2 động lực tăng của chứng khoán mỗi lần chỉ số VN-Index về vùng thấp

18/10/2022, 08:59
báo nói -

TCDN - Dòng tiền bắt đáy và chính sách thúc đẩy kinh tế là 2 yếu tố then chốt thúc đẩy đà tăng của thị trường chứng khoán mỗi khi chỉ số VN-Index rơi về vùng định giá thấp.

Báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC) chỉ ra rằng, tính đến ngày 14/10/2022, P/E và P/B của chỉ số VN-Index lần lượt ở mức 9,98, mức thấp thứ 3 trong lịch sử) và 1,71, mức thấp thứ 5 trong lịch sử.

"Những lần trước, việc hai chỉ số VN-Index lùi trở về mức thấp là yếu tố thu hút dòng tiền đến với, hoặc trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam", nhóm phân tích nhận định.

Chính sách kinh tế và dòng tiền bắt đáy

Thị trường chứng khoán bùng nổ trong năm 2020 với sự gia nhập thị trường của các nhà đầu tư cá nhân trong nước, kéo theo thanh khoản và giao dịch ký quỹ (margin) tăng vọt.

Cũng trong năm 2020, khối ngoại bán ròng kỷ lục, đi ngược xu hướng của giai đoạn tăng điểm năm 2012 và 2016 do COVID-19 bùng nổ và gây ra những cú sốc đối với nền kinh tế toàn cầu, khiến các dòng tiền ngoại thường có xu hướng rút ra khỏi các thị tường mới nổi và cận biên (bao gồm Việt Nam) để hướng về các kênh đầu tư ít rủi ro hơn.

Đối với giai đoạn 2009, thanh khoản tăng vọt gần 400% do dòng tiền trở lại thị trường sau cú sụt giảm mạnh giai đoạn 2007 - 2008. 

giao dich chung khoan 9

Trong những giai đoạn như thế, yếu tố thúc đẩy chỉ số VN-Index bật tăng trở lại chủ yếu là các chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế, cụ thể là các gói kích thích kinh tế, chính sách liên quan đến hỗ trợ tín dụng, chính sách liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế, quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, đông lực còn đến từ dòng tiền bắt đáy của các nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán về mức định giá rẻ.

Các ngành đều tăng trưởng theo đà tăng chung của thị trường

Trong giai đoạn tăng điểm 2012, hơn một nửa số ngành có tăng trưởng vượt chỉ số VN-Index sau 6 tháng. Tuy nhiên xu hướng này giảm dần và đến giai đoạn 2020 chỉ có 7 ngành có tăng trưởng vượt VN-Index sau 6 tháng. Trong hai lần VN-Index bật tăng gần nhất (năm 2020 và năm 2016), truyền thông là ngành có mức tăng trưởng cao nhất.

Quay về thời điểm hiện tại, tình hình vĩ mô thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như áp lực nâng lãi suất để thắt chặt CSTT của NHTW trên thế giới tiềm ẩn tạo ra một đợt suy thoái trong năm 2023. Việc Mỹ vẫn đang quyết liệt nâng lãi suất để chống lại lạm phát tạo ra sức ép khiến các nước khác phải nâng lãi suất theo.

Bên cạnh đó, thách thức cũng đến từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu khi châu Âu và Nga giáng những đòn trừng phạt kinh tế lẫn nhau và tình hình COVID-19 tại Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn phức tạp, buộc quốc gia này phải tiếp tục duy trì phong tỏa ở một số thành phố lớn.

Những yếu tố này đã tạo ra áp lực đè nặng lên thị trường chứng khoán của các nền kinh tế lớn, khiến các thị trường chứng khoán này duy trì đà giảm sâu. Áp lực từ sự giảm điểm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào xu hướng giảm từ đầu quý 2/2022 tới nay, dòng tiền có xu hướng rút khỏi thị trường, dù bức tránh vĩ mô trong nước nhìn chung vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.

Những yếu tố có thể giúp VN-Index bật lên thời điểm hiện tại có thể là chính sách của Chính phủ liên quan tới việc thúc đẩy nền kinh tế hoặc là dòng tiền bắt đáy của nhà đầu tư khi VN-Index đang ở mức định giá rẻ.

Tuy nhiên, đối với yếu tố đầu tiên, Việt Nam khó có thể đi ngược xu hướng thắt chặt CSTT của các NHTW trên thế giới. Đối với yếu tố thứ hai, hiện tại thị trường thiếu những thông tin tích cực để thu hút dòng tiền.

Tùng Lâm
Bạn đang đọc bài viết 2 động lực tăng của chứng khoán mỗi lần chỉ số VN-Index về vùng thấp tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan