Bộ Xây dựng: Giao dịch bất động sản qua sàn sẽ chống thất thu thuế

24/08/2023, 14:01

TCDN - Theo Bộ Xây dựng, việc bắt buộc giao dịch bất động sản quan sàn sẽ giúp nhà nước có công cụ quản lý thông tin thị trường, chống thất thu thuế và thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch. Các chính sách điều tiết của nhà nước được đưa ra kịp thời hơn khi có đủ thông tin.

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trong cơ quan soạn thảo đưa ra những lý giải và phương án đối với vấn đề được Đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại kỳ họp tháng 6 vừa rồi là giao dịch bất động sản qua sàn.

Theo đó, Bộ Xây dựng đưa ra 2 phương án, sau khi tiếp thu ý kiến các Đại biểu Quốc hội và xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như sau:

Phương án 1, không bắt buộc mà khuyến khích các giao dịch như mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, thuê nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án phải qua sàn.

Chủ đầu tư và khách hàng được chủ động, tự chọn phương thức giao dịch mua bán. Họ phải tự kiểm chứng chất lượng, pháp lý, giá cả… của bất động sản.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, với phương án này, nhà nước đã gián tiếp bỏ qua quyền được bảo vệ của nhà đầu tư, người dân - những người yếu thế khi tham gia thị trường.

“Nhà nước thiếu đi công cụ quản lý, kiểm soát dữ liệu thông tin thị trường, dữ liệu bán hàng bởi nhiều chủ đầu tư, sàn giao dịch không báo cáo số liệu hoặc báo cáo không đầy đủ, sai thực tế”, Bộ Xây dựng nhận định.

Không chỉ vậy, quy định này cũng tạo ra hệ lụy về thất thu thuế, khó kiểm soát trong phòng chống rửa tiền.

4AA4223E-7578-4C6F-8F78-705B62A24C64

Phương án 2, dự thảo luật sẽ quy định bắt buộc chủ đầu tư phải thực hiện mọi giao dịch bán, thuê mua nhà ở, chuyển nhượng... qua sàn. Còn tổ chức, cá nhân thì khuyến khích.

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, việc chủ đầu tư giao dịch qua sàn bất động sản sẽ đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền. Thị trường sẽ được minh bạch, chống “lợi ích nhóm” trong trường hợp chủ đầu tư cố tình bắt tay sàn, người mua nhà để giao dịch ngầm nhằm trốn thuế, ôm hàng, tăng giá bán làm lũng đoạn.

Các sàn giao dịch sẽ phải có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra tính pháp lý dự án nếu bắt buộc mua bán bất động sản trên giấy phải qua sàn. Với người mua nhà, quyền lợi của họ được đảm bảo khi có thông tin an toàn, tránh mua nhầm dự án ma, không đủ pháp lý.

Nhà nước có công cụ quản lý thông tin thị trường bất động sản, chống thất thu thuế và thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch. Các chính sách điều tiết của nhà nước cũng sẽ được đưa ra kịp thời hơn khi có đủ thông tin.

“Quy định giao dịch qua sàn không làm tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay làm tăng giá bán bất động sản”, Bộ Xây dựng khẳng định.

Đối với vấn đề bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, Bộ Xây dựng cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý theo hướng: Việc bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai là trách nhiệm của chủ đầu tư, nhưng là quyền của khách hàng.

Trường hợp khách hàng từ chối quyền của mình thì chủ đầu tư không phải thực hiện trách nhiệm này theo quy định thay vì quy định cứng là bắt buộc thực hiện như luật hiện hành và dự thảo đã trình Quốc hội.

Theo đó, quy định được tiếp thu vẫn giữ được định hướng của chính sách cũ nhằm đảm bảo vệ khách hàng là bên yếu thế trong giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, không cứng nhắc, cản trở quyền thỏa thuận, gây khó khăn cho các bên trong giao dịch.

Cụ thể, bổ sung làm rõ nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với bên mua, thuê mua nhà ở khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo cam kết với khách hàng trong hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai gồm số tiền chủ đầu tư đã nhận ứng trước từ khách hàng và các khoản tiền khác (nếu có) được ghi trong hợp đồng.

Bổ sung quy định trong thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng bảo lãnh phát hành cho người mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải ghi cụ thể về thời hạn hiệu lực.

Đồng thời, quy định sau tiếp thu ý kiến cũng làm rõ chủ đầu tư là bên sử dụng dịch vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Do vậy, chủ đầu tư có trách nhiệm trả phí dịch vụ này của mình và không được đẩy trách nhiệm trả phí dịch vụ này sang khách hàng.

Đặc biệt, quy định mới được tiếp thu theo hướng bổ sung thêm nội dung quy định tại Điều 26 dự thảo Luật về trường hợp bên mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai từ chối việc tổ chức tín dụng cấp bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình thì chủ đầu tư không phải thực hiện quy định về bảo lãnh.

Vấn đề “đặt cọc” khi mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau của các Đại biểu Quốc hội. Do đó, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin ý kiến Chính phủ 2 phương án.

Phương án 1, giữ nguyên dự thảo Chính phủ trình trước đó, tức là “chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kỉnh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định”.

Với phương án này, sẽ giảm thiểu rủi ro, bảo vệ khách hàng là bên yếu thế trong giao dịch bất động sản; đồng thời khắc phục được những bất cập thời qua, theo Bộ Xây dựng.

Cơ quan soạn thảo cho hay, luật hiện hành không quy định quản lý việc huy động vốn thông qua hình thức đặt cọc giữ chỗ. Nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản đã lợi dụng khoảng trống pháp luật này để ký kết hợp đồng, các loại văn bản thỏa thuận để huy động vốn.

“Rất nhiều tranh chấp phức tạp đã phát sinh từ các hợp đồng huy động vốn, hợp đồng đặt cọc được ký khi nhà ở chưa có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường bất động sản, các hậu quả bất lợi, thua thiệt thường nằm về phía khách hàng”, Bộ Xây dựng nêu.

Tuy nhiên, theo phương án này sẽ hạn chế chủ đầu tư ký kết hợp đồng đặt cọc để đảm bảo thực hiện giao kết với “khách hàng tiềm năng” khi bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

Phương án 2, chủ đầu tư được nhận tiền “đặt cọc” của khách hàng; số tiền đặt cọc không vượt quá 2% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng (tương đương mức phí bảo lãnh trung bình trong giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai).

Ưu điểm của phương án này, chủ đầu tư sẽ được ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng tiềm năng. Nhưng rủi ro là khó khẳng định dự án có triển khai đúng tiến độ hay không. Giá bán cụ thể của dự án chưa được xác định.

Cho hay “cơ quan chủ trì soạn thảo chưa có cơ sở để đánh giá tác động của quy định này”, nên Bộ Xây dựng đề xuất chọn phương án 1.

Theo chương trình phiên họp 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều ngày 24/8.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Bộ Xây dựng: Giao dịch bất động sản qua sàn sẽ chống thất thu thuế tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chính phủ muốn 2 loại giao dịch bất động sản phải qua sàn
Theo dự thảo luật mới nhất của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chính phủ tiếp tục đề xuất 2 loại giao dịch bất động sản phải qua sàn, gồm chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hoặc công trình hình thành trong tương lai và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật.