Năm 2019: Tiền thu từ CPH, thoái vốn chỉ đạt 28%

31/12/2019, 17:11

TCDN - Trong năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), luỹ kế giai đoạn 2016 - 2019 có 168 doanh nghiệp được phê duyệt phương án CPH. Số tiền thu từ CPH, thoái vốn năm 2019 thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đạt khoảng 14.000/50.000 tỷ đồng dự toán.

1-3

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, việc cơ cấu lại, đổi mới khu vực DNNN năm 2019 còn rất chậm. Việc phân định trách nhiệm xử lý tài chính của một số DNNN làm ăn thua lỗ đã ảnh hưởng đến tiến độ trả nợ một số chủ nợ, ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia.

Tiến độ CPH các DNNN cũng rất chậm. Trong năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, luỹ kế giai đoạn 2016 - 2019 có 168 doanh nghiệp được phê duyệt phương án CPH, trong đó chỉ có 36/128 doanh nghiệp CPH thuộc kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020 (đạt 28% kế hoạch). Số tiền thu từ CPH, thoái vốn năm 2019 thu về Quỹ Hỗ trợ đạt khoảng 14.000 tỷ đồng/50.000 tỷ đồng dự toán. Như vậy, số nộp NSNN năm nay chủ yếu nhờ số thu phát sinh các năm trước chuyển sang, còn năm 2020 sẽ rất đáng lo ngại - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ. 

Trước đó, tại họp báo chuyên đề về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đánh giá, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại chậm, không đạt được theo kế hoạch đã đề ra. Đó là, chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần; chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường. Đồng thời, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

Để tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước  và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp.

Các DNNN thuộc diện cổ phần hóa khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Từ đó trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.

Với cơ quan đại diện chủ sở hữu, chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa cần thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần phải thực hiện quyết toán cổ phần hóa theo quy định. Trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Năm 2019: Tiền thu từ CPH, thoái vốn chỉ đạt 28% tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tập trung giải quyết các vấn đề nóng: Giải ngân vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, cổ phần hóa, thoái vốn
Giải ngân vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là những vấn đề nóng vừa được Chính phủ yêu cầu từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sâu sát công việc, chủ động, phối hợp xử lý những vướng mắc, bất cập.