Bao giờ mới ổn định nguồn cung thịt lợn ra thị trường?
TCDN - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Bản chất của giá thịt lợn hiện nay là vấn đề cung cầu, và hiện nay nguồn cung thiếu là rất rõ.
Chiều 15/5, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ. Tại họp báo, đại diện Bộ Công Thương đã trả lời báo chí về nhiều nội dung được dư luận quan tâm hiện nay như về giá thịt lợn, hoạt động xuất khẩu gạo.
Liên quan đến giá thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Bản chất của giá thịt lợn hiện nay là vấn đề cung cầu, và hiện nay nguồn cung thiếu là rất rõ.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu rõ, so với năm 2018, năm 2019, cả nước đã thiếu từ 20-21% tổng đàn lợn và sản lượng thịt cung cấp cho thị trường; 3 tháng đầu năm 2020 lại tiếp tục giảm 20% nữa so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, hiện nay nhiều địa phương còn phản ánh tình trạng thiếu nguồn cung, kể cả lợn giống và lợn thịt còn thiếu đến 50%. Mặt khác, hiện nay còn khoảng 17-18 địa phương chưa công bố hết dịch và như vậy, người nông dân chưa yên tâm để tái đàn.
“Hiện nay nguồn cung là rất thiếu, kể cả một số hộ muốn tái đàn họ không còn vốn tái đàn, kể cả có vốn con giống cũng rất đắt từ 2,5 -3 triệu đồng/con”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Từ đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh đến một biện pháp tối ưu, bền vững, cơ bản nhất là việc tái đàn. Theo tính toán của các địa phương, doanh nghiệp, sớm nhất phải hết năm nay nếu không có gì đột biến thì lượng lợn cung cấp ra thị trường mới tương đương trước khi có dịch. Như vậy, từ nay đến cuối năm sẽ thiếu nguồn cung, còn cầu cũng sẽ tăng hơn sau dịch.
Biện pháp thứ hai, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải là phải nhập khẩu thịt lợn để bù đắp nhưng việc này cũng cần phải tính toán và có kế hoạch cụ thể; nếu nguồn cung trong nước tăng lên phải giảm nhập khẩu đi để bảo vệ người chăn nuôi trong nước.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhập khẩu thịt lợn. Cùng với đó, Bộ sẽ chỉ đạo các Thương vụ của Việt Nam ở các nước ngoài giới thiệu đầu mối nhập khẩu bảo đảm về giá cả, chất lượng cho doanh nghiệp trong nước.
Liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, gạo là mặt hàng xuất khẩu nhưng phải bảo đảm an ninh lương thực. Vì vậy, thời gian qua, Bộ Công Thương được giao điều hành xuất khẩu gạo, bảo đảm giám sát chặt chẽ và linh hoạt từng thời kỳ.
Theo ông Trần Thanh Hải, giai đoạn tháng 3 năm nay, khi dịch Covid-19 bệnh đỉnh điểm, phức tạp không chỉ tại Việt Nam mà diễn biến tại rất nhiều nước thế giới, phải tiến hành biện pháp thắt chặt mặt hàng lương thực, thực phẩm. Trước bối cảnh đó, Chính phủ có quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo và cuối tháng 4 vừa qua Chính phủ đã xem xét nới lỏng hoạt động xuất khẩu.
Thống kê cho thấy, sau 4 tháng, xuất khẩu gạo đã đạt 991 triệu USD, 2,1 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu tăng nhẹ 1,1%; kim ngạch tăng 4,1%.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899