Xuất khẩu thủy sản tăng gần 40%, nhiều kỷ lục mới được thiết lập

22/07/2022, 13:37
báo nói -

TCDN - Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu của ngành thuỷ sản ghi nhận nhiều mốc kỷ lục, như: Kỷ lục doanh số, kỷ lục về tăng trưởng so với nửa đầu các năm. Các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đã thu về 5,7 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết nửa đầu năm 2022, ngành thuỷ sản ghi nhận nhiều mốc kỷ lục về xuất khẩu: kỷ lục doanh số, kỷ lục về tăng trưởng so với nửa đầu các năm. Cả ngành thuỷ sản đã thu về 5,7 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Khảo sát số liệu kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy, nhiều doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu tăng trưởng bứt phá trong nửa đầu năm nay. Trong đó, nhóm doanh nghiệp tăng trưởng mạnh tập trung nhiều hơn vào ngành hàng cá tra. Dẫn đầu trong số gần 900 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, Công ty CP Vĩnh Hoàn đã mang về doanh số trên 226 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp thủy sản bứt phá từ mảng xuất khẩu.

Doanh nghiệp thủy sản bứt phá từ mảng xuất khẩu.

Bên cạnh Vĩnh Hoàn, các công ty xuất khẩu cá tra khác cũng ghi nhận mức tăng doanh số cao như Công ty Thuỷ sản Biển Đông tăng 41%, Công ty IDI tăng 86%, NAVICO tăng 41%, Công ty Vạn Đức Tiền Giang tăng  gần 61%,  Công ty Đại Thành Tiền Giang tăng 118%, Công ty CP Thủy sản NTFS tăng 87%...

Theo VASEP, dẫn đầu trong các doanh nghiệp tôm và đứng thứ 2 trong các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản là Công ty CP Thuỷ sản Sóc Trăng (STAPIMEX), đạt kim ngạch 188 triệu USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn Minh Phú đứng thứ 3 với doanh số tăng 6%...

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng đạt tăng trưởng cao như: Công ty CP Dịch vụ và Thuỷ sản Cà Mau (CASES) tăng 47%, Công ty Thuỷ sản Sao Ta tăng 18%, Thuận Phước tăng 13%, Công ty Tài Kinh Anh tăng 73%. Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Anh Nhân bứt phá ngoạn mục với doanh số gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, hiện nay, hơn 80% nguyên liệu cá ngừ, doanh nghiệp phải nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ chưa có FTA với Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp không thể tận dụng được các lợi thế từ FTA để tăng sức cạnh tranh so với các quốc gia XK khác. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp chế biến XK cá ngừ.

Khó khăn hơn tôm và cá tra, doanh nghiệp hải sản càng nỗ lực vượt trội và đã đạt được kết quả cao hơn năm trước. Trong đó, những công ty cá ngừ như Hải Long Nha Trang tăng doanh số XK 58%, Công ty CP thuỷ sản Bình Định tăng 33%, Công ty Hải Vương (HAVUCO) tăng 144%, Công ty Tín Thịnh tăng gấp đôi doanh số so với cùng kỳ... Nhiều công ty hải sản khác cũng ghi nhận XK tăng mạnh như Nha Trang Seafood F17 tăng 34%, Công ty CPTS NTFS tăng 87%, Công ty TNHH Hải Nam tăng 67%...

Tổng cục Thủy sản dự báo: Năm 2022, nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu tiếp tục ở mức cao với động lực từ thị trường Mỹ và EU. Hiện tại, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Mỹ với tỉ trọng chiếm khoảng 6,4%. Việt Nam cũng là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 8 cho Trung Quốc, chiếm 4,97% trong tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc.

Dự báo xuất khẩu thủy sản có thể đạt trên 9,2 tỷ USD trong năm 2022, vượt mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra.

Minh Tuệ
Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu thủy sản tăng gần 40%, nhiều kỷ lục mới được thiết lập tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Xuất khẩu cà phê tăng mạnh, đạt trên 2,3 tỷ USD
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm đạt 1,03 triệu tấn và 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu mức tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm qua.