Livestream bán hàng thu trăm tỷ đồng, quản lý thuế như thế nào?:

Bài 2: Thu nhập "khủng" phải đóng thuế TNCN tới 35%, sẽ bị thanh tra

13/06/2024, 10:57

TCDN - Doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân thực hiện bán hàng thông qua hình thức livestream có nghĩa vụ và trách nhiệm nộp thuế với số thuế TNCN lên tới 35%.

Bài 1: “Nở rộ” trào lưu bán hàng livestream thu về trăm tỷ đồng mỗi phiên 

Livestream bán hàng phải đóng thuế TNCN tới 35%

Vấn đề quản lý hoạt động livestream bán hàng thời gian gần đây liên tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu quốc hội cũng như các chuyên gia. Trên diễn đàn quốc hội ngày 4/6, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho hay, trong thời gian qua, mạng xã hội xôn xao với những vụ livestream bán hàng trên ứng dụng, doanh thu có thể đến hàng trăm tỷ một ngày.

Theo đại biểu, hiện nay livestream của các cá nhân bán hàng mới là vấn đề đáng lo và các livestream cá nhân doanh thu lên đến hàng trăm tỷ 1 ngày, 1 lần như vậy là vấn đề rất lớn, không phải vấn đề nhỏ mang tính cá nhân.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đại biểu cho rằng, nếu như chúng ta đi theo giải pháp là xóa các trang đó như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói thì lập một trang mới rất dễ dàng.

“Chúng ta cứ đuổi theo như vậy thì làm sao chúng ta có thể giải quyết được dứt điểm vấn đề này. Cảm giác là nếu chúng ta không đi đúng hướng thì cơ quan quản lý sẽ hết sức vất vả và luôn luôn đuổi theo như một ma hồn trận, rất khó khăn trong khi người tiêu dùng lĩnh đủ và cơ quan thuế thì thất thu”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.

Về vấn đề thu thuế đối với hoạt động này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, khi đã hoạt động kinh tế, thương mại như vậy, phát sinh doanh thu, phát sinh thu nhập phải chịu sự điều chỉnh của các quy định của Luật Thuế và các sắc thuế, phải chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan thuế.

Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay hoạt động livestream bán hàng trên mạng, theo Thứ trưởng, ngành Tài chính đang thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế. Nếu là cá nhân thực hiện hoạt động này, có phát sinh doanh thu và phát sinh thu nhập sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập của bản thân mình điều chỉnh bởi Luật Thuế TNCN.

Đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình thực hiện các hoạt động bán hàng này và có phát sinh doanh thu, quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý đối với hộ kinh doanh theo phương thức khoán hoặc kê khai.

Giải thích rõ về các mức thuế, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho hay, về nguyên tắc tổ chức, cá nhân bán hàng có doanh thu phải tự kê khai, nộp thuế và tự chịu trách nhiệm với số thuế mình đã kê khai.

Quy định pháp luật thuế đối với cá nhân lives, tiktorker, người có ảnh hưởng lớn tới xã hội, người được trả hoa hồng… chịu sự tác động của Luật Thuế TNCN. Họ sẽ phải chịu thuế thu nhập từ tiền công, tiền lương theo biểu lũy tiến từng phần tới 35%. Tuy nhiên phụ thuộc vào hợp đồng giữa cá nhân và đơn vị thuê.

Trường hợp khoản hoa hồng trả cho đối tượng hộ kinh doanh sẽ được tính là doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đang chịu sự quản lý của cơ quan thuế đối với hộ kinh doanh như hộ kê khai, hộ khoán sẽ chịu mức thuế suất 7% trong đó 5% thuế VAT, 2% thuế TNCN.

Cũng theo bà Lan Anh, đối với tổ chức, quy định pháp luật rất rõ ràng. Tổ chức khi phát sinh doanh thu sẽ kê khai nộp thuế. Khi có dữ liệu liên thông sẽ giúp cho tổ chức xác định doanh thu của mình rõ ràng, mạch lạc hơn để kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, trong thời gian qua, các cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát và kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh này của các cá nhân và hộ kinh doanh. Kết quả thanh tra xử lý vi phạm trong 3 năm 2021, 2022, 2023, các tổ chức cá nhân đưa vào rà soát 31.570 đối tượng, bao gồm cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân. Ngành thuế đã xử lý vi phạm 22.159 trường hợp, số thuế thu tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng.

Áp dụng hóa đơn điện tử với dịch vụ livestream bán hàng

Chia sẻ về quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử trong đó có livestream bán hàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, theo số liệu quản lý thuế đến năm 2024 thì ngành thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó: cá nhân là 88.147, doanh nghiệp bán hàng hóa thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử là 35.131, doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử là 361, doanh nghiệp lớn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là 24, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam là 96.

Số thuế thu được từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 15,6 nghìn tỷ đồng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trước tình trạng nở rộ bán hàng thông qua hình thức livestream gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tại Công điện số 56/CĐ-TTg, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 10/6, Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống...

Tổng cục Thuế cũng ban hành Công điện về quyết liệt triển khai hiệu quả việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Tại Công điện này, Tổng cục Thuế giao Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm… đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ,...

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, "cần đẩy mạnh quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội để thu thuế vì giờ người ta livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Chúng ta phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn".

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Bài 2: Thu nhập "khủng" phải đóng thuế TNCN tới 35%, sẽ bị thanh tra tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bài 1: “Nở rộ” trào lưu bán hàng livestream thu về trăm tỷ đồng mỗi phiên
Thời gian gần đây, trào lưu kinh doanh online ngày càng phát triển trong đó việc livestream bán hàng đã mang về “doanh thu khủng” từ vài chục tỷ đồng lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi phiên. Tuy nhiên, việc quản lý thuế đối với hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập, ngân sách nhà nước đang thất thu số tiền lớn.