Ba Lan muốn xuất nhiều thịt bò, thịt ngỗng qua Việt Nam

08/12/2022, 14:43
báo nói -

TCDN - Theo Chủ tịch Trung tâm xúc tiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan, quốc gia này muốn bán thêm nhiều thịt bò, thịt ngỗng và các loại trái cây sang Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại khu vực Đông Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị nhập khẩu của việt Nam từ thị trường Ba Lan đạt hơn 500 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ.

Đại diện Cục Đầu tư - Thương mại Ba Lan và nhiều đơn vị đã chia sẻ thông tin về tình hình giao thương giữa Việt Nam - Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống. Ảnh: Đại Việt.

Đại diện Cục Đầu tư - Thương mại Ba Lan và nhiều đơn vị đã chia sẻ thông tin về tình hình giao thương giữa Việt Nam - Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống. Ảnh: Đại Việt.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt trên 1,6 tỷ USD. Trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt trên 1,4 tỷ USD và giá trị nhập khẩu từ thị trường này đạt gần 200 triệu USD. Tuy Việt Nam đang xuất siêu sang Ba Lan nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị nhập khẩu của Việt Nam đang tăng nhanh hơn giá trị xuất khẩu. Điều này cho thấy cán cân thương mại đang dịch chuyển theo hướng cân bằng hơn.

Trao đổi với PV Tài chính Doanh nghiệp, ông Alexander Nowakowski, Chủ tịch Trung tâm xúc tiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan chia sẻ, Việt Nam và Ba Lan có mối quan hệ ngoại giao hơn 70 năm. Sản xuất, giao thương ngành thực phẩm là lĩnh vực quan trọng của cả hai nước.

Ông Alexander Nowakowski cho biết, Ba Lan có táo, thịt gà, thịt heo được người Việt ưa chuộng. Quốc gia này cũng muốn giới thiệu và xuất khẩu thêm nhiều thịt bò, thịt ngỗng cũng như các loại trái cây khác sang Việt Nam trong thời gian tới.

“Tôi rất thích ăn phở và bún chả của Việt Nam. Tôi mong muốn trong thời gian tới, tô phở của các bạn sẽ được chế biến cùng thịt bò Ba Lan thơm ngon. Ngược lại, người Ba Lan cũng sẽ được thưởng thức các loại gạo, cà phê, nông sản chất lượng của Việt Nam”, ông Alexander Nowakowski nói.

Ba Lan muốn bán thêm nhiều thịt bò, thịt ngỗng qua Việt Nam trong thời gian tới.

Ba Lan muốn bán thêm nhiều thịt bò, thịt ngỗng qua Việt Nam trong thời gian tới.

Còn theo ông Piotr Harasimowcz, Trưởng đại diện Văn phòng Cục Đầu tư – Thương mại Ba Lan tại Việt Nam thì Hiệp định Thương mại tự do giữa EU - Việt Nam (EVFTA) đã xóa bỏ hơn 99% thuế đối với hàng hóa thương mại của hai bên ngay sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Việc giảm gần như toàn bộ thuế đối với hàng hóa đang thúc đẩy phát triển giao thương của Việt Nam – Ba Lan.

Các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan gồm: may mặc, giày dép, thủy sản, ngũ cốc, cà phê hay giày dép các loại. Ngược lại, Ba Lan có thế mạnh về các loại thịt chế biến, dược phẩm, nhóm sản phẩm từ sữa, thức ăn gia súc và mỹ phẩm. Đây đang là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khá lớn.

Phó Giám đốc VCCI Tp.HCM ông Nguyễn Hữu Nam đánh giá, tuy Việt Nam và Ba Lan đều là hai quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng sản phẩm của hai bên về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà hỗ trợ hiệu quả cho nhau.

Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bằng công nghệ cao nhiều năm của Ba Lan, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm để cải tiến công nghệ nông nghiệp bao gồm đầu tư vào nông nghiệp chuyên ngành, phân bón và máy móc.

Hiện nay, lợi ích của hiệp định EVFTA đối với quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Ba Lan ngày càng thể hiện rõ nét. Do đó, Việt Nam mong muốn Ba Lan tiếp tục ủng hộ việc EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) cũng như sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU với các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ có tác động tích cực giúp nâng tầm quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Ba Lan lên tầm cao mới.   

“Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ba Lan tuy có bước phát triển đáng kể nhưng vẫn chưa xứng tầm với quan hệ hữu nghị truyền thống và tiềm năng phát triển của hai bên. Một trong những rào cản chính là việc hai bên thiếu thông tin về thị trường của nhau. Do vậy, việc doanh nghiệp Ba Lan tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại Việt Nam sẽ là kênh quảng bá hiệu quả để giới thiệu hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ của Ba Lan đến người tiêu dùng và doanh nghiệp việt Nam”, ông Nam nhận định.

Theo thống kê của VCCI, tính đến tháng 5/2022, Ba Lan xếp thứ 36 trên 134 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 27 dự án, tổn vốn đăng ký trên 400 triệu USD.

Các dự án FDI của Ba Lan vào Việt Nam chủ yếu là các dự án 100% vốn nước ngoài, tập trung trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo và thông tin truyền thông. Đầu tư của Ba Lan tập trung ở các tỉnh, thành phố phía Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh…).

Ở chiều ngược lại, Ba Lan xếp thứ 44 trên 78 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với 4 dự án, tổng vốn đăng ký gần 4 triệu USD. Trong đó, đáng chú ý là dự án đầu tư của Vinamilk với trị giá 3 triệu USD thông qua việc mở công ty Vinamilk Europe tại Ba Lan có chức năng kinh doanh vật tư nông nghiệp, bán buôn – bán lẻ sữa và các chế phẩm từ sữa.

Đại Việt
Bạn đang đọc bài viết Ba Lan muốn xuất nhiều thịt bò, thịt ngỗng qua Việt Nam tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Xuất khẩu thủy sản cán mốc 10 tỷ USD
Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu tới cuối tháng 11 cán mốc 10 tỷ USD và hết năm 2022 dự báo cán mốc 11 tỷ USD.