Ấn Độ có thể cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo
TCDN - Chính phủ Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo sau khi lạm phát giá lương thực tại nước này tăng mạnh.
Theo Bloomberg đưa tin, chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo hiện đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo không phải Basmati. Các nhà chức trách Ấn Độ muốn tránh nguy cơ lạm phát leo thang trước cuộc bầu cử.
Kế hoạch trên của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh lạm phát giá tiêu dùng tăng nhanh vào tháng Sáu, chủ yếu là do giá lương thực cao hơn. Lượng mưa phân bố không đều tại các vùng trồng lúa trọng điểm của Ấn Độ đã đẩy giá loại ngũ cốc này tăng tới 20% trong 10 ngày qua.
Nếu thành hiện thực, động thái của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - có thể đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao hơn nữa, trong bối cảnh hiện tượng El Nino quay trở lại và đe dọa tới mùa màng.
Lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Tuy động thái đó có thể giúp giảm giá gạo ở quốc gia Nam Á này, nhưng lại tác động tiêu cực đến giá lương thực toàn cầu.
Ấn Độ chiếm hơn 40% xuất khẩu gạo thế giới. Nhưng lượng tồn kho thấp trên toàn cầu đồng nghĩa việc Ấn Độ cắt giảm xuất khẩu gạo sẽ làm tăng giá lương thực thế giới - vốn đã lên cao sau xung đột Nga - Ukraine vào năm ngoái và tình hình thời tiết thất thường.
Ông B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA), cho hay khi giá gạo Ấn Độ tăng nhờ chính sách giá hỗ trợ tối thiểu mới, các nhà cung cấp khác cũng bắt đầu tăng giá.
Ông nhắc rằng gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người trên thế giới, trong khi gần 90% diện tích trồng loại lương thực tiêu tốn nhiều nước này đặt tại châu Á - nơi kiểu thời tiết El Nino thường khiến lượng mưa giảm sút.
Năm ngoái, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo trắng và gạo lứt xuất khẩu sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát khiến giá các mặt hàng lương thực như lúa mì và ngô tăng vọt. Nước này cũng đã hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.
Giá gạo tại châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm do các nhà nhập khẩu tăng cường dự trữ gạo, chủ yếu do lo ngại hiện tượng El Nino sẽ gây khô hạn và thiệt hại mùa màng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899