Bộ Công Thương yêu cầu EVN xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần

17/01/2024, 15:12

TCDN - Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu khẩn trương xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần.

Theo yêu cầu này của Bộ Công Thương, EVN sẽ xây dựng lộ trình và đề xuất đối tượng khách hàng sử dụng điện áp dụng giá bán điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng.

Trên cơ sở đề xuất về cơ chế và lựa chọn đối tượng khách hàng, công ty điện lực tính toán đối chứng, so sánh việc áp dụng giá bán điện hai thành phần với việc áp dụng giá bán điện theo biểu giá điện hiện hành.

EVN cũng được yêu cầu nghiên cứu, đánh giá tác động việc thực hiện giá bán lẻ điện bình quân và tác động với các nhóm khách hàng sử dụng điện khi áp dụng cơ chế giá bán điện hai thành phần; báo cáo tổng kết và đề xuất cơ chế giá bán điện hai thành phần sau giai đoạn tính toán, đối chứng gửi về Bộ Công Thương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Bộ Công Thương yêu cầu EVN xây dựng cơ chế giá điện lựa chọn như gói cước điện thoại.

Bộ Công Thương yêu cầu EVN xây dựng cơ chế giá điện lựa chọn như gói cước điện thoại.

Về định nghĩa, giá điện năng thị trường là mức giá cho một đơn vị điện năng xác định cho mỗi chu kỳ giao dịch, áp dụng để tính toán khoản thanh toán điện năng cho các đơn vị phát điện trong thị trường điện.

Giá công suất thị trường là mức giá cho một đơn vị công suất tác dụng xác định cho mỗi chu kỳ giao dịch, áp dụng để tính toán khoản thanh toán công suất cho các đơn vị phát điện trong thị trường điện.

Để dễ hình dung, nhà cung cấp sẽ đưa ra các gói sản phẩm tương ứng biểu giá khác nhau phù hợp với đặc điểm của từng khách hàng. Ví dụ, hai khách hàng cùng tiêu thụ 30kWh/ngày nhưng khách hàng dùng 30kWh trong 1 giờ sẽ được tính giá khác với khách dùng 30kWh trong vòng 24 giờ.

Lý do là chi phí mà các khách hàng này gây ra cho hệ thống điện khác nhau. Khách hàng có cùng sản lượng điện sử dụng theo tháng (theo kWh) nhưng có hệ số phụ tải (load factor) thấp thì phải trả giá cao hơn khách hàng có hệ số phụ tải cao.

Áp dụng thêm thành phần giá công suất (đồng/kWh hoặc đồng/kVA - đều là các đơn vị biểu trưng cho công suất của dòng điện) sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả. Điều này góp phần nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện, đồng thời giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện đáp ứng nhu cầu điện cho khách hàng và thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký.

Việc áp dụng giá điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng đem lại lợi ích cho cả khách hàng và đảm bảo thu hồi được chi phí đầu tư của ngành điện. Xuất phát từ quan điểm trên, cơ chế giá điện hai thành phần được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên.

Trên thế giới, nhiều khu vực và quốc gia đang áp dụng giá điện hai thành phần. Việc áp dụng sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý.

Trong khi đó tại Việt Nam, hiện mới có một phần khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh (những khách hàng thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày) được áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng.

Như Quỳnh
Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương yêu cầu EVN xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giá điện tăng 4,5% từ ngày 9/11
Bắt đầu từ ngày 9/11, giá bán lẻ điện bình quân tăng lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.