Bị Mỹ cấm vận, ngành công nghiệp ôtô Iran trên bờ vực sụp đổ

07/01/2020, 17:51

TCDN - Từng là ngành công nghiệp quan trọng chỉ đứng sau dầu khí, ngành ôtô Iran trong những năm gần đây đã giảm mạnh cả về số và chất lượng.

Iran từng là thị trường ôtô lớn nhất khu vực nhưng nay đã thu hẹp đáng kể do Mỹ cấm vận. Trong ngắn hạn, chưa thấy bất cứ dấu hiệu khả quan nào của thị trường này.

Năm 2017, Iran sản xuất hơn 1,5 triệu xe, tăng 14% so với năm trước đó. Thế nhưng chỉ một năm sau đó, lượng xe sản xuất chỉ chưa tới 1 triệu. Năm 2019, giảm tiếp 20%, thậm chí nhiều hơn.

Hình ảnh xe phủ bụi và thiếu linh kiện không hiếm tại Iran. Ảnh: AutomotiveLogistics.

Hình ảnh xe phủ bụi và thiếu linh kiện không hiếm tại Iran. Ảnh: AutomotiveLogistics.

Lệnh cấm vận của Mỹ đã khiến chuỗi cung ứng linh kiện của PSA và Renault cho Khodro (IKCO) và Saipa (Iran) ngừng trệ. Trong nhiều năm, Khodro và Saipa là hai công ty sản xuất xe chính cho thị trường này.

Tháng 7 năm ngoái, Bộ Công nghiệp Iran cáo buộc các công ty xe găm hàng và đẩy giá lên cao. Ảnh chụp trên cao cho thấy rất nhiều xe phủ bụi lưu tại kho hàng ngoài trời. IKCO và Saipa bị tố găm nhiều xe nhất.

Truyền thông nước này cho biết khoảng 160.000-300.000 xe mới bị lưu kho dù chúng trong trạng thái sẵn sàng bán ra thị trường. Hàng chục nghìn xe vẫn nằm trên dây chuyền sản xuất vì thiếu phụ tùng quan trọng.

Khi thị trường khan hiếm, giá xe bắt đầu được đẩy lên cao. Chiếc ôtô rẻ nhất đang được bán tại Iran là Pride, do Saipa sản xuất bằng công nghệ cũ của Kia. Giá xe là 12.200 USD so với 4.750 USD cách đây một năm.

Cuối 2018, mức giá trần do chính phủ Iran quy định với ôtô xuất xưởng đã tăng ít nhất 50% so với trước đó, một số trường hợp tăng 130%.

Hàng trăm nghìn ôtô vẫn nằm trên dây chuyền sản xuất vì thiếu linh kiện.

Hàng trăm nghìn ôtô vẫn nằm trên dây chuyền sản xuất vì thiếu linh kiện.

Sau đó, do người dân phản ứng, chính phủ nước này đã ra luật mới yêu cầu hãng xe phải báo cáo chi phí sản xuất, lợi nhuận biên và giá thành phẩm lên Hội đồng Cạnh tranh. Lãnh đạo công ty nào không tuân thủ có thể đối mặt với án phạt tù 2 năm.

Từ biểu tượng hồi sinh tới thảm họa ngành công nghiệp

Cấm vận đã tác động xấu tới ngành công nghiệp ôtô Iran. Tính tới tháng 3/2019 (theo lịch Iran), lượng ôtô sản xuất chỉ đạt 956.000 chiếc, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là tin xấu cho nền kinh tế Iran khi ngành công nghiệp ôtô đóng góp tới 10% GDP và thuê mướn tới 4% nhân công.

IKCO và Saipa là hai hãng xe nội địa lớn nhất chiếm hơn 90% sản lượng và thuê 100.000 nhân công, chưa kể khoảng 700.000 người làm trong các ngành công nghiệp phụ trợ.

Tiếp sau đợt giảm 38%, lượng ôtô sản xuất mới trong hai tháng đầu năm lịch Iran (21/3-21/5/2019) tiếp tục giảm sâu 42%, xuống chỉ còn 209.000 xe.

Renault ký thỏa thuận thành lập liên doanh với Idro và NH Group năm 2017 với hy vọng mở rộng hoạt động tại Iran. Ảnh: Renault.

Renault ký thỏa thuận thành lập liên doanh với Idro và NH Group năm 2017 với hy vọng mở rộng hoạt động tại Iran. Ảnh: Renault.

Đã có nhiều tiếng nói đề nghị chính phủ hỗ trợ vực dậy ngành công nghiệp ôtô, đặc biệt là chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chính phủ Iran phải chi ra 3,65 tỷ USD.

Số tiền này chỉ đủ cho nhà cung ứng mua linh kiện và vật liệu thô để hoàn thành sản xuất 150.000 xe hiện vẫn nằm trên dây chuyền.

Khi Iran đồng ý với thỏa thuận hạt nhân năm 2015, làn sóng đầu tư ngành công nghiệp ôtô mạnh dần lên, đặc biệt từ Renault và PSA. Năm 2016, PSA đồng ý xây dựng nhà máy mới với công suất 200.000 xe/năm.

Trong khi đó, Renault ký thỏa thuận chi 778 triệu USD xây dựng nhà máy mới có công suất 150.000 xe/năm gần Teheran.

Tuy nhiên, liều thuốc thử chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Hiện quá trình xây dựng hai nhà máy này đã ngừng trệ do lệnh cấm vận.

Renault và PSA từng hiện diện mạnh mẽ tại Iran tới khi Mỹ cấm vận. Ảnh: Renault.

Renault và PSA từng hiện diện mạnh mẽ tại Iran tới khi Mỹ cấm vận. Ảnh: Renault.

Xe cũ, nguồn cung linh kiện eo hẹp

Trong quá khứ, nhà sản xuất xe Iran dựa chủ yếu vào đối tác Pháp nhưng sau này lại chuyển sang công nghệ Hàn Quốc. Điển hình như Saipa sử dụng công nghệ xe Kia trong những năm gần đây, đặc biệt cho mẫu xe cỡ nhỏ Pride.

Pride được sản xuất tại Iran từ năm 1993, sử dụng phiên bản có từ những năm 1980 và không còn được sản xuất hay bán tại Hàn Quốc từ năm 2000.

Saipa còn sản xuất cả Peugeot 405, mẫu xe cổ lỗ sĩ đã ngừng sản xuất tại châu Âu từ 1997. Động cơ và hộp số của xe vẫn đang được sử dụng cho mẫu xe Samand của IKCO hiện nay.

Một chiếc Peugeot 405 trên đường phố Iran. Ảnh: Flickr.

Một chiếc Peugeot 405 trên đường phố Iran. Ảnh: Flickr.

Samand là mẫu sedan đầu tiên được sản xuất trong nước và được ví như “xe quốc dân” của Iran.

Với dòng xe hiện đại hơn một chút, IKCO có Peugeot 206 đời đầu, sử dụng linh kiện sản xuất trong nước để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.

Phiên bản cũ hơn của Citroen C3 cũng được Saipa sản xuất, gần đây gặp nhiều trục trặc vì liên quan tới linh kiện nhập khẩu từ Pháp.

IKCO còn sản xuất Dacia Logan, bán ra dưới cái tên Tondar 90 hoặc L90, còn Saipa bán ra thị trường mẫu xe Sandero Stepway. Cả hai xe đang ngừng sản xuất vì thiếu linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài.

Chính phủ Iran đã nỗ lực thúc đẩy hoạt động sản xuất linh kiện ôtô trong nước. Năm 2018, nghị định mới ra đời cho phép thành lập liên doanh với công ty ôtô nước ngoài miễn là đáp ứng yêu cầu nội địa hóa 40%.

Theo Tổ chức các nhà sản xuất xe Iran, tỷ lệ nội địa hóa tính tới đầu năm 2018 dao động trong khoảng 20-93%. Pride có tỷ lệ nội địa hóa tới 87%, Peugeot 405 và Samand – 93%, Peugeot 206 – 70%.

Một chiếc IKCO Samand.

Một chiếc IKCO Samand.

Ôtô Trung Quốc là cứu cánh?

Để vượt qua cấm vận, Iran quay sang Trung Quốc. IKCO hiện sản xuất một số mẫu xe sử dụng nền tảng Dongfeng và Haima, lần lượt đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% và 20%.

Tương tự, Saipa cũng dựa vào các mẫu xe Trung Quốc thông qua hợp tác với Brilliance, Changan và Zoyte. Tỷ lệ nội địa hóa đang vào khoảng 20%.

Hãng xe Trung Quốc hiện diện nổi nhất ở Iran là Chery, đã hợp tác với Modiran Vehicle Manufacturing bán xe dưới thương hiệu MVM.

Mẫu sedan H330 của Brilliance được giới thiệu tại Iran.

Mẫu sedan H330 của Brilliance được giới thiệu tại Iran.

SAIC Motor cũng hợp tác với FAN sản xuất mẫu SUV MG RX5 tại Semnan, cách thủ đô Teheran 180 km về phía đông.

Nhờ Trung Quốc, Iran đã giảm bớt phụ thuộc vào Pháp, tuy nhiên ngành công nghiệp ôtô nước này còn lâu mới thoát khỏi cái bóng của Pháp.

Ngoài Trung Quốc, các hãng xe Nga như AvtoVaz và Kamaz cũng ngấp nghé xâm nhập thị trường ôtô Iran.

Với những căng thẳng mới đây với các nước phương Tây, ngành công nghiệp ôtô Iran sẽ tiếp tục rơi vào khó khăn vì thiếu linh kiện phụ tùng, chưa nói tới trường hợp xấu nhất là chiến tranh.

Theo Tri thức trực tuyến
Bạn đang đọc bài viết Bị Mỹ cấm vận, ngành công nghiệp ôtô Iran trên bờ vực sụp đổ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tôn Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá vào Mỹ
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra Quyết định cuối cùng trong vụ việc điều tra Chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng cán nguội và thép chống ăn mòn (bao gồm mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu) nhập khập từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu Hàn Quốc, Đài Loan.