Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN

07/02/2024, 16:15
báo nói -

TCDN - Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, hoạt động kinh tế ban đêm, kinh doanh online, hoạt động kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số: 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023, 1284/CĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2023. Phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo lựclượng chức năng xử lý nghiêm các đơn vị, cửa hàng cố tình vi phạm, không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử; trường hợp cần thiết, thực hiện thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền ban hành; kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn cần áp dụng trong thời gian tới. Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân. Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy định nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là tại các vùng xảy ra thiên tai, bão lũ, không để người dân bị thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg, triệt để cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nhất là chi thường xuyên, các khoản chi không thực sự cấp bách để tăng cho chi đầu tư phát triển, trích lập tiền lương, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội. Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn quy định.

Khẩn trương rà soát, tổng hợp các vấn đề liên quan đến việc bãi bỏ cơ chế tài chính đặc thù để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023, đảm bảo triển khai đồng bộ với chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.

Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023.

Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung (hoặc thay thế) các Nghị định của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại văn bản số 10038/VPCP-ĐMDN ngày 25/12/2023, trình Chính phủ trong quý 1 năm 2024; trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi điểm 17, điểm 22 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Thông báo số 206/TB-VPCP ngày 8/12/2023 của Văn phòng Chính phủ.

Báo cáo Chính phủ trong tháng 2/2024 phương án phân bổ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023, tập trung cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, bảo đảm nguồn cải cách tiền lương và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, địa phương, cơ quan liên quan hướng dẫn chuẩn hoá dữ liệu khoản thu (phí, lệ phí, viện phí, học phí…), việc đối soát và hoàn tiền trực tuyến các khoản thu nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công đã nộp vào ngân sách nhà nước; hoàn thành trong quý 1 năm 2024.

Liên quan đến thuế TNCN, nhiều ý kiến trong thời gian vừa qua đã đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, hiện nay nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Ông Lâm dẫn chứng, thuế TNCN hiện hành với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, việc phân chia bậc lũy tiến hay mức giảm trừ gia cảnh không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, của giá cả, của lạm phát. Có nội dung lạc hậu cả chục năm và đây là những bất cập rất lớn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng đã duy trì từ tháng 7/2020. Mức này không còn phù hợp so với biến động liên tục mặt bằng giá chung, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế.

Theo phân tích của bà Mai, hiện hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, khoảng 20-30% từ sau dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên, trong khi thu nhập của họ không tăng, thậm chí giảm.

Tại các khu đô thị, người dân hay phải thuê trọ, khi tiền điện, tiền nước và giá cả hàng hóa đều tăng. Bên cạnh đó, gia đình có con em đi học cũng phải gánh thêm nhiều chi phí.

Theo đánh giá của bà Mai, với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, đối với mức giảm trừ gia cảnh, theo ông Tuấn, Quốc hội đã đưa vào quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với mức giảm trừ gia cảnh trước đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp không cần chờ sửa luật.

Nghị quyết chung kỳ họp 5 Quốc hội khóa XV cũng yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thuế TNCN đạt trên 155.000 tỷ đồng
Tổng cục Thuế cho biết, số thu từ thuế TNCN năm 2023 trên cả nước khoảng trên 155.421 tỷ đồng, chiếm 10,6% so với tổng số thu nội địa. Trong đó thuế TNCN từ tiền lương, tiền công là 108.228 tỷ đồng, đạt 108,7% so với năm 2022; chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 70% trong tổng số thu thuế TNCN.
Nhiều điểm trong Luật Thuế TNCN cần sửa đổi
Nhiều ý kiến cho rằng Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009 (đã qua quá trình sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014) có những bất cập, không còn phù hợp với điều kiện hiện nay và cần phải sửa đổi.