10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2019

29/12/2019, 19:51

TCDN - Cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều tại Hà Nội; bắt giữ hai cự Bộ trường Thông tin và truyền thông; loạt sự cố môi trường; thắng lợi tại SEA Games 30... phác hoạ một năm với những gam màu đối lập.

Hà Nội tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quyết định gặp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội ngày 27-28/2, sau nhiều đồn đoán về địa điểm tổ chức.

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triền Tiên hội đàm tại Hà Nội hồi tháng 2/2019. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triền Tiên hội đàm tại Hà Nội hồi tháng 2/2019. Ảnh: AFP.

Việc trở thành nhà tổ chức cuộc gặp lịch sử cho thấy Việt Nam nhận được sự tin cậy của cả hai nước Mỹ - Triều về năng lực hậu cần, an ninh trong vai trò trung gian thúc đẩy hoà bình quốc tế. Các sự kiện của cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra theo đúng lịch trong hai ngày. Hà Nội đáp ứng nơi ở cho 1.500 người của đoàn Mỹ, 220 người của đoàn Triều Tiên và khoảng 3.000 phóng viên nước ngoài. 

Tăng trưởng GDP thuộc nhóm hàng đầu khu vực

Việt Nam lần đầu tiên thử nghiệm phát sóng 5G trên mạng Viettel.

Việt Nam lần đầu tiên thử nghiệm phát sóng 5G trên mạng Viettel.

Năm 2019, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,03% trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược trong khu vực và trên thế giới gia tăng. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra; trong đó xuất siêu đạt mức kỷ lục 9,94 tỷ USD, vốn FDI đăng ký đạt 38,02 tỷ USD - là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, bội chi ngân sách thấp, lạm phát dưới 3%. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Việt Nam - EU ký Hiệp định thương mại tự do

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Việt Nam và EU ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) sau 9 năm đàm phán. EVFTA mở ra cơ hội lớn cho thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU, là hiệp định thương mại tham vọng nhất EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Cao uỷ Liên minh châu Âu Cecilia Malmstrom trao IPA cho Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sáng 30/6. Ảnh: Giang Huy.

Cao uỷ Liên minh châu Âu Cecilia Malmstrom trao IPA cho Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sáng 30/6. Ảnh: Giang Huy.

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới hơn 99% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể. Theo tính toán, FTA giữa Việt Nam và EU sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân 4-6% một năm trong 10 năm đầu kể từ khi hiệp định có hiệu lực. 

Hiệp định IPA gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư và sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký với Việt Nam. Hiệp định này khi có hiệu lực sẽ tạo ra khung pháp lý mới đảm bảo ngăn ngừa xung đột về lợi ích cũng như tăng cường minh bạch.

Sau ký kết, Việt Nam và EU vẫn đang trong quá trình chờ Nghị viện EU và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, để các hiệp định này được thực thi.

Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài

Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2030”. Việc lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về FDI đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bokwang Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bokwang Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Nghị quyết chỉ rõ ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới là các dự án có công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nghị quyết là tiền đề để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới có chất lượng cao hơn.

Hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông bị bắt

Hơn nửa năm sau khi khởi tố vụ án nâng giá Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) để bán cho MobiFone khiến nhà nước thiệt hại gần 6.600 tỷ đồng, ngày 23/2, Bộ Công an khởi tố, bắt hai cựu bộ trưởng Thông tin Truyền thông là các ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị dẫn giải đến toà hôm 16/12. Ảnh: Giang Huy.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị dẫn giải đến toà hôm 16/12. Ảnh: Giang Huy.

Ông Son bị cáo buộc là chủ mưu vụ án, đã nhận hối lộ 3 triệu USD (gần 66,5 tỷ đồng), ông Tuấn nhận 200.000 USD (hơn 4,4 tỷ đồng) từ Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ. Cùng tội danh nhận hối lộ còn có cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà (2,5 triệu USD, tương đương 57 tỷ đồng), cựu Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải (500.000 USD, hơn 11 tỷ đồng).

Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, hai cựu bộ trưởng cùng bị bắt vì tội Nhận hối lộ trong một vụ án. Cả hai ông bị truy tố theo khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình.

Trước vành móng ngựa, ông Trương Minh Tuấn nói, việc bị kết tội Nhận hối lộ là "nỗi nhục", ảnh hưởng uy tín cán bộ công chức ngành thông tin truyền thông. "Phiên toà này có thể kết thúc nhưng toà án lương tâm sẽ bám theo chúng tôi cho đến khi chấm dứt cuộc đời. Đó là điều đau khổ nhất".

Liên quan vụ án còn 12 người khác bị xét xử, trong đó có 7 lãnh đạo cấp cao của MobiFone. Vụ án một lần nữa chứng minh cho tinh thần "đốt lò" chống tham nhũng "không có vùng cấm" của người đứng đầu Đảng.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên diện rộng 

Ngày 19/2/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công bố thông tin Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Đây được xem là dịch bệnh nguy hiểm, hiện chưa có vắc xin phòng chống và chưa thể chữa trị.

Tiêu hủy lợn bị bệnh tả châu Phi ở xã Thanh Bình (Chương Mỹ, Hà Nội) ngày 29/6. Ảnh: Tất Định.

Tiêu hủy lợn bị bệnh tả châu Phi ở xã Thanh Bình (Chương Mỹ, Hà Nội) ngày 29/6. Ảnh: Tất Định.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định chưa có loại dịch nào gây ra tác hại lớn và khó khăn trong quá trình ứng phó như dịch tả lợn châu Phi. Toàn hệ thống chính trị đã quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. 

Tính đến trung tuần tháng 12, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là gần 6 triệu con với trọng lượng 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn cả nước. Dịch đã làm nguồn cung thịt lợn trên thị trường khan hiếm, đẩy giá thịt lợn tăng cao trong những tháng cuối năm.

Các ngân hàng thương mại với cuộc đua tăng vốn điều lệ

Năm 2019 ghi nhận việc một loạt ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Tiêu hủy lợn bị bệnh tả châu Phi ở xã Thanh Bình (Chương Mỹ, Hà Nội) ngày 29/6. Ảnh: Tất Định.

Tiêu hủy lợn bị bệnh tả châu Phi ở xã Thanh Bình (Chương Mỹ, Hà Nội) ngày 29/6. Ảnh: Tất Định.

Hiện đã có 18 ngân hàng trong hệ thống đáp ứng chuẩn Basel II, trong đó có 16 ngân hàng trong nước và 2 ngân hàng nước ngoài. Basel II là chuẩn mực cao nhất được áp dụng tại nhiều quốc gia nhằm xác định các tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng và tăng cường hệ thống tài chính... Tiêu chuẩn này sẽ giúp các ngân hàng thương mại đảm bảo các chỉ số vốn, yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, góp phần củng cố nền tảng vững chắc cho hệ thống tài chính tín dụng và cho nền kinh tế.

Loạt sự cố môi trường ở Hà Nội

Tối 28/8, đám cháy nhà kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (phố Hạ Đình) đã giải phóng thủy ngân từ hàng triệu bóng đèn ra môi trường. Không có người tử vong, nhưng việc nhà kho nằm giữa khu dân cư đông đúc bậc nhất quận Thanh Xuân đã khiến hàng trăm gia đình bị ảnh hưởng.

Khoảng 6.000 m2 nhà kho Rạng Đông đổ sập sau vụ cháy. Nhà kho nằm giữa khu dân cư đông đúc của quận Thanh Xuân. Ảnh: Ngọc Thành.

Khoảng 6.000 m2 nhà kho Rạng Đông đổ sập sau vụ cháy. Nhà kho nằm giữa khu dân cư đông đúc của quận Thanh Xuân. Ảnh: Ngọc Thành.

Sau đám cháy, các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn đưa ra nhiều đánh giá bất nhất về việc không khí nhiễm độc thuỷ ngân, đẩy người dân vào tình cảnh hoang mang. Trong khi chờ kết luận chính thức, cả trăm hộ dân đã tự sơ tán, nhiều trường cho học sinh nghỉ học. Cả nghìn người đổ đến bệnh viện khám sức khoẻ khiến Sở Y tế Hà Nội phải đưa bác sĩ đến các khu dân cư khám, xét nghiệm miễn phí nhằm giải toả căng thẳng.

Nửa tháng sau, ngày 12/9, việc tẩy độc nhà kho Rạng Đông mới được thực hiện. Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định các thông số về chất lượng không khí, môi trường quanh khu vực đã an toàn.

Mối lo thủy ngân vừa lắng, ngày 10/10, khoảng 280.000 hộ dân các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... lại ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nước sạch.

Nguồn nước khe suối ở Hòa Bình bị đổ 9 tấn dầu thải. Dầu lan vào kênh dẫn nhà máy sản xuất nước sạch Sông Đà rồi chảy về vòi nước sinh hoạt các khu dân cư. Nhà máy Sông Đà phải cắt nước để súc rửa đường ống, các khu đô thị, gia đình phải thau bể chứa.

Thành phố phải chở nước sạch từ các nhà máy khác đến ứng cứu khu vực nước nhiễm bẩn. Người dân xếp hàng cả đêm hứng nước từ xe téc như thời bao cấp, nước đóng chai bị vơ vét ở hầu hết siêu thị là cảnh tượng diễn ra suốt một tuần từ 15 đến 22/10.

Bùng nổ thị trường hàng không tư nhân

Ngày 16/1/2019, Hãng hàng không Bamboo Airways chính thức gia nhập thị trường hàng không với chuyến bay thương mại đầu tiên Tp. Hồ Chí Minh - Hà Nội. Sau 8 năm, Việt Nam lại có thêm một hãng hàng không mới ra đời, mở ra cuộc cạnh tranh giành thị phần nội địa giữa các hãng hàng không.

Empty

Hiện có thêm Công ty cổ phần Hàng không Vinpear Air, Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), Công ty cổ phần hàng không Ngôi sao Việt (Vietstar), Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh (dự án Hãng hàng không Cánh Diều - Kite Airlines)... đang hoàn thành các thủ tục để khai thác thương mại.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đặc thù của ngành hàng không như: thành lập Viện Đào tạo Hàng không Bamboo Airways, trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không Vinpearl Air, Học viện Hàng không Vietjet.

Việt Nam thành cường quốc tại SEA Games 30

Giành 98 huy chương vàng, 85 huy chương bạc và 105 huy chương đồng, Việt Nam xếp thứ hai toàn đoàn sau chủ nhà Philippines, đồng thời bỏ xa các cường quốc thể thao khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Các cầu thủ Việt Nam công kênh HLV Park Hang-seo trong lễ nhận huy chương vàng tại SEA Games 30. Ảnh: Đức Đồng.

Các cầu thủ Việt Nam công kênh HLV Park Hang-seo trong lễ nhận huy chương vàng tại SEA Games 30. Ảnh: Đức Đồng.

Bóng đá nam gây ấn tượng mạnh với thành tích bất bại, lần đầu đoạt huy chương vàng sau gần 30 năm hội nhập trở lại khu vực. Bóng đá nữ có huy chương vàng thứ sáu - thống trị tuyệt đối khu vực. Các môn Olympic như điền kinh, bơi, cử tạ, đấu kiếm... đóng góp 60% số huy chương vàng. Trong đó, điền kinh và bơi lập bốn kỷ lục đại hội. Võ tiếp tục là "mỏ vàng" của Việt Nam khi mang về 41 huy chương. Nguyễn Thị Ánh Viên đóng góp 6 huy chương vàng - nhiều nhất trong số các VĐV.

Những thống kê trên đã khắc họa một gương mặt hoàn toàn mới, đánh dấu sự trưởng thành của thể thao Việt Nam. Tại buổi tuyên dương các vận động viên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Thành tích ở SEA Games 30 là cú hích phát triển đất nước".

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết 10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2019 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan