BHXH Việt Nam: Ứng dụng công nghệ sinh trắc mang lại nhiều lợi ích thiết thực

12/12/2023, 15:07
báo nói -

TCDN - Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.

Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi khám chữa bệnh BHYT, đồng thời giúp quản lý tốt quỹ BHYT, BHXH Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ cho triển khai, đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc (dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư) trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo đó, BHXH Việt Nam đã nâng cấp, điều chỉnh Phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc, triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” của BHXH tỉnh Bình Dương và BHXH quận Đống Đa, Hà Nội.

Khi triển khai thí điểm xác thực sinh trắc, tại các cơ quan triển khai thí điểm, các Văn phòng BHXH đã bố trí riêng quầy thực hiện sinh trắc khi người dân đến nộp hồ sơ trực tiếp (hưởng BHXH một lần, cấp lại sổ, điều chỉnh sổ, gộp sổ...).

BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư.

BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư.

Theo đó, khi đến nộp hồ sơ thì người dân sẽ được cán bộ Bộ phận “Một cửa” hướng dẫn đến quầy sinh trắc trước khi thực hiện quy trình nộp hồ sơ. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ thực hiện đối chiếu hồ sơ và sinh trắc vân tay với CCCD gắn chip. Trường hợp sinh trắc thành công, cán bộ tiếp nhận hồ sơ thực hiện lưu lại thông tin để đảm bảo trong quá trình xử lý hồ sơ và tra cứu hồ sơ sau này, tiếp nhận hồ sơ theo quy định.

Trước đây, cán bộ tại bộ phận "Một cửa" phải tự kiểm tra xem CCCD thật hay giả và không có cơ sở gì để xác định chính xác; tự kiểm tra người xuất trình CCCD và thông tin trên CCCD có phải là một hay không. Bên cạnh đó, trong khám chữa bệnh BHYT, quy trình phải thực hiện tối thiểu các bước: Lấy số thứ tự bằng CCCD, thẻ BHYT, VssID, VNeID; Qua bộ phận hướng dẫn để thông tin thủ tục; Đến bộ phận tiếp đón để xuất trình thẻ BHYT, xuất trình CCCD để cán bộ kiểm tra; Phân luồng vào KCB.

Chỉ riêng việc đối chiếu so khớp thông tin bằng mắt thường, nhập thông tin vào hệ thống; đi lại ở các địa điểm (các quầy làm thủ tục), ước tính không dưới 10 phút/địa điểm. Ngoài ra còn có thể phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ để đến lượt làm thủ tục trong khi mỗi quầy tiếp đón phải bố trí 01 cán bộ y tế.

Tuy nhiên, nhờ công nghệ xác thực sinh trắc, quy trình KCB BHYT cũng từ 4 bước rút gọn còn 2 bước do đã kết hợp xác thực sinh trắc và tra cứu thẻ BHYT, phân luồng vào khám chữa bệnh ngay từ đầu. Thời gian trung bình xác thực là 6-13 giây trên 1 lượt thực hiện với độ chính xác rất cao, chỉ cần 1 cán bộ y tế cho tất cả các quầy xác thực.

Việc thay đổi này giúp người bệnh giảm tối đa thời gian, các loại giấy tờ cho người dân khi làm thủ tục đăng ký vào KCB BHYT. Thay vì phải mất thời gian chờ đợi đến lượt được nhân viên y tế gọi vào xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh như trước đây để đăng ký vào KCB BHYT thì nay người dân có thể chủ động, tự sử dụng CCCD làm thủ tục đăng ký vào KCB BHYT ngay tại máy tự động tiếp đón, mà không phải thông qua nhân viên y tế.

Với quy trình KCB này đã giúp tiết kiệm thời gian trung bình làm thủ tục từ 10 phút đến vài giờ, nay chỉ còn xác thực tại máy khoảng 6-15 giây trên một bệnh nhân. Người bệnh được phân vào chuyên khoa KCB sớm hơn rất nhiều so với trước đây.

Việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc đã mang lại lợi ích cho cả người dân, cơ sở KCB và cơ quan BHXH. Theo đó, giúp người bệnh giảm thiểu tối đa thời gian, các loại giấy tờ.

Trong quá trình thí điểm, các cơ quan BHXH đã thực hiện sinh trắc cho trên 16.000 người đến nộp hồ sơ, qua đó đã phát hiện 3 trường hợp nghi ngờ sử dụng thẻ CCCD giả để làm hồ sơ hưởng BHXH một lần (tại Bình Dương). BHXH tỉnh Bình Dương đã báo cáo với cơ quan chức năng để thực hiện các bước xem xét, xác minh và xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng đã có văn bản báo cáo BHXH Việt Nam, UBND tỉnh, Công an tỉnh và một số Sở, ngành trong tỉnh theo dõi, chỉ đạo; thông báo rộng rãi đến BHXH các tỉnh quan tâm, lưu ý và cảnh giác trước tình hình giả mạo giấy tờ tùy thân.

Ứng dụng xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải giúp người dân giảm tối đa thời gian cung cấp các loại giấy tờ, giúp các thông tin được nhập nhanh chóng, chính xác. Với cơ quan BHXH giúp đảm bảo xác thực được thẻ CCCD thật/giả, xác thực danh tính của người dân khi đến nộp và giải quyết hồ sơ (nhất là các hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH, đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần có số tiền chi trả tương đối lớn...); phát hiện kịp thời và hạn chế tình trạng gian lận, giả mạo giấy tờ tùy thân để trục lợi quỹ BHXH, BHYT. 

Việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDL Quốc gia về dân cư và CSDL Quốc gia về bảo hiểm, cùng với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc sẽ giúp nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử; hạn chế gian lận, trục lợi trong KCB BHYT... Qua đó, không chỉ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các bên tham gia, mà còn giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KCB BHYT, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia.

PV
Bạn đang đọc bài viết BHXH Việt Nam: Ứng dụng công nghệ sinh trắc mang lại nhiều lợi ích thiết thực tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

BHXH Việt Nam: Ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT
Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư trong công tác khám chữa bệnh BHYT mang lại những kết quả tích cực.
BHXH Việt Nam tập trung, quyết liệt “về đích” trong tháng còn lại năm 2023
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hội nghị đánh giá kết quả toàn Ngành đạt được trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2023; từ đó đưa ra các giải pháp để quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong thời gian 1 tháng còn lại, làm tròn trách nhiệm với người dân về công tác an sinh xã hội.