Bộ Công Thương đề xuất 6 giải pháp phát huy nguồn lực đầu tư các tập đoàn kinh tế
TCDN - Tại hội nghị Thủ tướng làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ngày 18/3; Bộ Công Thương đã đề xuất 6 giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, những năm qua, kinh tế nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, bởi những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dị biệt của kinh tế thế giới; song các Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT) đã từng bước khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên và đạt được nhiều kết quả tích cực trong sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và nguồn thu ngân sách nhà nước...
Tuy nhiên, vai trò chủ đạo của TĐ, TCT chưa thật rõ; chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của một số TĐ, TCT không cao và chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả hoạt động, hiệu quả đầu tư còn thấp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chậm trễ trong việc xây dựng và phê duyệt chiến lược phát triển, đề án tái cơ cấu, chậm tiến độ trong thực hiện dự án…
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế nêu trên và nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, tập trung cao cho việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về phát triển DNNN; theo đó cần đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN (luật số 69) và sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 1 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Một số vấn đề chưa rõ, còn có ý kiến khác nhau cần phải được tổng kết, nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung: như vấn đề trao quyền tự chủ cho TĐ, TCT; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sử dụng TĐ, TCT làm công cụ điều tiết kinh tế… để thúc đẩy các TĐ, TCT hoạt động theo nguyên tắc thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu; đồng thời cần mạnh dạn có cơ chế đặt hàng, ưu tiên xem xét giao cho các TĐ, TCT nhà nước có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án lớn, trọng yếu quốc gia và các dự án đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các TĐ, TCT đầu tư ra nước ngoài và hợp tác đầu tư với các đối tác lớn của các quốc gia phát triển nhằm giúp các TĐ, TCT đi tắt, đón đầu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại và kỹ năng quản trị tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ hai, sớm hoàn thiện mô hình hoạt động của UBQLVNN; cần quy định thật cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền của UB và các Bộ quản lý ngành trong quản lý nhà nước đối với các TĐ, TCT để thống nhất thực hiện.
Thứ ba, xây dựng cơ chế giám sát và nâng cao tính chủ động, hiệu quả chức năng giám sát của nhà nước đối với hoạt động của TĐ, TCT. Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trao quyền chủ động hơn cho DN; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động SXKD gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra các hoạt động của TĐ, TCT nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan QLNN, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của TĐ, TCT theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, xác định và làm rõ hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của DNNN trong nền kinh tế. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN trong phát triển KTXH của đất nước; củng cố vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong hoạt động của DNNN, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Thứ năm, việc thực hiện cổ phần hóa DNNN chỉ nên tập trung vào các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thua lỗ, yếu kém để tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài, tạo ra cú huých về tài chính, đổi mới công nghệ, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Đối với các DNNN đang hoạt động có hiệu quả, đóng góp nhiều cho NSNN thì cần giữ lại tiếp tục quản lý hoặc chỉ cổ phần hóa một phần, vốn Nhà nước giữ vai trò chi phối để tiếp tục phát huy hiệu quả, củng cố vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Trong trường hợp vấn đề nằm ở yếu tố quản trị, con người thì cần mạnh dạn nhìn nhận vấn đề và đề xuất thay đổi nhân sự để bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.
Thứ sáu, các TĐ, TCT cần tăng cường quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh; bám sát đề án, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả và tập trung rà soát, đánh giá những vấn đề còn tồn đọng thuộc thẩm quyền của mình hoặc của Bộ, ngành, UBQLVNN để tham mưu đề xuất kịp thời chỉ đạo, giải quyết.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899