Face of the Insurance Industry (White Paper), Infosys.com, Bengaluru, India.

3. CB Insights (2015), The Periodic Table of InsuranceTech.

4. IAIS (2017), Fintech Developments in the Insurance Industry.

TS. Hoàng Minh Tuấn

Trường Đại học Lao động - Xã hội

Tạp chí in số tháng 10/2023
Bạn đang đọc bài viết Xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ Blockchain trong kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận