HUD "đổ" tiền núi vào công ty liên kết: Nơi mất sạch vốn, nơi có vài đồng cổ tức lấy vui

07/01/2020, 08:26

TCDN - HUD "đổ" một lượng tiền lớn lên tới 1.452,6 tỷ đồng vào các công ty con và công ty liên kết. Tuy nhiên, tại một số công ty liên kết âm vốn chủ sở hữu, nguy cơ trắng tay.

Rót 39 tỷ đồng thu về.... 95 triệu 

Theo báo cáo giám sát tài chính của Bộ Tài chính vừa phát hành, tính đến thời điểm ngày 31/12/2018, tổng giá trị đầu tư vốn theo sổ sách (giá gốc đầu tư) của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tại các công ty con, công ty liên kết và đơn vị khác là 1.452,6 tỷ đồng, chiếm 64% vốn chủ sở hữu.

Số dư trích lập dự phòng tổn thất về đầu tư tài chính là 30,41 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là số trích lập tổn thất về tài chính đã đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. Cổ tức được chia thu về là 261 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 18,3% tổng giá trị vốn đầu tư.

HUD đang mắc kẹt vốn ở mảng đầu tư liên kết

HUD đang mắc kẹt vốn ở mảng đầu tư liên kết

Cụ thể, giá trị vốn đầu tư vào 17 công ty con là 1.330,8 tỷ đồng, chiếm 93% giá trị đầu tư dài hạn. Trong đó, 17/17 công ty đều có lãi và 15/17 công ty thực hiện chia cổ tức; 11/17 công ty chia tỷ lệ cổ tức từ 10% đến 80%; 3 công ty chia cổ tức ở mức thấp từ 5% đến 7,5%; còn lại 2/17 công ty không chia cổ tức do lỗ lũy kế và lợi nhuận sau thuế rất thấp. Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUDSE lãi 95 triệu đồng/vốn điều lệ 38 tỷ đồng. Tính ra, tỷ suất lợi nhuận/ vốn chủ sở hữu rất thấp - chỉ ở mức 0,26%. 

"Chết" ở công ty liên kết

Giá trị vốn đầu tư của HUD vào 4 công ty liên doanh, liên kết là 91,9 tỷ đồng, chiếm 6,45% tổng giá trị đầu tư. Nhưng trong năm 2018 chỉ có 1/4 công ty chia cổ tức là Công ty Liên doanh Vinapon, với số tiền  là 1,64 tỷ dồng. So với tổng giá trị vốn đã đấu tư thì tỷ lệ cổ tức thu về hiệu quả thấp - chỉ đạt ở mức 1,78%. Trong khi đó 3 công ty còn lại không chia cổ tức do kinh doanh thua lỗ.

Bên cạnh đó, 2 công ty có nguy cơ mất 1 phần vốn đầu tư do thua lỗ, vốn chủ sở hữu giảm giá trị so với vốn góp ban đầu. Tính đến hết năm 2018, tại Công ty cổ phần Khách sạn và Du lịch Bảo Việt, HUD đầu tư góp 23,62% vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu là 62 tỷ đồng/vốn điều lệ 75,8 tỷ đồng (giảm 13,6 tỷ đồng tương ứng tỷ lê giảm 17,96%). Tại Công ty cổ phần Sài Gòn - Rạch Giá, HUD đầu tư góp 20,89% vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu là 71,94 tỷ đồng/vốn điều lệ 133,16 tỷ đồng (giảm 61,22 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ giảm tới 45,97%).

Tại Công ty Liên doanh Janadeco, HUD đầu tư góp 35% vốn điều lệ nhưng có nguy cơ mất hết vốn do thua lỗ kéo dài. Tại thời điểm ngày 31/12/2018, công ty này đã âm vốn chủ sở hữu tới (-144,48) tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ 33 tỷ đồng. HUD đã phải trích lập dự phòng cho tổn thất đầu tư 100% giá trị vốn đã đầu tư tại công ty này.

Ngoài ra, trong năm 2018, HUD còn góp vốn đầu tư 13,3% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Phú Quốc, giá trị đầu tư là 2,8 tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng giá trị đầu tư. Khoản đầu tư này cũng tiềm ẩn tổn thất về tài chính do doanh nghiệp thua lỗ, vốn chủ sở hữu là 14,3 tỷ đồng/vốn điều lệ 21 tỷ đồng (giảm 6,7 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ giảm 31,8%).

Như vậy, có thể thấy tình hình đầu tư ra ngoài của HUD tại một số công ty con, công ty liên kết đạt hiệu quả thấp. Đặc biệt là đầu tư tại công ty liên kết hầu như không có hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn và phải trích lập dự phòng tổn thất về đầu tư tài chính làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018. 

Bên cạnh đó, tại thời điểm ngày 31/12/2018, tổng tài sản của HUD là 8.749 tỷ đồng, tuy nhiên tổng số nợ phải trả lên tới 6.525 tỷ đồng, chiếm 74% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ ngắn hạn là 5.711 tỷ đồng, chiếm 87% nợ phải trả; nợ dài hạn là 814 tỷ đồng, chiếm 13% nợ phải trả. Trong khoản nợ phải trả có khoản trích trước chi phí tại dự án bất động sản là 3.435 tỷ đồng, gấp 1,54 lần vốn chủ sở hữu và chếm 53% trong cơ cấu tổng số nợ phải trả.

Từ những số liệu đó, Báo cáo giám sát của Bộ Tài chính nhận định: Dù khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của HUD được đảm bảo. Tuy nhiên, do hệ số khả năng thanh toán tức thời rất thấp, nợ xấu chiếm tỷ lê cao trong cơ cấu nợ phải thu nên HUD sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ đến hạn. 

Bài 2: Bộ Tài chính nói gì?

Thanh Tân
Bạn đang đọc bài viết HUD "đổ" tiền núi vào công ty liên kết: Nơi mất sạch vốn, nơi có vài đồng cổ tức lấy vui tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Vicem và Hud buộc phải cổ phần hoá trong năm 2020
Bộ Xây dựng đã rà soát, điều chỉnh tiến độ và đề xuất được Thủ tướng chấp thuận phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (Hud) và Tổng công ty Xi măng (Vicem) thực hiện cổ phần hóa trong năm nay.
Cổ phần hóa HUD: Nhà đầu tư kỳ vọng gì ngoài đất vàng?
Sau thông tin HUD xin giữ lại nhiều đất vàng khi cổ phần hóa bị Bộ Tài chính từ chối, có vẻ sức hút của “ông lớn” trong ngành xây dựng đã bị giảm đối với nhà đầu tư. Vậy ngoài đất vàng bị đòi thu hồi trên, sức khỏe tài chính của HUD thế nào?