Bộ trưởng Bộ Tài chính phản hồi ý kiến mức giảm trừ gia cảnh "không còn phù hợp"
TCDN - Trước ý kiến của đại biểu về mức tăng giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày 1/7/2020 tới nay không còn phù hợp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, muốn thay đổi phải sửa đổi Luật Thuế TNCN. Dự kiến 2025 sẽ sửa Luật Thuế TNCN.
Tại phiên chất vấn ngày 18/3, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, mức tăng giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày1/7/2020 tới nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết phương án xét mức tăng, giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế TNCN thời gian tới chưa và mức bao nhiêu là phù hợp?
Về thuế VAT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng giải quyết về thuế VAT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ do doanh nghiệp ký kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam để cơ quan thuế và cơ quan hải quan trong việc tính thuế xuất nhập khẩu.
Trả lời đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân về thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ những phản ánh của người dân và báo chí nêu về mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp do giá cả gia tăng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng việc tính thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh, Bộ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Muốn thay đổi phải sửa đổi Luật Thuế TNCN. Dự kiến 2025 sẽ sửa Luật Thuế TNCN. Khi đó Bộ Tài chính sẽ nêu quan điểm và lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan để từ đó lên phương án để trình Quốc hội.
Về vấn đề thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu theo Nghị định 90, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đối với các doanh nghiệp không có đại diện vốn nước ngoài tại Việt Nam đều phải qua thủ tục hải quan; còn các doanh nghiệp khác thì chỉ quy định đối với thương nhân nước ngoài không có mặt tại Việt Nam và có đại diện tại Việt Nam. Các doanh nghiệp không có đại diện tại Việt Nam mà hợp đồng với các cơ quan doanh nghiệp khác tại Việt Nam vẫn phải thực hiện các quy định theo quy định của Luật Thuế và theo quy định của Hải quan.
Về thủ tục hải quan và hệ thống xử lý dữ liệu, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, các cơ quan của Bộ Tài chính như kho bạc, thuế, hải quan có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và phục vụ cho vấn đề phát triển kinh tế, thông quan, xuất nhập khẩu, thu thuế thuận lợi. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận, hệ thống công nghệ thông tin của Hải quan đến nay đã đưa vào sử dụng 10 năm nên có những lạc hậu, không tải nổi khối lượng dự liệu quá lớn như hiện nay, hệ thống cũng không kết nối được với các doanh nghiệp hay là kết nối với các đơn vị khác. Do đó, đặt vấn đề phải thay thế hệ thống này.
“Bộ Tài chính đề xuất đến 2025 sẽ đề nghị với Chính phủ để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin khác hoặc là Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho một dự án dữ liệu”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết mặt hàng đường mía nhập khẩu có thuộc mặt hàng chịu thuế quan hay không?
Đối với ý kiến về nhập khẩu đường mía của Lào, ông Hồ Đức Phớc dẫn chứng Nghị định 80, thực hiện cam kết quốc tế, đối với đường kính nhập trong khối ASEAN được hưởng thuế đặc biệt khi có đủ điều kiện được Bộ Công Thương cấp giấy phép nằm trong hạn mức nhập khẩu. Nếu nằm ngoài hạn mức nhập khẩu, không có giấy phép thì không được miễn thuế, không được hưởng cơ chế ưu đãi đặc biệt về thuế.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899