Vicem và Hud buộc phải cổ phần hoá trong năm 2020

05/01/2020, 11:28

TCDN - Bộ Xây dựng đã rà soát, điều chỉnh tiến độ và đề xuất được Thủ tướng chấp thuận phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (Hud) và Tổng công ty Xi măng (Vicem) thực hiện cổ phần hóa trong năm nay.

Vicem thuộc danh mục thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Tổng công ty Hud thuộc danh mục thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ.

Bộ cũng đã hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hud đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Đề án tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2021- 2025.

tien_phong_hud_jdlz

Hiện, Hud đang tập trung hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa và giá trị đất cụ thể để xác định quyền sử dụng đất theo quy định.

Tuy nhiên, với đặc thù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều dự án trải khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, Hud đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất; phương án sử dụng đất và giá đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công, cổ phần hóa. Dù vậy, theo mục tiêu, Hud có kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2020.

Được biết, tiến độ cổ phần hóa tại Hud đang gặp phải nhiều khó khăn từ nhiều năm nay và doanh nghiệp này trước đó từng phải xin lùi hạn chót hoàn thành cổ phần hóa từ năm 2017 sang năm 2020.

Là một trong số 2 doanh nghiệp thuộc Bộ đang tập trung cổ phần hóa, Vicem cũng đã hoàn thành xác định doanh nghiệp từ 1/10/2018. Kiểm toán Nhà nước cũng đã hoàn thành kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp.

Nằm trong tiến trình cổ phần hóa, thời gian qua, Vicem đã dừng đầu tư một loạt dự án dở dang, chuyển nhượng dự án không thuộc ngành nghề kinh doanh chính để thu hồi vốn, trong đó có Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, Dự án xây dựng Khu tổng hợp Vĩnh Tuy; Dự án Nhà máy Kết cấu bê tông - Vật liệu xây dựng không nung; Dự án khu cảng Đông Hồi.

Tuy nhiên, kể cả đơn vị được đánh giá là thực hiện cổ phần hóa nhanh gọn như Vicem cũng đang phải tập trung xử lý một số tồn tại liên quan đến phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất cũng như phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, giá đất cụ thể theo quy định.

Vicem hiện sở hữu 10 doanh nghiệp sản xuất xi măng, với năng lực sản xuất trên 30 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong số này, có 1 số doanh nghiệp yếu, cần phải được tái cấu trúc tổng lực, là Vicem Hải Vân, Vicem Tam Điệp và Vicem Sông Thao.

Theo báo cáo của Vicem, hết tháng 6/2019, doanh thu Vicem ước đạt 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận gần 1.700 tỷ đồng, tăng tới 62% so với cùng kỳ năm 2018.

Đối với Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà đô thị (Hud), tại Báo cáo thường niên năm 2018, Doanh thu thuần của Hud đạt 6017,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 212,2 tỷ đồng, nợ phải trả là 9754,8 tỷ đồng, tổng tài sản đạt giá trị 13.748,8 tỷ đồng.

Thanh Tân
Bạn đang đọc bài viết Vicem và Hud buộc phải cổ phần hoá trong năm 2020 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Cổ phần hóa HUD: Nhà đầu tư kỳ vọng gì ngoài đất vàng?
Sau thông tin HUD xin giữ lại nhiều đất vàng khi cổ phần hóa bị Bộ Tài chính từ chối, có vẻ sức hút của “ông lớn” trong ngành xây dựng đã bị giảm đối với nhà đầu tư. Vậy ngoài đất vàng bị đòi thu hồi trên, sức khỏe tài chính của HUD thế nào?