Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Cần tăng thu từ chuyển nhượng bất động sản và thương mại điện tử
TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị năm 2022 các địa phương đẩy mạnh tăng thu từ chuyển nhượng bất động sản, thu trên nền tảng số và thương mại điện tử..., góp phần tăng thu về ngân sách nhà nước.
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương, bộ, ngành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
“Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý, điều hành tốt chính sách tài chính- ngân sách. Bộ Tài chính luôn xác định là một Bộ chính sách, nên việc ban hành chính sách của Bộ Tài chính sẽ đảm bảo cho tài chính nhà nước phát triển, tài chính doanh nghiệp phát triển và tài chính dân cư phát triển”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Nhắc đến công tác xây dựng thể chế của ngành Tài chính, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết, trong năm 2021, số lượng ban hành các nghị định của Bộ Tài chính chiếm 26% Nghị định của Chính phủ ban hành (40/153 nghị định) và chiếm 20% tổng số Thông tư các bộ, ngành ban hành.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng đã lý giải nguyên nhân vì sao tăng trưởng thấp mà thu ngân sách tăng. Năm 2021, kinh tế tăng trưởng 2,58% nhưng thu ngân sách nhà nước vượt 16,4% so với dự toán và tăng 3,7% so với năm 2020. Trong đó, thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Điều đó thể hiện sức sống mạnh mẽ của nền kinh tế”.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tập trung hoàn thành nhiệm vụ thu – chi NSNN năm 2022 và các nhiệm vụ được giao.
Trong đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách, đẩy mạnh chống thất thu thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Về thực hiện cải cách, hiện đại hóa trong công tác quản lý, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính đã triển khai hóa đơn điện tử có mã xác thực tại 6 địa phương lớn, điều này đã thúc đẩy tăng thu NSNN. Trong thời gian tới, tiếp tục triển khai tại 57 địa phương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các đồng chí lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm, để đến tháng 7/2022 thực hiện 100% hóa đơn điện tử có mã xác thực. Việc thực hiện hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế sẽ góp phần chống thất thu ngân sách, chống gian lận trục lợi thuế.
Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các địa phương chỉ đạo các công ty xổ số kiến thiết quay số trúng thưởng theo hóa đơn qua mã trong thời gian tới. Đây là hình thức khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi mua xổ số.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh tăng thu từ chuyển nhượng bất động sản, thu trên nền tảng số và thương mại điện tử..., góp phần tăng thu về ngân sách nhà nước.
Theo Bộ trưởng, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tác động kéo dài. Trong khi đó, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 được Quốc hội thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,5%; kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4% tại kỳ họp thứ 2 đòi hỏi các CBCC ngành Tài chính “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.
Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,5%; kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4%.
Để đạt được nhiệm vụ trên, Bộ Tài chính đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 là: Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi NSNN.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899