Bộ Giao thông lên tiếng về Vietjet hủy, hoãn chuyến hàng loạt

20/08/2019, 14:00

TCDN - Trong công tác quản lý nhà nước, việc để xảy ra tình trạng chậm hủy chuyến trên trách nhiệm trước tiên thuộc về Cục Hàng không Việt Nam, các cơ quan tham mưu và lãnh đạo Bộ GTVT.

Tổng số chuyến bay ảnh hưởng phải bồi thường trực tiếp (tiền mặt, phục vụ đồ ăn/uống...) theo các quy đinh nêu trên trong 2 ngày 15-16/6/2019 là 134 chuyến và với số tiền VietJet đã phải chi trả là 7,25 tỷ đồng - Ảnh: Internet.

Tổng số chuyến bay ảnh hưởng phải bồi thường trực tiếp (tiền mặt, phục vụ đồ ăn/uống...) theo các quy đinh nêu trên trong 2 ngày 15-16/6/2019 là 134 chuyến và với số tiền VietJet đã phải chi trả là 7,25 tỷ đồng - Ảnh: Internet.

Bộ Giao thông Vận tải vừa chính thức lên tiếng về tình trạng hủy, hoãn chuyến của Hãng hàng không Vietjet, đặc biệt là sự việc xảy ra trong 2 ngày 15-16/6 vừa qua gây bức xúc, thiệt hại cho khách hàng.

Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, Bộ Giao thộng Vận tải (GTVT) cho biết, thời gian vừa qua, Hãng hàng không VietJet, có những phát triển đột phá, góp phần tạo nên thị trường hàng không Việt Nam phát triển nhanh trong nhóm hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, Hãng hàng không VietJet còn để xảy ra tình trạng có nhiều chuyến bay bị hủy hoặc chậm chuyến (trong thời gian từ ngày 12 đến ngày 18/6/2019) gây ra bức xúc cho các hành khách, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không.

Nguyên nhân chậm, hủy chuyến của VietJet trong 2 ngày 15 - 16/6/2019: VietJet chuyển đổi phần mềm quản lý thời gian làm việc, nghỉ ngơi của thành viên tổ bay từ hệ thống phần mềm cũ (Geneva) sang hệ thống phần mềm quản lý mới (AIMS) trong khi chưa đánh giá sự tác động của thay đổi đến hệ thống quản lý an toàn;

Nhân viên phân lịch tổ bay và kiểm soát khai thác của VietJet vẫn sử dụng phương pháp thủ công để tính toán thòi gian bay và giới hạn thời gian bay trong một số thời điểm khi chưa sử dụng thành thạo phần mềm mới; Cán bộ quản lý và hệ thống giám sát nội bộ của VieJet chưa thực hiện đầy đủ công tác kiểm tra, giám sát liên tục dẫn đến một số phi công của VietJet có thời gian làm việc quá quy định phải dừng bay để đảm bảo an toàn cho quá trình khai thác. 

Bộ GTVT cho rằng, việc xảy ra tình trạng nêu trên, trách nhiệm trước tiên là của hãng hàng không; sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan, đơn vị phục vụ chuyến bay. Trong công tác quản lý nhà nước, việc để xảy ra tình trạng chậm hủy chuyến trên trách nhiệm trước tiên thuộc về Cục Hàng không Việt Nam, các cơ quan tham mưu và lãnh đạo Bộ GTVT.

Trong khi đó, với trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà vận chuyển, VieJet đã thông báo cho hành khách về thông tin chuyến bay (chậm, hủy) để giảm thiểu việc hành khách đến sân bay và giúp hành khách chủ động hơn trong việc sắp xếp lại hành trình.

Phối hợp cùng các công ty phục vụ mặt đất phục vụ khách hàng về việc ăn uống, khách sạn/chi phí khách sạn, bồi thường ứng trước không hoàn lại, chuyển chuyến bay, chuyển hành trình tương đương, hoàn vé.

Hãng cũng áp dụng những chính sách hỗ trợ cao hơn chính sách hiện hành cho một số đối tượng khách hàng có nối chuyến, cần hỗ trợ đặc biệt (Bồi thường thiện chí những trường hợp chưa nằm trong khung được bồi thường, hỗ trợ chi phí khách sạn trong những trường hợp chậm kéo dài qua đêm…). Bộ phận Tài chính kế toán và Dịch vụ khách hàng của VieJet luôn túc trực ghi nhận yêu cầu để chuyển tiền mặt cho các sân bay phục vụ bồi thường tại chỗ cho hành khách.

Tổng số chuyến bay ảnh hưởng phải bồi thường trực tiếp (tiền mặt, phục vụ đồ ăn/uống...) theo các quy đinh nêu trên trong 2 ngày 15-16/6/2019 là 134 chuyến và với số tiền VietJet đã phải chi trả là 7,25 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm hủy.

Đặc biệt ngày 21/6/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về việc hủy chuyến, chậm chuyến của hãng hàng không VietJet. Trong đó, đã yêu cầu Hãng hàng không VietJet phải tuân thủ nghiêm các quy định về an ninh, an toàn hàng không; Khắc phục ngay tình trạng hủy chuyến, chậm chuyến, dồn chuyến bay, đảm bảo quyền lợi cho hành khách; Tập trung việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển đội tàu bay theo lộ trình đã được duyệt,...; Tăng cường liên kết, phối hợp Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các Hãng hàng không khác nhằm vừa tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển, góp phần tăng cường sức mạnh các hãng hàng không Việt Nam.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phải rút kinh nghiệm về việc chậm phối họp với các cơ quan, đơn vị liên quan để cung cấp các thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí về nguyên nhân các chuyến bay bị hủy và chậm chuyến của hãng hàng không VieJet; Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các hãng hàng không để kịp thời xử lý, chấn chỉnh tình trạng cung ứng dịch vụ hàng không kém chất lượng; không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của quy trình, quy phạm về an ninh, an toàn hàng không,...

Nghiên cứu và làm rõ nguyên nhân hủy chuyến, chậm chuyến, dồn chuyến,... của các hãng hàng không; thu hồi slot đối với hãng hàng không nào vi phạm các quy định về vận chuyển hàng không hoặc chỉ vì mục tỉêu lợi nhuận để dẫn đến tình trạng chậm chuyến hoặc hủy chuyển, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách đi tàu bay.

Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp sẽ thông tin thêm về nội dung này trong những tin, bài tiếp theo.

Gia Hưng
Bạn đang đọc bài viết Bộ Giao thông lên tiếng về Vietjet hủy, hoãn chuyến hàng loạt tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan