Livestream bán hàng thu trăm tỷ đồng, quản lý thuế như thế nào?:

Bài 3: Đồng bộ cơ sở dữ liệu người nộp thuế, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt

17/06/2024, 09:54

TCDN - Để chống thất thu thuế đối với hoạt động livestream bán hàng hóa, dịch vụ, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp đồng bộ trong đó chú trọng vào cơ sở dữ liệu, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, có giải pháp hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thuận tiện…

Bài 1: “Nở rộ” trào lưu bán hàng livestream thu về trăm tỷ đồng mỗi phiên 

Bài 2: Thu nhập "khủng" phải đóng thuế TNCN tới 35%, sẽ bị thanh tra 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

Áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Để đẩy mạnh chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử, Bộ trưởng đề xuất, kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra.

Rà soát hoàn thiện pháp luật. Các bộ luật liên quan đến thương mại điện tử từ năm 2014, cho nên cần phải rà soát lại các nghị định, thông tư liên quan để sửa.

Xây dựng Cổng Thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn thương mại điện tử trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế.

Định danh và xác thực điện tử, đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa.

Cần áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt bởi thanh toán không dùng tiền mặt càng nhiều thì quản lý và thu thuế càng cao.

Sửa đổi Nghị định 117 năm 2018 về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội để thu thuế vì giờ người ta livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Chúng ta phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn.

Empty

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam:

Cần cơ sở dữ liệu đầy đủ để quản lý thuế tốt

Thời gian vừa qua, cơ quan thuế đã thu được số tiền thuế từ hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, do tốc độ livestream rất nhanh nên có lẽ cơ quan thuế chưa thu đủ thuế.

Hiện nay, cơ quan thuế đã phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng và Bộ Thông tin và Truyền thông… để nắm thông tin sàn thương mại điện tử, tài khoản công ty, cá nhân… đây là biện pháp kết nối để kiểm tra. Nhưng các biện pháp đó cần phải được tăng cường mạnh hơn nữa.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải có sự kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nhãn hàng. Nhãn hàng phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, ký kết với sàn thương mại điện tử, cam kết để không đưa hàng hóa kém chất lượng vào sàn. Những người livestream bán hàng không chỉ nói để bán được hàng mà cũng phải có trách nhiệm với những sản phẩm và chất lượng mình nói. Tất cả những yếu tố đó phải kết hợp. Cùng với đó, kết hợp với vấn đề chuyển tiền và hàng hóa chuyển đi, kết hợp với tất cả nguồn gốc, có nghĩa là chúng ta phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ thì cơ quan thuế đảm bảo quản lý thuế được tốt. 

Một phiên livestream nếu thu được 100 - 150 tỷ đồng, chất lượng tốt thì sẽ thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy các nhãn hàng phát triển. Do đó, chúng ta cần có những biện pháp quyết liệt hơn vừa kết hợp ưu tiên, lợi ích của việc bán hàng, tăng doanh thu, quản lý chất lượng hàng hóa cũng như thu thuế để đảm bảo bình đẳng trong pháp luật và thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm cần phải xử lý nghiêm minh.

Empty

Luật sư Phạm Ba Đô, Giám đốc Công ty Luật TNHH SJKLAW:

Yêu cầu công bố tài khoản ngân hàng sử dụng trong hoạt động thương mại tại các nền tảng đa kênh

Phần lớn các phiên livestream có doanh thu “khủng” đều thực hiện bởi e-kíp chuyên nghiệm. Việc tổ chức các phiên livestream trên các nền tảng đa kênh, bán “phá giá” thị trường có thể được xem là tương tự như các chương trình khuyến mại được tổ chức trên các nền tảng online.

Vậy nên, cơ quan chức năng có thể sử dụng một số biện pháp có sẵn, cũng như xây dựng các hành lang pháp lý mới để triển khai đối với hoạt động kinh doanh thương mại mới này.

Cụ thể, yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử siết chặt các gian hàng cung cấp các hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc, xuất xứ của các nhãn hàng đang thương mại bằng cách yêu cầu các tổ chức/cá nhân kinh doanh cam kết, có chế tài cấm kinh doanh nếu vi phạm.

Yêu cầu các nền tảng mạng xã hội áp dụng các biện pháp yêu cầu tổ chức/cá nhân thực hiện livestream phải thực hiện đăng ký khuyến mại theo thủ tục nếu xét thấy đầy đủ các yếu tố cần phải đáp ứng theo quy định.

Cùng với đó, áp dụng triệt để các chế tài đối với hành vi “bán phá giá” (Hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ – theo quy định tại Điều 21 Nghị định 75/2019/NĐ-CP). Yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội áp dụng các biện pháp để các cá nhân/tổ chức kinh doanh phải công bố tài khoản ngân hàng sử dụng trong hoạt động thương mại tại các nền tảng đa kênh.

Trên cơ sở đó, vận dụng quy định tại Thông tư 100/2021/TT-BTC về việc chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử (tiến tới có thể là mạng xã hội) thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.

Empty

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam:

Cung cấp tính năng hỗ trợ người bán hàng thực hiện nghĩa vụ thuế

TikTok Shop cam kết gắn bó lâu dài tại thị trường Việt Nam và luôn tôn trọng pháp luật nước sở tại. Cá nhân hoặc tổ chức doanh nghiệp khi tham gia giao dịch trên nền tảng TikTok Shop đều được yêu cầu cung cấp các thông tin của cá nhân hoặc tổ chức doanh nghiệp khi tham gia giao dịch.

Ngoài ra, TikTok Shop cũng cung cấp tính năng nhằm hỗ trợ các nhà bán hàng thuận tiện hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân của nhà sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết (affiliate creator) trong hoạt động hợp tác giữa các bên trên nền tảng TikTok Shop.

ong-phung

Đổi mới phương thức quản lý thuế mới bằng công nghệ số:

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế

Trong thời gian qua, cơ quan thuế đã có nhiều cố gắng áp dụng nhiều giải pháp, huy động nguồn lực để theo dõi, đấu tranh, đưa vào quản lý đối với việc bán hàng qua hình thức livestream. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như tăng doanh thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Tôi cho rằng, việc thu thuế phải dựa trên nền tảng bán hàng, dựa trên số liệu thông tin thu thập được từ các sàn thương mại điện tử, từ các nền tảng kỹ thuật số.

Các nền tảng kỹ thuật số như TikTok, Shopee, Zalo, Facebook phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế phải yêu cầu kết nối và cung cấp thông tin về các nhà bán hàng, những người tổ chức các sự kiện livestream bán háng lớn. Nếu không cung cấp được thông tin thì phải có các biện pháp mạnh như cấm hoạt động, thu hồi băng tần,…

Phía cơ quan thuế phải tổ chức lực lượng nhằm xây dựng các phương án quản lý, phương án kỹ thuật để tiếp nhận thông tin và áp dụng các biện pháp quản lý, xử lý theo quy định pháp luật. Để có được thông tin đúng, đủ, cơ quan thuế cần phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng…

Cơ quan thuế cũng cần phối hợp với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, ví điện tử, các cơ quan trung gian thanh toán.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng cần đổi mới các phương thức quản lý thuế, không thể sử dụng các phương pháp thủ công mà phải sử dụng các chương trình quản lý thuế điện tử, chuyển đổi số, dùng công nghệ số để quản lý.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Quản lý thuế, để các cá nhân, tổ chức nâng cao nhận thức về việc thực hiện nghĩa vụ thuế và các chế tài xử lý vi phạm. Từ đó, ngườii dân có ý thức tự giác kê khai thuế và thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ với nhà nước. Bởi Luật Quản lý thuế quy định, vi phạm nghĩa vụ thuế thì được truy thu trong vòng 10 năm, nghĩa vụ xử phạt hành chính có hiệu lực trong phạm vi 5 năm. Nên những người kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử vẫn bị cơ quan thuế theo dõi việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước trong vòng 10 năm.

Thanh Phương - Hoàng Tư - Nguyễn Triệu
Bạn đang đọc bài viết Bài 3: Đồng bộ cơ sở dữ liệu người nộp thuế, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bài 1: “Nở rộ” trào lưu bán hàng livestream thu về trăm tỷ đồng mỗi phiên
Thời gian gần đây, trào lưu kinh doanh online ngày càng phát triển trong đó việc livestream bán hàng đã mang về “doanh thu khủng” từ vài chục tỷ đồng lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi phiên. Tuy nhiên, việc quản lý thuế đối với hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập, ngân sách nhà nước đang thất thu số tiền lớn.