Bàn về công tác nhân sự trong ngân hàng
TCDN - Để có được chất lượng nhân sự tốt, cần xây dựng vững mạnh 3 trụ cột của công tác nhân sự tại một ngân hàng: tuyển dụng – đào tạo – quy hoạch và bổ nhiệm.
Một ngân hàng muốn phát triển bền vững, yếu tố tiên quyết được đặt ra phải là chất lượng nhân sự. Chất lượng ở đây bao gồm chất lượng tuyển dụng đầu vào và chất lượng con người trong suốt quá trình làm việc. Tuyển dụng được nhân viên phù hợp rồi thì theo sau đó là bước đào tạo.
Đào tạo con người trong ngân hàng không giống như đào tạo trong các cấp bậc phổ thông hay đại học. Ở bậc phổ thông và đại học, học sinh cần được học nhiều về lý thuyết, về tư duy logic, về học thuật. Còn tại ngân hàng, học viên được đào tạo thiên về các kiến thức nghiệp vụ, các kỹ năng, thực hành các tình huống thực tế để cho ra lò những nhân viên có nhận thức và tư duy xử lý công việc phù hợp với văn hóa của ngân hàng đó.
Để có được chất lượng nhân sự tốt, chúng ta thử bàn về 3 trụ cột của công tác nhân sự tại một ngân hàng như sau:
Thứ nhất, về công tác tuyển dụng
Bước đầu tiên để có được nhân sự phù hợp với ngân hàng là khâu tuyển dụng. Cần nhấn mạnh chữ “phù hợp”, không bàn đến nhân sự có bằng cấp cao, kỹ năng giỏi, vì một người dù cao, dù giỏi đến đâu mà không phù hợp với ngân hàng thì cũng khó có thể tham gia như một mắt xích ăn ý trong toàn bộ chu trình phối hợp công việc với các đồng nghiệp.
Trong một ngân hàng, có rất nhiều vị trí đòi hỏi trình độ của con người khác nhau. Ở một vị trí công việc đơn giản, nếu tuyển một người bằng cấp cao quá, khi mà không có cơ hội sử dụng tới những kiến thức được học, người lao động sẽ thấy thật lãng phí, công việc nhàm chán, dưới tầm nên sẽ có xu hướng tìm công việc khác phù hợp hơn.
Ngược lại, ở một vị trí đòi hỏi chất xám cao mà lại tuyển một người có trình độ thấp hơn yêu cầu, người lao động sẽ thấy đuối sức, không kham nổi việc khó, họ cũng sẽ có xu hướng đi tìm một công việc khác vừa sức hơn.
Thêm một yêu cầu nữa là nhân sự đó phải phù hợp về mặt tư duy và nhận thức với môi trường văn hóa của ngân hàng. Trong một môi trường đòi hỏi nhiều sáng tạo như các doanh nghiệp công nghệ, các ngành nghề liên quan nghệ thuật đến thì tiêu chí sáng tạo được xếp lên hàng đầu – dù người lao động có thể có cá tính hơi khác người, hơi lập dị một chút - không sao, miễn là phải luôn đầy ắp ý tưởng và không đi theo lối mòn.
Nhưng trong một doanh nghiệp đòi hỏi sự phối hợp tuân thủ chặt chẽ theo đúng quy trình của cả một dây chuyền thì tiêu chí tuân thủ được xét tới đầu tiên trước khi xem xét các tiêu chí khác. Tại nơi tôi làm việc – một ngân hàng đòi hỏi tính tuân thủ cao – đã có một vài nhân viên phải nộp đơn xin nghỉ việc vì họ mang tâm hồn bay bổng của nghệ sỹ nên thực sự khó thích nghi, dù khi mới thi tuyển vào họ được đánh giá rất cao vì từng đỗ thủ khoa đầu ra tại trường đại học, nhưng sau đó, tại một môi trường mới, họ đã thỏa sức phát huy hết điểm mạnh của mình và rất thành công.
Thứ hai, về công tác đào tạo
Nhân sự sau khi được tuyển dụng, sẽ được tham dự các khóa đào tạo nội bộ để nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Có nhiều kiến thức mà nhân viên chưa từng được học ở trên ghế nhà trường như các kỹ năng làm việc đội nhóm, kỹ năng phối hợp và ứng xử với đồng nghiệp và khách hàng, kỹ năng xử lý các tình huống thực tế trong nguồn lực có hạn mà vẫn tuân thủ đúng quy trình, quy định, kỹ năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp cụ thể phát sinh, kỹ năng chấp nhận và giải tỏa stress, kỹ năng ứng biến linh hoạt, sáng tạo để giải quyết các bài toán đặt ra trong công việc hàng ngày, hay đơn giản chỉ là kỹ năng viết một công văn, một tờ trình, quy trình giải quyết một việc phải trải qua bao nhiêu bước, kỹ năng đặc trưng rất ngân hàng là điều tra lý lịch, hoàn cảnh khách hàng trước khi quyết định ký một hợp đồng tín dụng, kỹ năng thu hồi nợ...
Được học những kỹ năng này, nhân viên giống như là được các thế hệ đồng nghiệp đi trước rút ruột rút gan truyền đạt lại những kiến thức mà khi còn đi học, họ có muốn học cũng không có ai truyền dạy, thậm chí đó còn là những tình huống thực tế chưa bao giờ họ biết tới. Chính vì vậy, giảng viên trong ngân hàng mang một sứ mệnh hoàn toàn khác với các thầy cô trên giảng đường đại học. Điều này được minh chứng rõ ràng bằng cảm nhận của học viên khi mời các thầy cô ở trường đại học về giảng cho nhân viên các ngân hàng, hay các nhân sự đã có thời gian làm việc tại ngân hàng quay lại trường đại học để học các khóa nâng cao.
Giảng viên tại các ngân hàng, có thể là giảng viên toàn thời gian hay chỉ là giảng viên kiêm nhiệm – vừa làm chuyên môn vừa tham gia giảng dạy – họ đều có ưu thế hơn so với giảng viên bên ngoài vì hơn ai hết, họ hiểu về hệ thống, hiểu văn hóa, hiểu quy trình quy định, hiểu con người, hiểu sản phẩm, hiểu khách hàng cũng như hiểu rằng sứ mệnh của mình là ươm mầm và bồi đắp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho các thế hệ nhân viên của ngân hàng.
Bên cạnh áp lực công việc hàng ngày, việc phải thường xuyên tham gia các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ đôi khi sẽ tạo thêm sức ép về mặt thời gian đối với nhân viên. Vì vậy, mỗi bài học cần được thiết kế sao cho thực sự hấp dẫn và thú vị, cần được dẫn dắt giống như một câu chuyện mà mỗi nhân viên đều thấy hình ảnh của mình trong đó. Do vậy, người giảng viên phải thực sự tâm huyết với nghề và có nghệ thuật mới có thể biến những bài giảng nghiệp vụ khô khan trở nên có sức hút, gây hứng thú với người học.
Thứ ba, về công tác quy hoạch và bổ nhiệm:
Sau một thời gian nỗ lực học hỏi và làm việc, nhân viên nào cũng mong muốn được quy hoạch và bổ nhiệm lên các vị trí cao hơn. Đây không chỉ là quyền lợi, mà nó còn có giá trị to lớn hơn về mặt tinh thần, là sự ghi nhận của lãnh đạo đối với công sức đóng góp của nhân viên. Công tác quy hoạch và bổ nhiệm cần được thực hiện một cách công khai, minh bạch, công bằng thì mới tác động tốt lên tâm lý của nhân viên, khiến cho nhân viên yên tâm phấn đấu và cống hiến.
Khi được bổ nhiệm, bản thân cán bộ đó lại càng phấn đấu hơn nữa, để không phụ lòng tin của lãnh đạo cấp trên, cũng như để xứng đáng là đầu tàu dẫn dắt cả một tập thể. Và khi đó, những kiến thức mà cán bộ này đã thu nhận, sẽ được quay lại truyền cho các thế hệ cán bộ đi sau, như một vòng tròn khép kín, như nước từ suối ra sông, từ sông ra biển rồi lại được những cơn mưa đem ngược trở lại về những con suối nhỏ.
Trên đây là 3 trụ cột chính của công tác nhân sự tại một ngân hàng. Công tác này cần được nâng cao về mọi mặt, từ đó chúng ta mới có thật nhiều thế hệ cán bộ có chất lượng tốt nối tiếp nhau, đáp ứng các yêu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước trong giai đoạn mới - giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 trong mọi lĩnh vực của sản xuất và đời sống. Trước thềm năm mới 2020, chúc cho mỗi ngân hàng, mỗi nhân viên đều ý thức được tầm quan trọng của công tác tuyển dụng – đào tạo – quy hoạch và bổ nhiệm đối với sự tồn tại và phát triển của ngân hàng mình để tiếp tục có những bước tiến vượt bậc, bay cao bay xa hơn nữa.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899