Bộ Xây dựng nói gì về ý tưởng thu thuế tài sản đối với bất động sản?

14/06/2022, 20:25

TCDN - Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, vấn đề đánh thuế tài sản đối với bất động sản là vấn đề rất lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt có tác động trực tiếp đối với người dân đang sở hữu nhà đất. Do đó cần phải được nghiên cứu kỹ.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng vào chiều 13/6, khi được hỏi về việc Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu để thu thuế tài sản đối với bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho hay, cơ quan này sẵn sàng tham gia, đóng góp ý kiến với mục tiêu kiểm soát giá nhà đất không tăng quá nóng, giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.

“Tuy nhiên vấn đề đánh thuế tài sản đối với bất động sản là vấn đề rất lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt có tác động trực tiếp đối với người dân đang sở hữu nhà đất. Do đó cần phải được nghiên cứu kỹ” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nêu quan điểm.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết hiện nay nội dung thu thuế tài sản đối với bất động sản mới đang trong quá trình đề xuất ý tưởng, chưa chính thức được nghiên cứu. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong những năm tới cũng chưa đưa nội dung này vào xem xét.

Bộ Xây dựng cho biết hiện nay nội dung thu thuế tài sản đối với bất động sản mới đang trong quá trình đề xuất ý tưởng, chưa chính thức được nghiên cứu.

Bộ Xây dựng cho biết hiện nay nội dung thu thuế tài sản đối với bất động sản mới đang trong quá trình đề xuất ý tưởng, chưa chính thức được nghiên cứu.

Liên quan đến việc thu thuế tài sản đối với bất động sản, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng đề cương báo cáo nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi 6 luật Thuế. Trong đó có tổng kết thi hành các chính sách liên quan đến bất động sản để phục vụ báo cáo đề xuất sửa đổi Luật thuế Sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, chính sách thu hiện hành liên quan đến bất động sản gồm: các khoản thu khi xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng và thu khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, lệ phí trước bạ); các khoản thu trong quá trình sử dụng tài sản (gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp); các khoản thu khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp khi người chuyển quyền là cơ sở kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân khi người chuyển quyền là hộ gia đình, cá nhân).

Bộ Tài chính đề nghị nội dung đánh giá bao gồm các kết quả đạt được trong thời gian có hiệu lực thi hành của các chính sách trên tính đến năm 2022 so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng (như hoàn thiện hành lang pháp lý trong quản lý, sử dụng đất đai đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, ổn định thị trường bất động sản, tăng thu ngân sách cho nhà nước…), bao gồm cả số liệu tổng quát thực tế.

Bộ Tài chính cũng đề nghị nội dung đánh giá cụ thể trong từng nhóm vấn đề, nêu rõ quy định hiện hành của từng chính sách, đánh giá tình hình thực hiện, nêu rõ vướng mắc phát sinh và nguyên nhân nếu có.

Trong đó, đề xuất sửa đổi nội dung cụ thể tại Luật thuế Sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp cũng như bổ sung mới cần quy định tại Luật. Bao gồm nội dung đề xuất có gộp Luật thuế Sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp hay không, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản.

Đồng thời Bộ Tài chính cũng đề nghị có sự đánh giá tác động của nội dung đề xuất sửa đổi đối với kinh tế xã hội, doanh nghiệp, người dân, ngân sách nhà nước và đánh giá tính cấp thiết của nội dung đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 9/2021 cũng gợi ý Thanh Hoá nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản (thuế nhà ở) tại khu vực đô thị. Việc áp dụng thuế nhà theo ông Huệ nên áp dụng thí điểm cho chính quyền đô thị lớn. Nếu Thanh Hoá thí điểm thành công thuế nhà ở, sau này có thể nghiên cứu áp dụng cho Hà Nội, TP HCM.

Theo các chuyên gia, nếu áp thuế tài sản sẽ là công cụ hữu hiệu để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, nhưng đòi hỏi dữ liệu thị trường phải thật chuẩn xác. Đây là loại thuế đánh trực tiếp lên người sở hữu bất động sản chứ không phải thuế chuyển nhượng bất động sản, nên sẽ hạn chế được đầu cơ vào thị trường này; và những lo ngại tăng giá bất động sản khi thêm thuế này khó xảy ra.

Năm 2017, Chính phủ từng đề xuất thí điểm thuế tài sản (nhà ở) tại TP HCM khi xin cơ chế đặc thù cho địa phương này, song vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, chính sách này đến nay không được thực hiện.

Năm 2018, Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản trình Chính phủ với mục tiêu điều tiết nhóm có thu nhập cao, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất và chống thất thoát lãng phí trong quản lý tài sản công, nhà đất công.

Tuy nhiên, chính sách này sau đó không được cấp thẩm quyền phê duyệt và đồng thời nhận được nhiều phản đối từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật thuế này nếu ban hành, khó đạt mục tiêu điều tiết thu nhập của người có nhiều nhà ở mà lại ảnh hưởng tới người nghèo, người chỉ có một căn nhà.

HT
Bạn đang đọc bài viết Bộ Xây dựng nói gì về ý tưởng thu thuế tài sản đối với bất động sản? tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Lấy ý kiến xây dựng luật thuế tài sản, đánh thuế nhà
Bộ Tài chính đề nghị bộ, ngành, địa phương cho ý kiến về các nội dung như có đề xuất có gộp Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hay không, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản.