Cần nghiên cứu kỹ chính sách thuế VAT với văn hóa

04/11/2024, 14:12
báo nói -

TCDN - Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ chính sách thuế với văn hóa. Thay vì đề xuất tăng thuế VAT, cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ để phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy hồn cốt dân tộc.

Theo tờ trình dự án Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT) (sửa đổi), ban soạn thảo đề nghị bỏ quy định “Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% sang áp dụng mức thuế suất 10%. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống, dân gian áp dụng thuế suất 5%.

Đại biểu Trần Thu Đông (Bạc Liêu) đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về việc áp dụng mức thuế 5% cho các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo đại biểu, tại khoản 3 Điều 9 trong dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua lần này phạm vi áp dụng ưu đãi thuế đã bị thu hẹp, chỉ còn tập trung vào nghệ thuật biểu diễn truyền thống và dân gian. Điều này sẽ làm giảm khả năng tiếp cận các sản phẩm văn hóa và thể thao của nhân dân, đặc biệt là những hoạt động mang tính công cộng như bảo tàng, thư viện và các sự kiện văn hóa cơ sở.

"Như chúng ta đã biết, thời gian qua Đảng và nhà nước đã có rất nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực văn hóa. Nhưng theo dự thảo Luật thuế VAT (sửa đổi) chúng ta không những không giữ mức thuế ưu đãi như hiện nay mà lại tăng mức thuế lên gấp đôi, như thế không khéo lại đi ngược với quan điểm của Đảng và nhà nước trong lĩnh vực văn hóa", đại biểu Đông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, trong bối cảnh việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, kinh tế, thể thao đang được Đảng và nhà nước định hướng là động lực phát triển kinh tế - xã hội mới việc tăng thuế VAT tại thời điểm này sẽ dập tắt cơ hội phát triển và khả năng cạnh tranh của thị trường cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang còn rất non trẻ.

Dẫn chứng về kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Trần Thu Đông nêu rõ, phần lớn Chính phủ các quốc gia trên thế giới đều hỗ trợ phát triển lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp như là phân bổ từ ngân sách nhà nước và hỗ trợ gián tiếp như là các hỗ trợ về thuế, bao gồm cả thuế VAT, thuế suất thuế VAT ưu đãi cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là một trong các chính sách phổ biến được nhiều quốc gia áp dụng, đặc biệt là các quốc gia gần chúng ta như là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore. Do đó, đại biểu kiến nghị tiếp tục duy trì mức thuế 5% cho các hoạt động văn hóa, thể thao nói chung để đảm bảo tính khả thi và linh hoạt trong quản lý.

Ông Nguyễn Văn Được, Ủy ban BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín.

Ông Nguyễn Văn Được, Ủy ban BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín.

Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội), đây là giai đoạn chúng ta rất cần chấn dân khí vì một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì thế chúng ta rất cần ủng hộ, khuyến khích có những sản phẩm văn hóa của người Việt Nam cho người Việt Nam và vì người Việt Nam để từ đó chúng ta có thêm tình yêu, có thêm niềm tin và có thêm niềm tự hào đối với sự phát triển văn hóa của dân tộc.

Vì vậy, đại biểu Sơn mong muốn các điều kiện liên quan đến phát triển văn hóa, trong đó có thuế VAT, tạo điều kiện tốt hơn cho các sản phẩm văn hóa nghệ thuật để thuế không trở thành rào cản cho lòng yêu nước, không trở thành rào cản cho tinh thần tự hào dân tộc, cho khát vọng phát triển đất nước từ cảm hứng do các tác phẩm văn học nghệ thuật đem lại cho nhân dân và cho đất nước của chúng ta.

Ông Nguyễn Văn Được, Ủy ban BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho biết, tại điểm k khoản 2 Điều 9 Dự thảo Luật thuế VAT “chỉ” quy định các hoạt động “biểu diễn nghệ thuật truyền thống, dân gian” mới thuộc đối tượng chịu thuế 5% còn lại các hình thức biểu diễn nghệ thuật khác như chiếu phim, ca múa nhạc, xiếc, triển lãm… phải chịu thuế 10%? Tức là tăng thuế VAT.

Theo ông Được, việc tăng thuế VAT là chưa phù hợp. Khi tăng thuế VAT giá bán hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng và người sử dụng dịch vụ phải chịu khoản tăng thuế này. Khi giá bán tăng thì “cầu tiêu dùng” sẽ giảm đi, ngành văn hóa vốn khó khăn nay càng khó khăn hơn và mục tiêu phát triển “kinh tế văn hóa” sẽ không đạt được.

“Chúng ta đang muốn phát triển kinh tế văn hóa thì chúng ta cần phải hỗ trợ văn hóa. Nếu chúng ta đánh thuế văn hóa, giá vé chương trình biểu diễn sẽ tăng. Vậy ai còn đi xem nữa?”, ông Nguyễn Văn Được băn khoăn.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Được, việc quy định như trên rất khó thực hiện vì trong một chương trình biểu diễn nghệ thuật có rất nhiều loại hình khác nhau nên việc phân định bán vé cho từng loại hình trong một chương trình nghệ thuật là không khả thi.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Được kiến nghị cần phải nghiên cứu kỹ chính sách thuế với văn hóa. Thay vì tăng thuế VAT, cơ quan chức năng cần có các giải pháp đồng bộ để phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy hồn cốt dân tộc.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, Ủy ban Tài chính Ngân sách hoàn toàn nhất trí chúng ta cần phải tạo môi trường thuận lợi cho lĩnh vực này phát triển, đây là một chủ trương rất chính xác. Tuy nhiên, nếu như chúng ta đưa các dịch vụ hàng hóa của lĩnh vực này vào trong diện không chịu thuế sẽ dẫn đến những tác động có thể bất lợi cho các nhà sản xuất hay cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này, như câu chuyện phân bón chúng ta đang thảo luận, khi đó thuế VAT đầu vào sẽ không được khấu trừ nếu như sản phẩm không thuộc đối tượng chịu thuế.

Chính vì thế, Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất với định hướng trong soạn thảo luật lần này là cần phải xem xét một cách rất kỹ lưỡng từng lĩnh vực, từng mặt hàng để đưa ra một hướng xử lý trong luật một cách phù hợp nhất. 

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Cần nghiên cứu kỹ chính sách thuế VAT với văn hóa tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Quốc hội thảo luận về Luật Thuế VAT sửa đổi
Theo Chương trình làm việc của Quốc hội, sáng 29/10, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi).