Livestream bán hàng thu trăm tỷ đồng, quản lý thuế như thế nào?:

Bài 1: “Nở rộ” trào lưu bán hàng livestream thu về trăm tỷ đồng mỗi phiên

12/06/2024, 10:19
báo nói -

TCDN - Thời gian gần đây, trào lưu kinh doanh online ngày càng phát triển trong đó việc livestream bán hàng đã mang về “doanh thu khủng” từ vài chục tỷ đồng lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi phiên. Tuy nhiên, việc quản lý thuế đối với hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập, ngân sách nhà nước đang thất thu số tiền lớn.

Tạp chí Tài chính doanh nghiệp thực hiện chuyên đề “Livestream bán hàng thu trăm tỷ đồng, quản lý thuế như thế nào?” với mong muốn đề xuất thêm giải pháp quản lý thuế hiệu quả với hình thức kinh doanh mới này.

Với cách tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ, mỗi phiên livestream của các KOLs, KOC và các công ty… đạt doanh thu “khủng” lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi phiên. Tuy nhiên, nhiều vụ án cho thấy, hàng hóa bán ra không có hóa đơn chứng từ, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Những phiên livestream doanh thu “khủng”

Thời gian gần đây, xuất hiện những phiên livestream bán hàng có doanh số thu về hàng chục đến cả trăm tỷ đồng, gây xôn xao dư luận. Nhiều mặt hàng được bán trong phiên livestream được các nhà bán hàng “quảng cáo” là rẻ hơn nhiều so với giá bán lẻ tại đại lý, cửa hàng truyền thống nên đã thu hút lượng lớn khách hàng quan tâm và mua sắm trên một số nền tảng thương mại điện tử như TikTok, Shopee...

Đơn cử như, trên nền tảng TikTok, anh Lã Quốc Quyền và chị Nguyễn Lan Anh - chủ nhân kênh TikTok Quyền Leo Daily đã mở phiên livestream kéo dài 17 tiếng, đạt tổng doanh thu 100 tỷ đồng. Thành tích này đã xô đổ “kỷ lục” về doanh thu 75 tỷ đồng mà chính kênh TikTok này đã tạo ra trước đó.

Mới đây, kênh TikTok Quyền Leo Daily cũng đã có phiên livestream bán hàng với mục tiêu “chinh phục” doanh số 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không đạt được.

Hay như “chiến thần” Võ Hà Linh cũng đã có phiên livestream bán hàng bùng nổ vào tối 6/6 với lượng người xem cùng một lúc có thời điểm lên đến hơn 316.000 người. Tuy không công bố doanh thu của phiên livestream này, nhưng với tình trạng “cháy hàng” liên tục, nhiều người dự đoán con số doanh thu cũng không dưới 100 tỷ đồng.

Phiên livestream cán mốc hàng chục tỷ đồng doanh thu từ bán hàng thương mại điện tử.(Ảnh chụp màn hình)

Phiên livestream cán mốc hàng chục tỷ đồng doanh thu từ bán hàng thương mại điện tử.(Ảnh chụp màn hình)

Trước đó, Võ Hà Linh cũng đã có phiên livestream lập kỷ lục khi có tới 58.000 người mua hàng cùng lúc, đạt doanh thu 1,5 triệu USD.

Hoặc như hai phiên livestream “Chị Rọt - Em Rọt” của hai TikToker khá có tiếng là Hằng Du Mục và Phạm Quang Linh tổ chức mới đây rất nhanh chóng “hết hàng” cũng được dự đoán là trên 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, ở nền tảng TikTok, còn rất nhiều phiên livestream đến từ những cá nhân khác như PewPew, Phạm Thoại, beauty blogger HannahOlala, Long Chun, Diệp Lâm Anh, … cũng được đông đảo khách hàng chú ý và doanh thu từ mỗi phiên livestram bán hàng này không hề nhỏ.

Trên sàn thương mại điện tử Shopee, những phiên livestream của Diệp Lê - một KOL nổi bật trong ngành làm đẹp và lối sống cũng thu hút hàng nghìn khách hàng theo dõi và mua sắm. Mỗi phiên livestream của Diệp Lê có hàng trăm sản phẩm đến từ nhiều nhãn hàng khác nhau. Trước đó, Diệp Lê cũng từng gây chú ý với thành tích tạo ra doanh thu hơn 13 tỷ đồng chỉ sau một phiên livestream và 43.200 sản phẩm được bán sau phiên livestream tại nền tảng TikTok.

Thông tin từ AccessTrade Việt Nam cho thấy, ba nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.

Báo cáo “Những xu hướng mới của người tiêu dùng Việt”, do Cốc Cốc phát hành, có 77% người từng xem livestream bán hàng, 71% trong số đó đã mua hàng trong livestream. 67% người được hỏi thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981 - 1996) và 51% thuộc thế hệ Gen Z (1997 - 2012) cho biết, đã từng xem và mua hàng qua livestream.

Trong năm 2023, trung bình người Việt dành đến 13 tiếng mỗi tuần để mua sắm qua các phiên livestream. Con số này cho thấy phương thức livestream đang dần trở nên quen thuộc đối với tiêu dùng Việt Nam.

Hàng hóa livestream không có hóa đơn, chứng từ

Mặc dù hoạt động thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ tuy nhiên những kênh bán hàng hóa, dịch vụ qua livestream cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là tạo ra nhiều kẻ hở cho nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên khắp các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook, Tiktok…

Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm thông qua bán hàng online, livestream. Năm 2023, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.

Bô Công Thương phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng rà soát, xử lý hàng trăm website/ứng dụng vi phạm mỗi năm, chuyển cơ quan Công an xử lý nhiều vụ việc, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại quy mô lớn cho người dân.

Lực lượng chức năng kiểm tra quạt điện tại cơ sở sản xuất của Tiktoker vua quạt ở Bắc Ninh thu giữ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. (Ảnh chụp màn hình)

Lực lượng chức năng kiểm tra quạt điện tại cơ sở sản xuất của Tiktoker "vua quạt" ở Bắc Ninh thu giữ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. (Ảnh chụp màn hình)

Cụ thể, vào hồi tháng 12/2023. Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Thương mại điện tử và kinh tế số và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia bất ngờ kiểm tra kho hàng nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội) của "hot girl" livestream Mailystyle chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày.

Tại thời điểm kiểm tra, phần lớn sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ…

Được biết, chủ kho hàng là một hot girl nổi tiếng trong kinh doanh hàng hóa online trên nhiều nền tảng từ TikTok, Instagram, Facebook cũng như website với tên gọi Mailystyle.com. Trên nền tảng Facebook, trang Mailystyle.com có 332.000 lượt thích và 520.000 lượt theo dõi đăng tải công khai số tài khoản ngân hàng của Nguyễn Hoàng Mai Ly với 12 số điện thoại chốt đơn, tư vấn khách hàng.

Đặc biệt, ngày 23/12, tài khoản Mailystyle.com đã thực hiện phiên livestream kéo dài 12 tiếng với 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm.

Bộ Công Thương chuyển cơ quan điều tra vụ việc Mailystyle thu giữ hơn 126.000 sản phẩm không hóa đơn, chứng từ trị giá trên 20 tỷ đồng.

Vào 1/3/2024 Cục Quản lý thị trường An Giang phối hợp Tổ liên ngành 389 An Giang và Công an huyện Thoại Sơn kiểm tra hộ kinh doanh Shop Trần Ngọc Th. do bà Trần Ngọc Th, sinh năm 1987 là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ số nhà 118/4, ấp Trung Phú 2, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, An Giang đang livestream trên mạng xã hội facebook bán áo may sẵn.

Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ hàng hóa vi phạm nhãn hàng gồm: 7.693 cái áo len các loại, trị giá hàng hóa 384,65 triệu đồng và 850 cái áo khoác nữ các loại, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng hóa 42,5 triệu đồng.

Ngàu 16 và 17/4, đoàn kiểm tra do Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh quạt điện của ông T.Đ.T (chủ sở hữu tài khoản mạng xã hội TikTok Vua quạt – PV). Tài khoản TikTok này thường xuyên livestream giới thiệu bán các sản phẩm quạt điện trên nền tảng mạng xã hội. Kết quả cơ quan chức năng đã phát hiện 1.200 tụ điện và 1.385 mô tơ điện nhập lậu.

Căn cứ kết quả kiểm tra, kết quả thẩm tra xác minh, Cục QLTT Bắc Ninh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với ông T.Đ.T với 3 hành vi vi phạm. Đồng thời, cơ quan chức năng tịch thu gần 3.000 linh kiện quạt điện nhập lậu có tổng trị giá hơn 31 triệu đồng. Buộc ông T.Đ.T thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng đối với số quạt điện đã đưa ra lưu thông trên thị trường và số quạt điện bị tạm giữ tại Đội QLTT số 2.

Thanh Phương - Hoàng Tư - Nguyễn Triệu
Bạn đang đọc bài viết Bài 1: “Nở rộ” trào lưu bán hàng livestream thu về trăm tỷ đồng mỗi phiên tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thủ tướng yêu cầu tăng thanh tra hoạt động livestream bán hàng
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quán chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định.