Bộ trưởng Xây dựng: Dư địa cải cách thủ tục hành chính của Bộ vẫn còn rất lớn

26/11/2021, 13:14

TCDN - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn.

Ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng. phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng. phát biểu tại hội nghị.

Dư địa cải cách ngành xây dựng còn lớn

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương quan trọng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra và đang ưu tiên thực hiện. Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã liên tục ban hành và triển khai thực hiện các Nghị quyết thường niên về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 5 Nghị định, 7 Thông tư vào 2 Nghị định.

Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022. Thực hiện thành công Phương án này hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp ngành Xây dựng, tạo ra sự đột phá trong nâng cao Chỉ số cấp phép xây dựng của Ngành năm 2021, 2022.

Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh, doanh của Ngành, Bộ Xây dựng vẫn luôn nhận thức rằng thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn.

"Qua Hội nghị đối thoại doanh nghiệp ngày hôm nay, Bộ Xây dựng xin cầu thị, lắng nghe và rất mong nhận được sự đánh giá khách quan, thẳng thắn và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh ngành Xây dựng cũng như các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng trên thực tế, làm cơ sở để Bộ và các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục đề xuất những giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Ngành Xây dựng là ngành kinh tế quan trọng của đất nước đóng góp lớp trên 6% GDP cả nước, tổng giá trị các công trình hạ tầng cầu đường, nhà xưởng, bất động sản rất lớn chiếm khoảng 20% GDP và tạo việc làm cho hàng triệu lao động và cơ sở vật chất thiết yếu cho các ngành kinh tế.

Nhiều nhà thầu "dở khóc dở cười" vì bão giá và chủ đầu tư "ghi nợ"

Bà Nguyễn Minh Thảo - Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cho biết, chúng ta vướng thời gian thực hiện cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan rất dài. Hiện nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới là 166 ngày cho thủ tục từ phòng cháy chữa cháy đến cấp phép, không bao gồm quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy hoạch.... đây là khoảng thời gian tương đối dài, gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: "Các nhà thầu phải đối mặt với bão giá nguyên vật liệu, giá thép có lúc tăng 40%, nhiều nhà thầu xây dựng ở trong cảnh "dở khóc dở cười" vì vừa khó tìm việc, vừa lại không dám nhận việc".

Nhiều doanh nghiệp xây dựng vừa qua đạt được 75-80% doanh thu cho năm 2021. Một số rất ít vượt mục tiêu, cũng có những doanh nghiệp giảm một nửa. Nhấn mạnh đấy chỉ là những chỉ tiêu bề nổi bởi nhiều nhà thầu đang lâm cảnh khó khăn do các khoản nợ và bị phụ thuộc khả năng thanh toán của chủ đầu tư.

"Không giống các lĩnh vực khác lãi 10 -15%, các đơn vị trong ngành xây dựng mong mỏi lãi chỉ 4% chứ không dám mong nhiều, bởi nguồn vốn đấu tư rất lớn nhưng có nhà thầu bị chủ đầu tư nợ vài nghìn tỷ đồng. Nếu nợ nhiều năm thì sẽ không có lãi, thậm chí sẽ âm vốn vì bản thân doanh nghiệp xây dựng cũng phải đi vay vốn của ngân hàng", ông Hiệp chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu cho biết thêm: "Hiện nay, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đang rất phức tạp, các cơ quan chính quyền không mạnh tay về công tác đền bù. Những tỉnh đưa ra hệ số đền bù cao thì dễ triển khai hơn. Vì vậy, đề nghị có cơ chế bồi thường đất, về vấn đề định giá đất. Đề nghị các tỉnh công bố hệ số định giá đất để các nhà đầu tư có thể tính toán được chứ không phải đợi Hội đồng định giá. Các văn bản luật hiện nay đang có sự chồng chéo, cần có đầu mối thống nhất giữa các Bộ để điều phối chung".

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng, ông Hiệp đề nghị việc sửa đổi hợp đồng xây dựng, quy định rõ trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư. Bản thân các doanh nghiệp xây dựng khi dự thầu có tới vài bảo lãnh, còn các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách thì không có gì đảm bảo.

Ông Hiệp cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp đối phó với cơn bão tăng giá nguyên vật liệu, cần có ý kiến cụ thể hơn cho vấn đề này. Ông cũng chỉ ra bất cập khi thông báo giá của Sở Xây dựng Đà Nẵng vẫn còn lạc hậu so với thị trường, giá cập nhật thanh toán không thực tế.

Đại diện Hiệp hội nhà thầu cũng kiến nghị thúc đẩy việc sửa các luật, giảm bớt chồng chéo, khơi thông nguồn cung cho thị trường bất động sản; đề nghị Bộ Xây dựng có đánh giá về tiêu chuẩn kỹ thuật đấu thầu, về đầu tư bất động sản, ngành kinh doanh chịu sự tác động của 12 Luật khác nhau nên gây chậm tiến độ cho các dự án, kéo theo chậm tiến độ xây dựng, gây ảnh hưởng số đầu việc cho các nhà thầu.

PV
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Xây dựng: Dư địa cải cách thủ tục hành chính của Bộ vẫn còn rất lớn tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bộ Xây dựng đề xuất thanh tra quỹ đất nhà ở xã hội
Tại hội nghị báo cáo kết quả thanh tra 10 tháng đầu năm, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - đề xuất thực hiện Thanh tra chuyên đề về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở.