Xử lý nợ xấu: DATC mang lại lợi ích cho cả 3 bên

22/06/2020, 09:53

TCDN - Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao đẩy mối quan hệ giữa doanh nghiệp, ngân hàng, nhà nước rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, cơ chế xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC được xem là giải pháp căn cơ nhất giúp xử lý triệt để nợ xấu và hài hòa lợi ích của 3 chủ thể này.

3-1

Nợ xấu vẫn tăng

Nợ xấu tăng luôn là mối nguy hiểm với bất cứ nền kinh tế nào. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, dịch bệnh xuất hiện đầu năm 2020 khiến hoạt động kinh tế ở Việt Nam suy giảm ở khắp các lĩnh vực, trong đó doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn bởi sản xuất kinh doanh bị “tê liệt”, nợ xấu theo đó cũng tăng mạnh. Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên đến hơn 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống. 

Đặc biệt, trong quý 1/2020, hàng loạt ngân hàng có nợ xấu tăng. Cụ thể, nợ xấu nội bảng của Sacombank cuối tháng 3 ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng cũng diễn ra tại một số ngân hàng như: SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%; BacABank tăng từ 0,69% lên 0,79%...

Nợ xấu tăng cao đe dọa hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia, dẫn đến tình trạng xói mòn vốn của các ngân hàng, gây ảnh hưởng đến sự an toàn vốn. Nếu tình trạng này kéo dài và diễn ra trên diện rộng, không được xử lý thì một lượng lớn vốn của nền kinh tế sẽ nằm chết trong các doanh nghiệp dẫn đến sự suy giảm khả năng thanh khoản gây rủi ro đổ vỡ hệ thống.

Mặt khác, nợ xấu tác động trực tiếp đến chính sách tài khóa do số thu thuế từ doanh nghiệp và ngân hàng bị giảm. Để cứu doanh nghiệp và ngân hàng, nhà nước thường phải có các gói hỗ trợ lớn, mà điều này cũng dẫn đến nguy cơ lạm phát.

Như vậy, điểm mấu chốt là phải có sự đột phá xử lý nợ xấu vì nếu không xử lý được vấn đề nợ xấu, không chỉ việc cải cách doanh nghiệp và ngân hàng bị trì hoãn mà sự phát triển kinh tế bền vững cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Lợi cả 3 bên 

Các chuyên gia cho rằng, so với hàng loạt biện pháp xử lý nợ, cơ chế xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC được xem là giải pháp khả thi nhất giúp xử lý triệt để nợ xấu. 

Ra đời từ năm 2003 theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 với mục tiêu xử lý nợ và tài sản tồn đọng thúc đẩy tái cơ cấu DNNN và NHTMNN, DATC lấy xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu phục hồi doanh nghiệp làm cơ chế hoạt động chủ đạo.

Việc phối hợp với DATC trong mua bán xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 bên. Cụ thể: DATC giúp các doanh nghiệp khách nợ thua lỗ, có nguy cơ phá sản giảm nợ vay, lành mạnh tài chính, cơ cấu lại nguồn lực, thoát khỏi việc bị chủ nợ kiện ra tòa, cơ bản thoát khỏi nguy cơ phá sản. Từ đó góp phần giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, tiến tới phục hồi và phát triển, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Về phía các tổ chức tín dụng, DATC giúp các ngân hàng xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu. Việc mua nợ của DATC đã góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng chuyển hóa “vốn chết” thành “vốn sống”, giúp các ngân hàng thương mại xử lý nhanh khối lượng nợ tồn đọng, làm tăng tính thanh khoản và an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, góp phần khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, đồng thời cải thiện và nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng và doanh nghiệp.

Đối với Nhà nước, DATC đã giúp xử lý nợ tồn đọng, phục hồi hàng trăm doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, từ đó giúp Nhà nước thu hồi nợ đọng thuế và bảo hiểm xã hội, làm tăng thu cho ngân sách, giúp tái tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội địa phương.

Lợi ích DATC mang lại cho doanh nghiệp, ngân hàng, nhà nước được chứng minh qua hàng loạt các doanh nghiệp đã được DATC hỗ trợ tái cơ cấu thành công, trong đó, trường hợp xử lý nợ xấu, tái cơ cấu như tại Công ty Mía đường Sơn La đã trở thành một kinh nghiệm điển hình. Từ một doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất, hàng trăm công nhân không có việc làm, nhiều vùng nguyên liệu mía trở thành bãi đất hoang hóa, chỉ sau một thời gian ngắn, Mía đường Sơn La đã đứng vào top đầu của ngành mía đường Việt Nam, trở thành cổ phiếu luôn hấp dẫn nhà đầu tư.

Sự hồi sinh của Mía đường Sơn La có dấu ấn lớn từ cuộc “giải cứu” của DATC. DATC đã thực hiện chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp, thực hiện tái cơ cấu một cách toàn diện từ nợ xấu, đến quản trị doanh nghiệp, vùng nguyên liệu, máy móc thiết bị, đồng thời tạo cuộc “cách mạng” thay đổi đội ngũ lãnh đạo có tâm, có tầm về điều hành công ty. Mía đường Sơn La được hồi sinh không chỉ đem lại nguồn lợi cho công ty, cho ngân sách, mà tác động quan trọng là giữ được việc làm ổn định cho hàng trăm công nhân, tạo sinh kế cho hàng ngàn nông dân ở vùng nguyên liệu.

Sau hơn 17 năm hoạt động, DATC đã có nhiều kết quả kinh doanh góp phần quan trọng giải quyết nợ và tài sản tồn đọng của các DNNN. Cụ thể như:

- Xử lý trên 90.000 tỷ đồng nợ trong và ngoài nước cho doanh nghiệp; Hỗ trợ trên 3.000 doanh nghiệp xử lý nợ trong quá trình cổ phần hóa.

- Xử lý nợ để tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu cho 180 doanh nghiệp. Trong đó có 80 DNNN với giá trị chuyển nợ thành vốn góp trên 1.400 tỷ đồng.

- DATC đã giúp trên 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xử lý nợ để hoàn tất cổ phần hóa, trong đó có những tổng công ty mà Nhà nước chỉ đạo thực hiện cả chục năm không thực hiện được nhưng qua DATC đã thành công.

- DATC đã giúp hàng chục ngàn lao động có công ăn việc làm, giúp xử lý nợ đọng thuế và BHXH, tăng nguồn thu cho NSNN, bổ sung hàng hóa cho thị trường chứng khoán, kết nối nhà đầu tư với doanh nghiệp.

Đặc biệt, tháng 4/2020, tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém tại một số dự án và doanh nghiệp kém hiệu quả ngành Công Thương, DATC được Chính phủ chỉ định tái cơ cấu các dự án yếu kém.

Phương Anh

Tạp chí số tháng 6/2020
Bạn đang đọc bài viết Xử lý nợ xấu: DATC mang lại lợi ích cho cả 3 bên tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan