Thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc:

Ngành Nông nghiệp chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm

30/11/2023, 08:39

TCDN - Để các sản phẩm nông sản có thể xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế triển khai đồng bộ các hoạt động hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm trong xuất khẩu nông sản nguồn gốc thực vật, thủy sản.

Sầu riêng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD chỉ sau thời gian ngắn Trung Quốc mở cửa thị trường cho loại trái cây này.

Sầu riêng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD chỉ sau thời gian ngắn Trung Quốc mở cửa thị trường cho loại trái cây này.

Tiếp tục đàm phán các nghị định thư

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2023 ước đạt 38,48 tỷ USD. Riêng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1% tổng giá trị xuất khẩu và đây cũng là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ nhất của Việt Nam.

Ba quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc đạt hơn 8,7 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng nông sản chiếm 70%, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, với hơn 6,2 tỷ USD. Rau quả tăng 160% cùng kỳ năm 2022, trong đó sầu riêng đạt 1.500.000.000 USD.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc các nghị định thư về các mặt hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng gồm: dưa hấu từ mặt hàng xuất khẩu truyền thống chuyển sang ký nghị định thư để chuẩn hóa quy định; sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi. Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong xuất khẩu các mặt hàng này, việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn rất nhiều.

Trong 2 năm qua, từ khi cơ quan hải quan Trung Quốc yêu cầu các nước xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc phải đăng ký theo Lệnh 248 (Quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc) và Lệnh 249 (Quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu), với vai trò là cơ quan đầu mối, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế triển khai đồng bộ các hoạt động. 

Trong đó, trọng tâm là phân tích tiềm năng thị trường nông sản thực phẩm của Trung Quốc; Quy định của thị trường về đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm trong xuất khẩu nông sản nguồn gốc thực vật, thủy sản vào Trung Quốc; Cảnh báo vi phạm và bài học kinh nghiệm; Hướng dẫn về đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm trong xuất khẩu tổ yến vào Trung Quốc...

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam; đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ). Thời gian qua, nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây, cà phê xuất khẩu sang Trung Quốc đã tận dụng được cơ hội về giá để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng. 

Với việc Trung Quốc cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả, trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; 128 loài loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam..., thời gian tới việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc sẽ còn nhiều dư địa. Đây là thời cơ cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư sản xuất, tăng cường hội nhập, tìm kiếm đối tác, cũng như khai thác hết tiềm năng của thị trường này.

Bà Lê Phương Thúy - Giám đốc Công ty CP XNK Tấn Phát Đạt tại TP. Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), cho biết Công ty Tấn Phát Đạt đang xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc.  Những năm trước, việc xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc rất khó khăn, chủ yếu đi đường tiểu ngạch. Từ 2022, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn Công ty làm các thủ tục về tiêu chuẩn, kho xưởng, an toàn vệ sinh thực phẩm,... để đáp ứng nhu cầu bên Trung Quốc nên hoạt động xuất khẩu của công ty rất tốt, trung bình mỗi tháng doanh thu khoảng 300 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại XNK Vỹ Tuyến, trụ sở TP Móng Cái cũng cho biết, đơn vị đang sơ chế, chế biến bao gói các sản phẩm về thủy sản và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực. Năm 2022, Vỹ Tuyến đạt doanh thu khoảng 80 tỷ đồng, năm nay dự kiến doanh thu công ty sẽ tăng đột biến, khoảng 160 tỷ đồng. 

Để có được kết quả tốt như vậy, theo ông Út là do Công ty có lợi thế trụ sở ở Móng Cái nên điều kiện tiếp cận khách hàng rất thuận lợi. Ngoài ra, chính quyền địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói chung và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tỉnh nói riêng đã kết nối, hướng dẫn doanh nghiệp nên Công ty đã tiếp cận được nhiều hơn với bạn hàng Trung Quốc. Đặc biệt, sau khi lệnh 248, 249 của Trung Quốc có hiệu lực, với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh lĩnh vực thủy sản, Công ty đã nghiên cứu sâu và tìm hiểu, nắm bắt những quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc nên mọi việc rất thuận lợi.

Tuân thủ nghiêm ngặt ngay từ khâu đăng ký

Với những điểm sáng đã và đang đạt được từ thúc đẩy mở cửa thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt Nam, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải tìm hiểu và chuẩn bị thật kỹ những quy định về tiêu chuẩn từ thị trường này. Bởi, Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, thủy sản, trái cây... nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản vào Trung Quốc cần đặc biệt lưu ý và tuân thủ Lệnh số 248 (ngày 12/4/2021) Quy định quản lý và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc và Lệnh số 249 (ngày 14/4/2021) Quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu vào Trung Quốc.

Việc tuân thủ ngay từ đầu sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và mặt hàng xuất khẩu lâu dài bởi khi có lô hàng bị cảnh báo, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) sẽ thông báo và thực hiện kiểm tra thực tế cơ sở trực tuyến hoặc trực tiếp. Cơ sở có lô hàng cảnh báo bị đưa ra khỏi danh sách được phép nhập khẩu và rất khó trở lại danh sách sau khi giải trình.

Nam Phong
Bạn đang đọc bài viết Ngành Nông nghiệp chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Sản xuất kinh doanh thủy sản: Ưu tiên nguồn lực cải thiện hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm
Rà soát, sửa đổi chương trình quản lý chất lượng theo HACCP; thiết lập có hệ thống các biện pháp kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu sản xuất; Ưu tiên nguồn lực cải thiện hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm… là những yêu cầu đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.
Giữ vững chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm thuỷ sản sống xuất khẩu của Việt Nam
Sau khi có thông tin phản ánh về hoạt động bao gói, xuất khẩu cua sống sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu rà soát hoạt động thẩm định, chứng nhận và giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở bao gói nhằm tiếp tục giữ vững uy tín của Việt Nam.
Gỡ vướng xuất khẩu tôm hùm bông: Yêu cầu an toàn thực phẩm không đổi, chứng minh quá trình nuôi trồng
Dù các yêu cầu về an toàn thực phẩm, thủ tục hải quan không thay đổi, tuy nhiên, việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc đang bị ách tắc. Để xác định nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 10/11.
Nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, việc thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững phải gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái; nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.