Chống thất thu thuế từ thương mại điện tử:

Bài 4: Đề xuất chức năng điều tra cho cơ quan thuế quản lý thương mại điện tử

08/01/2022, 10:47

TCDN - Dự kiến từ năm 2025, cơ quan thuế sẽ có chức năng điều tra trong công tác nắm bắt thông tin phục vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế là tổ chức ở nước ngoài có giao dịch xuyên biên giới, cá nhân có thu nhập cao, các giao dịch không bằng tiền mặt.

Bài 1: Lộ diện nhiều cá nhân thu nhập hàng trăm tỷ từ thương mại điện tử đóng thuế khiêm tốn 

Bài 2: Thách thức trong thu thuế thương mại điện tử 

Bài 3: Chuyên gia hiến kế bịt lỗ hổng về thu thuế thương mại điện tử 

Tổng cục Thuế đã xây dựng Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam” và báo cáo Bộ Tài chính. Ngày 08/09/2021, Bộ đã có ý kiến phê duyệt Đề án tại Tờ trình Bộ số 4269-2/TTr-TCT ngày 06/09/2021. Tại Đề án đã nêu thực trạng về hoạt động và quản lý thuế đối với TMĐT tại Việt Nam trong thời gian qua, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp ngắn hạn và dài hạn về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, đối với lộ trình ngắn hạn đến hết 2023, ngành thuế tăng cường công tác quản lý thông qua một số giải pháp quan trọng như:

Triển khai công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, trong đó chú trọng hình thức tuyên truyền tại các chuyên mục đặc biệt về pháp luật thuế qua các phương tiện thông tin đại chúng, tạp chí chuyên ngành. Tổng cục Thuế đã phát động cuộc thi viết về thuế đối với thương mại điện tử cho mọi công dân Việt Nam trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, từ đó lan tỏa kiến thức, mọi người dân chung tay đề xuất, hiến kế để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ cá nhân.

Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với hoạt động thương mại điện tử, trong đó tập trung đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam (Google, Netflix, Amazone, Tinder, Spotify, Apple). Phân tích theo rủi ro để thanh tra chuyên sâu đối với người nộp thuế lớn, phức tạp hoặc trong trường hợp cơ quan thuế đã thực hiện giám sát rủi ro, kiểm tra theo chuyên đề nhưng người nộp thuế không tuân thủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế.

Tiếp tục hiện đại hoá công tác quản lý thuế để hỗ trợ nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Ngoài ra, Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu xây dựng giải pháp kỹ thuật, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin từ các sàn giao dịch thương mại điện tử và thông tin từ các cơ quan nhà nước có liên quan để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về quản lý thuế đối với thương mại điện tử;

Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử theo quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC về việc áp dụng quản lý rủi ro trong các khâu của công tác quản lý thuế. Thông tin quản lý rủi ro được xử lý tập trung tại Tổng cục Thuế và được thu thập từ các nguồn: hệ thống thông tin trong cơ quan thuế; từ Bộ/ngành có liên quan; từ tổ chức, cá nhân, người nộp thuế có liên quan; từ cơ quan thuế các nước, tổ chức hợp tác quốc tế về thuế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; mua thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Để áp dụng quản lý rủi ro theo Thông tư số 31/2021/TT-BTC, Tổng cục Thuế tiếp tục nâng cấp CSDL chung để đáp ứng việc phân tích, đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro theo một trong 3 phương pháp: phương pháp chấm điểm, phương pháp học máy, phương pháp xếp hạng theo danh mục. Trong đó với phương pháp học máy - áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu, các dữ liệu mới được nạp vào thì sẽ có các cảnh báo, dự báo mới trong hoặc ngoài ngưỡng rủi ro để các cán bộ thuế phân tích chuyên sâu cho việc xác định các hành vi trốn thuế, gian lận thuế của người nộp thuế, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Một trong những giải pháp quan trọng là cơ quan thuế phối hợp với các Bộ/Ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin. Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã ký thỏa thuận làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông; thời gian tới sẽ tiếp tục có làm việc với Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để đề nghị phối hợp với Cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử và đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật chuyên ngành có liên quan thuộc phạm vi của các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Cùng với đó, sẽ củng cố địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ cho một số Vụ/đơn vị thuộc Tổng cục Thuế để đáp ứng quản lý chuyên sâu đối với thương mại điện tử. Theo đó, giao Cục thuế Doanh nghiệp lớn quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; bổ sung chức năng cho Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh về việc kiểm tra chuyên đề, giám sát trọng điểm theo cơ chế rủi ro đối với người nộp thuế là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thương mại điện tử, cá nhân, trong đó bao gồm lĩnh vực thương mại điện tử trong nước.

Giao cho Cục Thanh tra, kiểm tra thực hiện thanh tra chuyên sâu đối với người nộp thuế lớn, phức tạp hoặc trong trường hợp cơ quan thuế đã thực hiện giám sát rủi ro, kiểm tra theo chuyên đề nhưng người nộp thuế không tuân thủ; giao Ban quản lý rủi ro tổ chức thực hiện thu thập, khai thác, sử dụng dữ liệu của ngành thuế một cách hiệu quả. Tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Xúc tiến hợp tác quốc tế trong việc đàm phán hiệp định song phương, đa phương về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung, trong đó chú trọng hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới.

Đối với lộ trình dài hạn đến hết 2025, theo bà Lan Anh, ngành thuế tăng cường một số giải pháp quan trọng như đề xuất nghiên cứu xây dựng chính sách thuế đối với dịch vụ số xuyên biên giới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế, pháp luật chuyên ngành liên quan để đáp ứng quản lý đối với TMĐT nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng tại Việt Nam trong thời gian tới, phù hợp thông lệ quốc tế;

Xây dựng Đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế để triển khai thực hiện từ năm 2025 nhằm tăng cường, mở rộng chức năng cho ngành Thuế trong công tác nắm bắt thông tin phục vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế là tổ chức ở nước ngoài có giao dịch xuyên biên giới, cá nhân có thu nhập cao, các giao dịch không bằng tiền mặt (qua ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian, thanh toán ngang hàng P2P, tiền ảo,...).

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Bài 4: Đề xuất chức năng điều tra cho cơ quan thuế quản lý thương mại điện tử tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan