Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt càng sớm càng tốt

09/05/2025, 15:28
báo nói -

TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường càng sớm, càng cao càng tốt.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - đại diện cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, ngày 9/5 đã làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Liên quan đến việc áp thuế với nước giải khát có đường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết quá trình soạn thảo, lấy ý kiến, Bộ này nhận được nhiều ý kiến trái chiều việc áp thuế hay không với nước ngọt. Ông khẳng định có căn cứ rõ ràng để quyết định áp thuế với nước ngọt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình tại phiên thảo luận dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngày 9/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình tại phiên thảo luận dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngày 9/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Theo dự thảo, nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram một 100 ml (nước ngọt) phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2027 - tức lùi một năm so với dự kiến trước đây. Mức thuế áp trong năm đầu tiên là 8%, sau đó tăng lên 10% từ 2028.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo Việt Nam, một trong số quốc gia tiêu thụ nước ngọt ngày càng lớn, nguy cơ béo phì cao, cần "đánh thuế càng sớm, càng cao càng tốt với nước giải khát có đường".

Ông Thắng nói thêm theo số liệu của WHO, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 46,5% đường tự do một ngày, phần lớn trong số này đến từ nước giải khát có đường. Đây là nguyên nhân gây béo phì, thừa cân. Tổ chức này khuyến nghị Việt Nam áp thuế tối thiểu 20% với nước ngọt.

Cũng theo Bộ trưởng, theo tiêu chuẩn quốc gia về nước giải khát, nước dừa không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cần cân nhắc kỹ và có lộ trình hợp lý hơn khi áp thuế với nước ngọt.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cần cân nhắc kỹ và có lộ trình hợp lý hơn khi áp thuế với nước ngọt.

Ông nói việc cho rằng nước ngọt gây béo phì là chưa chắc. Vì gây béo phì cho trẻ em hiện nay có nhiều loại sản phẩm khác chứ không phải nước ngọt.

"Bởi hiện nay giới trẻ rất mê trà sữa. Các quán bán đồ ăn ở bên ngoài bán tràn lan các thực phẩm ngọt, có đường chứ không chỉ riêng mấy loại nước giải khát. Do đó cần tính toán hợp lý để thu thuế", ông Hòa nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng nếu nước ngọt bị đánh thuế người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại nước khác có lượng đường tương đương nhưng không phải đối tượng chịu thuế.

Trong đó trà sữa, cà phê pha sẵn, nước ép bán ngoài đường phố…, những nước này uống khó kiểm soát cả về chất lượng và hàm lượng đường.

"Chính sách này có thể vô tình thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm đồ uống sản xuất thủ công, không chính thức, và những sản phẩm này rất khó kiểm soát về chất lượng và an toàn thực phẩm", bà Dung nêu quan điểm.

Bà đề nghị lùi thời hạn đánh thuế nước ngọt từ năm 2028 với lộ trình tăng dần, ví dụ tăng 3-5-7% để doanh nghiệp từng bước thích nghi.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt càng sớm càng tốt tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Cần thiết đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt
Cần thiết đưa nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB trong dự thảo sửa đổi, bổ sung luật thuế TTĐB. Việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể, tăng cân, béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khoẻ bao gồm tim mạch và tiểu đường.
Đề nghị chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), cho rằng hiện nay Chính phủ đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm giảm thuế VAT và tiền thuê đất. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tạm thời hoãn áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.

x