Kết quả kinh doanh quý 3 có thể giáng thêm đòn vào chứng khoán Mỹ
TCDN - Giới phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp khá tiêu cực và các chỉ số chứng khoán Mỹ có nguy cơ giảm mạnh.
Tạp chí Fortune chỉ ra rằng lợi nhuận của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Mỹ trong quý 2 tươi sáng hơn ước tính của các nhà phân tích. Lạm phát leo lên đỉnh 40 năm nhưng các công ty thuộc chỉ số S&P 500 vẫn báo cáo lợi nhuận vượt kỳ vọng 4%, số liệu của Bank of America cho thấy. Tỷ lệ đó cao hơn mức vượt trội trung bình lịch sử là 2,7%.
Giá dầu khí tăng là một trở ngại
Thành tích khả quan như thế khó có thể lặp lại do động lực tăng trưởng chính trong quý 2 đến từ nhóm năng lượng khi giá dầu khí vọt lên cao. Nếu không kể các công ty năng lượng, lợi nhuận của nhóm S&P 500 đã giảm trong quý 2 và đa số nhà phân tích dự báo xu thế ấy sẽ còn tiếp diễn.
Số doanh nghiệp cảnh báo lợi nhuận chịu ảnh hưởng tiêu cực đã đạt tới mức cao kỷ lục trong tháng 8, khiến giới đầu tư hoang mang và đẩy chỉ số S&P 500 lao dốc. Các ngân hàng đầu tư cũng giảm mạnh dự báo lợi nhuận quý 3 trong thời gian gần đây.
Bank of America ước tính lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) quý 3 của chỉ số S&P 500 hiện nay thấp hơn 7% so với tháng 7 và tới 9/11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 bị điều chỉnh giảm dự báo kết quả kinh doanh.
Bà Savita Subramanian, Giám đốc chiến lược phái sinh và cổ phiếu Mỹ tại Bank of America, cảnh báo nhà đầu tư chứng khoán Mỹ nên “chuẩn bị sẵn sàng” cho một mùa kết quả kinh doanh quý 3 đầy sóng gió và có thể phải chịu thêm nhiều đau đớn phía trước.
“Giá cả đang lập đỉnh, nhu cầu đang chậm lại nhưng chi phí thì khó thay đổi. Số liệu quý 3 có thể vẫn khả quan, nhưng ai thèm quan tâm? Dự báo quý tiếp theo chắc chắn sẽ rất tệ hại”, bà Subramanian cảnh báo trong một nghiên cứu công bố ngày 10/10.
Viễn cảnh u ám
Bank of America dự báo lợi nhuận quý 3 của nhóm S&P 500 sẽ chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với tốc độ đi lên mà nhà đầu tư chứng khoán Mỹ thường thấy trong vài năm qua.
Fortune cho biết bà Megan Horneman, Giám đốc đầu tư tại Verdence Capital Management, đưa ra dự báo khả quan hơn là lợi nhuận quý 3 sẽ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, con số này vẫn kém xa mức tăng trưởng bình quân 32,3% trong 7 quý gần đây.
Bà Subramanian của Bank of America dự báo tình hình tương lai sẽ còn thê thảm hơn quý 3 và nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục hạ mục tiêu kết quả kinh doanh. Bank of America dự báo lợi nhuận năm 2023 sẽ giảm 9%.
Nếu lợi nhuận đi xuống giống như bà Subramanian dự tính, S&P 500 có thể giảm còn 3.300 điểm, tức là thấp hơn khoảng 8% so với mức hiện nay.
Ông David Kostin, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ tại Goldman Sachs, có cùng quan điểm với bà Subramanian. Trong báo cáo phân tích ngày 10/10, ông Kostin cho rằng lợi nhuận quý 3 vẫn tương đối ổn nhưng dự báo về các quý sau sẽ gây thất vọng.
Vị chuyên gia của Goldman Sachs dự báo việc USD lên giá sẽ gây áp lực cho nhiều doanh nghiệp Mỹ có nguồn thu lớn từ nước ngoài trong quý 3. Khoảng 30% doanh thu của các công ty Mỹ đến từ thị trường quốc tế. USD mạnh lên sẽ khiến cho các công ty lỗ tỷ giá khi đem lợi nhuận về Mỹ.
Bên cạnh đó, áp lực chi phí từ lạm phát cao sẽ khiến cho biên lợi nhuận thu hẹp và tạo thách lớn cho doanh nghiệp trong tương lai gần, ông Kostin nói. Nếu lợi nhuận giảm sút cùng lúc nền kinh tế suy thoái vào năm sau, Goldman Sachs cho rằng S&P 500 có thể rớt còn 3.150 điểm, tức là giảm khoảng 13% so với mức hiện nay.
Các ngân hàng đầu tư không phải những tổ chức duy nhất gióng hồi chuông báo động về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp. Theo một khảo sát của Bloomberg, hơn 60% số nhà đầu tư tham gia khảo sát dự đoán thị trường chứng khoán sẽ sa sút trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3.
Con số thống kê này cho thấy sự sợ hãi của nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ không giảm nhịp độ nâng lãi suất cho dù nền kinh tế có nguy cơ suy thoái. Trong bối cảnh lạm phát lên cao và xác suất suy thoái toàn cầu ngày càng lớn, nhà đầu tư lo rằng các doanh nghiệp sẽ không thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra từ nhiều tháng trước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899