Bước lùi đầu tiên của thịt nhân tạo ở châu Âu

27/11/2023, 08:47
báo nói -

TCDN - Quyết định cấm sản xuất, bán và nhập khẩu thịt nhân tạo của Quốc hội Italy là cú sốc đối với các tổ chức bảo vệ động vật.

Italy đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm sản xuất, bán và nhập khẩu thịt nhân tạo, loại thịt được sản xuất bằng cách nuôi cấy tế bào động vật trong phòng thí nghiệm thay vì thông qua việc giết mổ động vật.

Lệnh cấm của Italy cũng bao gồm việc sử dụng các từ đề cập đến các sản phẩm thịt truyền thống, như "xúc xích Italy" hay "bít-tết", để tiếp thị các sản phẩm thay thế thịt làm từ thực vật.

Quốc hội Italy đã thông qua lệnh cấm nói sau quá trình tranh luận trong nhiều tháng. Những đối tượng vi phạm lệnh cấm có thể phải nộp phạt tới 60.000 euro (gần 66.000 USD).

thit nhan tao

Lệnh cấm của Italy ra đời trong bối cảnh nhiều quốc gia khác, bao gồm Đức và Tây Ban Nha, đang đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu để cải thiện quy trình sản xuất thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Những người ủng hộ thịt nhân tạo cho rằng con người nên sản xuất thịt nhân tạo vì tính bền vững, do hoạt động này có tác động tới môi trường thấp hơn so với sản xuất thịt có nguồn gốc động vật. Ngoài ra, thịt nhân tạo cũng có thể tốt hơn đối với sức khỏe người tiêu dùng, do quá trình nuôi cấy trong phòng thí nghiệm không cần sử dụng hormone tăng trưởng và các loại thuốc kháng sinh, đồng thời có thể có giá thấp hơn so với thịt có nguồn gốc truyền thống.

Bộ trưởng Nông nghiệp Italy, ông Francesco Lollobrigida, nhấn mạnh quyết định của chính phủ nhằm mục đích bảo vệ truyền thống ẩm thực và thị trường việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp của nước này. Ông khẳng định Italy là quốc gia đầu tiên trên thế giới sẽ an toàn trước những rủi ro kinh tế và xã hội của thực phẩm nhân tạo.

Tùng Lâm/Theo Economictimes
Bạn đang đọc bài viết Bước lùi đầu tiên của thịt nhân tạo ở châu Âu tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan