Các ưu đãi về thuế có quá hào phóng và dư thừa?
TCDN - Hiện nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam để hưởng mức thuế suất bằng một nửa so với mức thuế suất phổ thông 20%. Tuy nhiên, các ưu đãi hào phóng và dư thừa cần phải được loại bỏ, tạo môi trường kinh doanh công bằng, đóng góp vào quá trình đổi mới nền kinh tế.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội thảo công bố 'Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020' với chủ đề "Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển" nhằm tập trung vào việc xem xét chính sách thuế trong bối cảnh nguồn thu ngân sách suy giảm trong hội nhập quốc tế.
Báo cáo của VEPR nhận định, sự chuyển hướng thương mại, dòng vốn đầu tư và đặc biệt là chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, khiến viễn cảnh thế giới trở nên bất trắc hơn bao giờ hết, đồng thời đặt khu vực Đông Nam Á trước những bài toán lớn. Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và ngày càng nhạy cảm với biến động bên ngoài.
Trên cơ sở đó, hệ thống thuế của Việt Nam có thể bị bào mòn nhanh chóng dưới áp lực cạnh tranh quốc tế. Điều này đã gây những áp lực lớn về điều hành chính sách tài khóa của Việt Nam.
Cụ thể, hiện nay, thu ngân sách vẫn không đủ bù đắp cho chi ngân sách. Mức thâm hụt ngân sách của năm 2019 ước tính vào khoảng 209.500 tỷ đồng, bằng 3,4% GDP, thấp hơn so với mức dự toán đã được Quốc hội phê duyệt hồi đầu năm (3,6%). Thâm hụt ngân sách năm 2019 tăng so với năm 2018 do chi thường xuyên tăng. Cơ cấu chi không có sự cải thiện khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (dưới 30%). Bình quân giai đoạn 2006-2019, thu ngân sách chiếm khoảng 25,16% GDP.
Sự không ổn định trong tổng thu ngân sách trên GDP diễn ra chủ yếu trong giai đoạn 2010-2019. Tương tự như vậy, số thu thuế giảm từ mức 22,2% GDP (2006) xuống mức 17,8% GDP (2019). Trong những năm gần đây, tốc độ tăng của tổng số thu thuế có xu hướng giảm. Nếu như giai đoạn 2006-2011, tốc độ tăng bình quân đạt 17,4%/năm thì giai đoạn 2012-2019 giảm xuống chỉ còn 7,2%/năm.
Việc chuyển hướng thương mại, dòng vốn đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu sau dịch COVID-19 đang đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống thuế của Việt Nam. Nhất là khi các nước Đông Nam Á như Việt Nam đang có xu hướng sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ khuyến khích đầu tư trong nước cũng như thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) để tạo cạnh tranh hơn là hợp tác với các nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện nhiều tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam có thể hưởng mức thuế suất là 10%, thấp bằng một nửa so với mức thuế suất phổ thông 20%.
Theo PGS. TS. Nguyễn Anh Thu (Viện trưởng Viện VEPR), việc thu hút FDI là cần thiết, tạo cú hích cho kinh tế phát triển. Tuy nhiên, ưu đãi quá nhiều hay thu hút FDI bằng mọi giá tạo nên gánh nặng cho nền kinh tế cũng như sự bất bình đẳng nhất định trong môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp trong nước.
“Trong khi doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia lớn, rất nhiều kinh nghiệm trong việc tiến hành hoạt động kinh doanh nếu chúng ta ưu đãi thuế khi chưa có hệ thống đủ mạnh thì không thể chống được tình trạng việc trốn, tránh thuế”, PGS. TS. Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh.
Thống kê của VEPR, mức thất thu thuế mỗi năm từ khu vực FDI ước tính lên từ 8.000 – 9.000 tỷ đồng, tương đương từ 4 - 4,5% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn từ khu vực ngoài nhà nước có thể lên tới 10.500 tỷ đồng, tương đương 5% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp.
PGS. TS. Phạm Thế Anh (Kinh tế trưởng Viện VEPR) cho rằng, trong dài hạn, để củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển cần xây dựng một hệ thống ngân sách minh bạch, tuân thủ những chuẩn mực quốc tế trong vấn đề hạch toán, công bố và giám sát ngân sách. Các khoản thu - chi ngân sách cần được hợp nhất và tránh để ngoại bảng. Các khoản thu ngân sách bị hao hụt do miễn giảm thuế cũng nên được bổ sung trong công khai trong ngân sách nhà nước.
Viện trưởng Viện VEPR khuyến nghị, Chính phủ cần phải có lựa chọn nhất định trong việc áp dụng ưu đãi, không tràn lan, phải có ưu tiên trong việc thực hành ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp FDI. Bởi, mỗi quốc gia đều có giới hạn nhất định cho ưu đãi thuế trong chính sách tài khóa để duy trì nguồn FDI lành mạnh trong nền kinh tế.
Các ưu đãi hào phóng và dư thừa cần phải được loại bỏ, tạo môi trường kinh doanh công bằng, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh tế, đóng góp vào quá trình đổi mới nền kinh tế.
Ngoài ra, các chuyên cho rằng, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cũng cần triển khai thực hiện các quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Điều này góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước, hướng tới một hệ thống thuế minh bạch và hiệu quả, làm điểm tựa cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong dài hạn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899