Boeing: Mảng vận tải hàng hóa sẽ thăng hoa sau đại dịch COVID-19
TCDN - Bất chấp tương lai bấp bênh của ngành hàng không thế giới, tập đoàn Boeing vẫn dự báo lạc quan về triển vọng của mảng vận tải hàng hóa bằng đường không.
Boeing vừa công bố báo cáo "Dự báo Vận tải Hàng hóa bằng đường Hàng không Thế giới" (WACF). Báo cáo nhận định rằng, nhờ sự phục hồi trong thương mại toàn cầu và tăng trưởng dài hạn, thế giới sẽ cần thêm 2.430 máy bay chở hàng trong 20 năm tới.
"Một nửa trong số 2.430 phi cơ mới sẽ thay thế cho đội bay hết hạn sử dụng và nửa còn lại đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành. 930 phi cơ trong số đó sẽ là máy bay mới và 1.500 cphi cơ sẽ được chuyển đổi từ máy bay chở khách", báo cáo nêu rõ.
Hãng sản xuất máy bay lớn nhất nước Mỹ ước tính lưu lượng chở hàng bằng máy bay của thế giới sẽ tăng 4% mỗi năm trong 2 thập niên tới, nhờ các hoạt động thương mại và nhu cầu giao hàng nhanh của ngành thương mại điện tử. Do vậy, số lượng máy bay chở hàng toàn cầu sẽ tăng trưởng hơn 60% đến năm 2039.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu vận tải hàng hóa đường hàng không ở châu Á sẽ đạt mức cao nhất hành tinh, với Trung Quốc và các thị trường Đông Á - Châu Đại Dương lần lượt tăng trưởng 5,8% và 4,9% mỗi năm. Các thị trường Đông Á - Bắc Mỹ và Châu Âu - Đông Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn một chút so với mức trung bình của thế giới.
"Giới doanh nghiệp khai thác máy bay chở hàng đang chứng kiến tình huống đặc biệt trong năm 2020. Họ có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường về tốc độ, sự tin cậy và an toàn, vận chuyển thiết bị y tế và các loại hàng hóa khác cho cá nhân và cộng đồng trên khắp thế giới", ông Darren Hulst - Phó chủ tịch phụ trách Tiếp thị Thương mại của Boeing, phát biểu.
WACF dự báo khai thác vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa (belly cargo) chiếm khoảng một nửa công suất chở hàng trên toàn cầu trong năm 2019. Tuy nhiên, COVID-19 khiến hàng nghìn máy bay chở khách không thể cất cánh, khiến công suất giảm mạnh.
Trước tình thế ấy, các hãng khai thác máy bay chở hàng đã xoay sở bằng cách vận hành nhiều hơn mức bình thường, và lưu lượng vận tải của các hãng chuyên về chở hàng đã tăng 6%. Hiện tại, gần 200 hãng hàng không đã khai thác hơn 2.000 máy bay chở khách thân rộng để chở hàng - hoạt động giúp họ tăng dòng tiền mặt và hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Các máy bay này đã bù đắp phần nào thâm hụt về công suất, và trong vài trường hợp đã tạo ra lợi nhuận theo quý cho các hãng hàng không trong bối cảnh hoạt động chở khách sa sút", WACF đánh giá.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899