ADB: Các nền kinh tế châu Á và Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2023
TCDN - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay, khi những biện pháp hạn chế do đại dịch tiếp tục được nới lỏng giúp thúc đẩy tiêu dùng, du lịch và đầu tư.
Việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) mở cửa trở lại - khi nước này từ bỏ chiến lược không Covid - là yếu tố chính giúp triển vọng tăng trưởng của khu vực trở nên sáng sủa.
Các nền kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay và năm sau, cải thiện so với tốc độ tăng trưởng 4,2% vào năm 2022, theo báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4 năm 2023, được công bố ngày hôm nay. Nếu không tính Trung Quốc, khu vực châu Á đang phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay và 5,1% vào năm 2024. Trong khi đó, lạm phát của khu vực được dự báo sẽ giảm dần về mức trước đại dịch, mặc dù có sự khác biệt đáng kể giữa các nền kinh tế.
Tiêu dùng và đầu tư được cải thiện đang thúc đẩy sự phục hồi của nhiều nền kinh tế trong khu vực, bù đắp những tác động từ giá lương thực và năng lượng tăng cao do xung đột Nga - Ukraina và các điều kiện bất lợi khác trên toàn cầu. Du lịch và kiều hối đang trên đà tăng do những hạn chế về đại dịch được nới lỏng hơn nữa. Tại nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch, lượng du khách đến đang dần quay trở lại mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, vẫn còn các rủi ro đối với triển vọng này. Xung đột Nga - Ukraina kéo dài hoặc leo thang có thể gây ra các đợt tăng giá hàng hóa mới cũng như lạm phát toàn cầu, dẫn đến việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, kết hợp với việc gia tăng nợ trong thập niên vừa qua và trong suốt đại dịch đã làm tăng nguy cơ đối với sự ổn định tài chính, như sự bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng của Hoa Kỳ và châu Âu đã cho thấy. Những rủi ro này phải được giám sát chặt chẽ và xử lý một cách chủ động, theo nhận định trong báo cáo ADO tháng 4 năm 2023.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, chia sẻ: “Triển vọng cho các nền kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương xán lạn hơn, và đã sẵn sàng cho sự phục hồi mạnh mẽ khi chúng ta quay lại cuộc sống bình thường sau đại dịch. Mọi người bắt đầu đi du lịch trở lại vì mục đích giải trí và công việc, còn các hoạt động kinh tế đang tăng tốc. Do vẫn còn nhiều thách thức, các chính phủ trong khu vực cần phải tập trung vào những chính sách hỗ trợ sự hợp tác và hội nhập mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, năng suất và khả năng chống chịu”.
Với việc dỡ bỏ chiến lược không Covid vào tháng 12 năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 5,0% trong năm nay và 4,5% trong năm 2024, so với mức tăng 3,0% trong năm 2022. Trong khi đó, Ấn Độ được dự báo tăng trưởng 6,4% trong năm nay và 6,7% trong năm sau, do nhu cầu nội địa vững chắc.
Hoạt động du lịch khởi sắc và nhu cầu nội địa mạnh mẽ đang thúc đẩy các nền kinh tế Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Việt Nam, với dự báo tăng trưởng cho tiểu vùng này là 4,7% trong năm nay và 5,0% trong năm 2024. Các nền kinh tế ở Kavkaz và Trung Á cũng được kỳ vọng tăng trưởng ổn định, với tốc độ dự báo cho tiểu vùng này là 4,4% trong năm nay và 4,6% trong năm 2024. Việc tiếp tục mở cửa trở lại và du lịch phục hồi đang hỗ trợ tăng trưởng tại Thái Bình Dương, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 3,3% trong năm nay trước khi giảm còn 2,8% trong năm 2024.
Lạm phát trong khu vực sẽ giảm tốc, xuống mức 4,2% trong năm 2023 và 3,3% trong năm 2024 sau khi lên tới 4,4% vào năm ngoái. Áp lực giảm dần đối với chuỗi cung ứng, các điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn và giá hàng hóa giảm dần dù vẫn cao - được kỳ vọng sẽ định hình triển vọng lạm phát của khu vực châu Á đang phát triển.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899