Nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp:

Bắc Giang tập trung đầu tư phát triển nông sản theo chuỗi giá trị

15/10/2023, 15:20

TCDN - Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới, từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã duy trì nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tạo ra nguồn nông sản sạch để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

vna_potal_bac_giang_day_manh_phat_trien_hop_tac_xa_kinh_te_tap_the_6547447

Chuyển đổi phương thức sản xuất

Từ thực trạng sản xuất ở các địa phương trong tỉnh cũng như xu thế phát triển chung về lĩnh vực nông nghiệp, nhằm triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020-2025”, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể bám sát Đề án, tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất.

Nhiều địa phương trong tỉnh đã vận dụng linh hoạt các nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm… Song song với đó là công tác tuyên truyền được các địa phương chú trọng đẩy mạnh, giúp định hướng người dân dần thay đổi suy nghĩ, cách làm truyền thống; từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị hàng hóa, đáp ứng theo nhu cầu thị trường.

Đơn cử như huyện Yên Dũng, trong 6 tháng năm 2023, toàn huyện đã triển khai duy trì thực hiện 10 vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Đồng Phúc, Đồng Việt, Đức Giang, Tiến Dũng, Cảnh Thụy, Tư Mại, Xuân Phú, Quỳnh Sơn, Lãng Sơn và Trí Yên với tổng diện tích sản xuất trên 160ha. Đồng thời, duy trì được 54 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích nhà lưới, nhà màng trên 16ha. Từ nay đến cuối năm 2023, huyện tiếp tục chỉ đạo duy trì thực hiện 33 mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng có tổng diện tích trên 1.100 ha. Mở rộng diện tích xây dựng nhà lưới nhà màng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao diện tích 10.000m².

Hay như huyện Lạng Giang, trong 6 tháng năm 2023, nhờ áp dụng áp công nghệ cao, toàn huyện đã triển khai sản xuất 2.500 tấn nguyên liệu nấm, doanh thu đạt khoảng 15 tỷ đồng. Huyện cũng triển khai gieo cấy 2.430 ha lúa chất lượng, tăng 30 ha so với cùng kỳ. Đồng thời chủ động liên kết với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.

Tại huyện Hiệp Hòa, trong 6 tháng năm 2023, toàn huyện duy trì 37 mô hình ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín, xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho một số sản phẩm nông nghiệp an toàn như: Rau cần Hoàng Lương, lợn thảo dược HTX hữu cơ Bình Minh, lợn VietGap Hải Thịnh, dưa lưới Đồng Tâm, bưởi Hiệp Hoà, gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn, Bánh chưng Hoàng Vân... Các sản phẩm chủ lực của địa phương đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa La Văn Tuấn cho biết: Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại huyện Hiệp Hòa đã đạt được những kết quả nổi bật, được tỉnh đánh giá đi đầu với nhiều mô hình thành công như: Sản xuất lợn hữu cơ, sản xuất giống gà bằng thụ tinh nhân tạo, sản xuất dưa lưới, rau xanh hữu cơ trong nhà màng, sản xuất hoa trong nhà màng, sản xuất nấm trong nhà lạnh. Các mô hình  được triển khai đều thực hiện thành công với hiệu quả kinh tế cao hơn thông thường từ 20-25%. Qua đó, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân, đồng thời đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, 6 tháng năm 2023, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện 12 mô hình trình diễn, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; hệ thống quản lý, giám sát, chứng nhận về ATTP; mô hình kinh tế kết hợp và hoạt động chuỗi giá trị đối với nhóm cây con chủ lực, từng bước phát triển trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ, điển hình như: Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng cây trà hoa vàng có quy mô 6,4 ha (xã Vân Sơn, huyện Sơn Động); mô hình phát triển bền vững cây ăn quả đặc sản chủ lực bằng giống Na Thái quy mô 7,5 ha (xã Nghĩa Phương, xã Đông Phú, huyện Lục Nam); mô hình ứng dụng giá thể để sản xuất dưa lưới trong nhà màng quy mô 1,3 ha (xã Tam Dị, huyện Lục Nam và xã Trí Yên, huyện Yên Dũng)…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai được 21.686 ha diện tích sản xuất thâm canh, rau, quả, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Triển khai chăn nuôi (lợn, gia cầm) theo tiêu chuẩn VietGAP được 6.213 nghìn con, đạt 62,9% kế hoạch năm; áp dụng tự động hóa trong nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP được 19 ha với 15 hộ nuôi thủy sản tại các huyện: Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam…

Hỗ trợ 100% kinh phí điều tra, khảo sát mô hình hữu cơ

Với việc triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo đảm ATTP đã góp phần tích cực trong phòng ngừa các sự cố về ATTP, tăng cường kết nối cung - cầu thực phẩm theo chuỗi giá trị, giúp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm nông sản của người nông dân; đồng thời, giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn và sức khỏe con người... 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Bá Thành cho biết, nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bắc Giang mới đang ở giai đoạn đầu phát triển, các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa nhiều. Hiện tại, để khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp và các hộ nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn, tỉnh đã triển khai áp dụng các chính sách như: Hỗ trợ 100% kinh phí điều tra, khảo sát mô hình hữu cơ; 50% giống, vật tư thiết yếu cho mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 50% kinh phí xây dựng nhãn hiệu, thiết kế in ấn bao bì, hệ thống nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, chính sách khuyến nông...

Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa có danh mục giống, vật tư đầu vào đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 11041:2017 để phục vụ sản xuất. Mặt khác, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp và chưa chủ động… nên quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương trong tỉnh vẫn thấp, chưa thu hút được các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân tham gia.

Việc phát triển chăn nuôi chuyên canh, thâm canh thông qua việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn là việc làm cần thiết để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao giá trị, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.

Do vậy, bên cạnh xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn và học tập thực tế cho đại diện doanh nghiệp, xã viên HTX tham gia mô hình về sản xuất an toàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Quan tâm đào tạo, nâng cao hiểu biết, trình độ kiến thức, chuyên môn về nông nghiệp công nghệ cao cho người nông dân.

Cùng với đó, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với tình hình mới hiện nay, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng phát triển, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân hạn chế và dần thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc thảo dược được quy định... Từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra nguồn sản phẩm an toàn dồi dào để người tiêu dùng yên tâm có nhiều lựa chọn.

Thanh Loan
Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang tập trung đầu tư phát triển nông sản theo chuỗi giá trị tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Doanh nghiệp vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị 'bêu tên'
Bộ Công Thương sẽ công khai doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, sản phẩm hàng hóa vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm, cung cấp thông tin số điện thoại đường dây nóng và đầu mối nhận, xử lý phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Công ty Bánh mì Hà Nội bị phạt vì vi phạm an toàn thực phẩm
Tỉnh Đắk Lắc đã xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với Công ty TNHH thương mại sản xuất Bánh mì Hà Nội (Công ty Bánh mì Hà Nội, mã số thuế: 6001557080) số tiền 35 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất đối với sản phẩm Sand Wich Hà Nội trong thời gian 2 tháng.