Phân tích, đánh giá về việc áp thuế đối với phân bón trong dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi

01/11/2024, 15:20

TCDN - VTCA đề xuất sửa đổi theo hướng áp dụng thuế VAT đối với mặt hàng phân bón (sản xuất trong nước và nhập khẩu), và quy định thời hiệu áp dụng ngay từ ngày 1/1/2025 nhằm sớm tạo lập môi trường thuế bình đẳng, bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Diễn biến chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng phân bón

Tại Luật số 71/2014/QH13 (khoản 1 Điều 3) đã Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 5 của Luật thuế VAT về Đối tượng không chịu thuế như sau:

“3a. Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác;”

Trước đó, kể từ Luật thuế VAT 1997, phân bón thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5%. Tại Luật Thuế VAT số 12/2008/QH12, tại khoản 2 của Điều 8 về Thuế suất thuế VAT 5% quy định:

“Phân bón; quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng;”

Như vậy, Luật 71/2014 đã loại bỏ Phân bón ra khỏi đối tượng áp dụng thuế VAT 5% và chuyển mặt hàng này sang đối tượng không chịu thuế, áp dụng từ ngày 01/01/2015.

Ông Nguyễn Đình Cư phát biểu tại Tọa đàm về thuế VAT với mặt hàng phân bón mới đây.

Ông Nguyễn Đình Cư phát biểu tại Tọa đàm về thuế VAT với mặt hàng phân bón mới đây.

Ý nghĩa, tác động của việc điều chỉnh chính sách thuế VAT đối với phân bón, từ đối tượng chịu thuế sang đối tượng không chịu thuế VAT áp dụng từ ngày 1/1/2015

Việc Chính phủ đề xuất và Quốc hội đã thông qua ban hành Luật số 71/2014 trong đó có quy định chuyển mặt hàng phân bón từ chịu thuế VAT 5% sang không chịu thuế từ 01/01/2015 được hiểu rằng để triển khai thực hiện chủ trương của Nhà nước, không thu thuế đối với phân bón nhằm hỗ trợ người nông dân, giảm bớt chi phí mua và sử dụng phân bón trong canh tác nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, ngay sau khi Luật số 71/2014 triển khai thực hiện, các cơ sở sản xuất phân bón trong nước đã có các kiến nghị với Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội về những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện chính sách không áp thuế VAT đầu ra đối với mặt hàng phân bón, cụ thể có thể mô tả như sau:

+ Thứ nhất: toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí giá thành sản phẩm, làm tăng giá thành và giá bán phân bón. Theo thống kê của Bộ Tài chính, trung bình số thuế VAT đầu vào tính vào chi phí giá thành sản xuất phân bón từ năm 2015 đến năm 2022 đã lên tới gần 1,5 nghìn tỷ đồng, và người tiêu dùng cuối cùng sản phẩm phân bón sẽ phải chi trả cho toàn bộ phần thuế VAT đầu vào này.

+ Thứ hai: việc không được khấu trừ hoặc hoàn thuế VAT đầu vào khiến sụt giảm đầu tư của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước. Các nhà đầu tư sản xuất phân bón nội địa cho biết:

i) Do toàn bộ thuế VAT đầu vào của hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ không được khấu trừ, dẫn đến suất đầu tư tăng, giảm hiệu quả đầu tư;

ii) Việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế VAT 5% sang không chịu thuế VAT dẫn đến toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí, làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sụt giảm. Điều này dẫn đến rủi ro cho sự phát triển của ngành phân bón trong nước, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam khi công nghệ sản xuất phân bón trong nước lạc hậu do thiếu đầu tư, chi phí giá thành sản xuất phân bón trong nước cao do gánh phần thuế VAT đầu vào, người tiêu dùng phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu.

+ Thứ ba: khi áp dụng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đã vô tình tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các nhà nhập khẩu phân bón tiêu thụ tại thị trường nội địa Việt Nam. Phân bón nhập khẩu vào Việt Nam hoàn toàn không có thuế VAT đầu vào vì đã được nước xuất khẩu hoàn thuế VAT, đồng thời khi nhập khẩu vào Việt Nam cũng không phải nộp thuế VAT.

Nếu chính sách phân bón không chịu thuế VAT duy trì kéo dài sẽ dẫn đến hậu quả các cơ sở sản xuất trong nước không thể phát triển do sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ các nước có nền sản xuất lớn và giá thành sản xuất thấp (như Nga, Trung Quốc …). Cuối cùng thì các nhà kinh doanh phân bón nhập khẩu là người được hưởng lợi, còn người nông dân cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi giá bán phân bón cao khi các nhà nhập khẩu xác định giá bán tại Việt Nam trên cở sở lợi dụng giá bán của các cơ sở sản xuất nội địa với giá thành cao do phải gánh chịu thuế VAT đầu vào.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Sự cần thiết và tính khả thi của việc sửa đổi Luật thuế VAT theo hướng áp dụng thuế suất thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón

Về phương án của dự thảo sửa đổi Luật thuế VAT với mặt hàng phân bón theo hướng áp dụng thuế VAT với mức thuế suất 5% của Bộ Tài chính, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) hoàn toàn nhất trí trên cơ sở các phân tích như sau:

a) Việc áp dụng thuế VAT đối với mặt hàng phân bón là hoàn toàn hợp lý, khai thác và phát huy bản chất tiên tiến của thuế VAT

Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng việc điều chỉnh chính sách thuế đối với mặt hàng phân bón, từ không chịu thuế VAT sang chịu thuế VAT, với mức thuế suất 5% là hoàn toàn hợp lý, không phải vì mục tiêu về thu Ngân sách nhà nước, mà nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản suất trong nước phát triển.

Thuế VAT là loại thuế khấu trừ, số thuế khâu sau phải nộp được trừ đi số thuế đã nộp tại khâu trước, không thu trùng lắp, người tiêu dùng cuối cùng phải trả số thuế VAT chính bằng mức thuế suất nhân giá bán cuối cùng. Cùng với chủ trương hoàn thiện pháp luật thuế VAT theo hướng giảm bớt các đối tượng không chịu thuế, việc áp dụng thuế VAT (đầu ra) với mức thuế suất thấp (5%) là giải pháp vừa có ý nghĩa củng cố và hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về thuế VAT, vừa nâng cao tính hiệu quả thực tiễn của chính sách bởi: doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được khấu trừ thuế VAT đầu vào sẽ giúp tăng cường hạch toán kinh tế, hạ giá thành sản xuất, giảm giá bán sản phẩm. Số thuế VAT đầu vào được hạch toán riêng vào tài khoản thuế VAT, không phải tính vào giá thành sản xuất, và được bù trừ bằng số thuế VAT đầu ra. Nếu thuế VAT đầu ra phát sinh trong một kỳ kế toán lớn hơn số thuế VAT đầu vào thì doanh nghiệp phải nộp thêm vào ngân sách, nếu ngược lại mà thuế VAT đầu ra nhỏ hơn số thuế VAT đầu vào thì doanh nghiệp được chuyển số chênh lệch để khấu trừ tiếp tại các kỳ tiếp theo hoặc được hoàn lại số thuế VAT đó.

Hiện nay, theo thống kê từ các nhà máy sản suất phân bón đang hoạt động trong nước, tỉ trọng thuế VAT đầu vào trên giá thành chiếm từ 7-9%. Quy đổi trung bình trên giá vốn hàng bán ra vẫn cao hơn 5%, có nghĩa là khi áp dụng thuế VAT khâu bán ra, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa sẽ có dư địa để giảm được giá thành và giá bán phân bón cho người nông dân.

b) Áp dụng thuế VAT với mặt hàng phân bón là phù hợp thông lệ quốc tế về thuế

Tại các nước sản xuất và nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Nga, Brazil,... đang áp thuế VAT với mức thấp hơn mức thuế suất so với các mặt hàng thông thường khác. Tại các quốc gia này, chính sách thuế VAT được áp dụng phối hợp với các chính sách thuế xuất nhập khẩu khác để đem lại hiệu quả tổng thể.

Trung Quốc, quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới đang áp dụng mức thuế VAT 11%. Nga đang áp dụng mức thuế VAT 20%.

Đồng thời với việc áp dụng thuế VAT đối với phân bón, các quốc gia cũng đề ra các chính sách nhằm ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường, nâng có hiệu quả sản xuất.

c) Áp dụng thuế VAT tạo môi trường chính sách thuế thuận lợi, bình đẳng, bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đã tạo ra môi trường chính sách thuế không bình đẳng, đặt các nhà sản xuất trong nước ở thế bất lợi trong cạnh tranh với các nhà kinh doanh thương mại, nhập khẩu phân bón từ nước ngoài về tiêu thụ tại Việt Nam.

Sở dĩ như vậy vì các nước đều áp dụng thuế suất GTGT 0% đối với hàng hoá xuất khẩu, do đó phân bón nhập khẩu vào Việt Nam không có thuế VAT đầu vào và cũng không phải nộp thuế VAT khi bán ra. Trong khi đó các nhà xản xuất nội địa phải tính thuế VAT đầu vào vào giá thành, phải đẩy giá bán lên đề bù đắp, vì vậy giá cả mất khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Khi quy định mặt hàng phân bón chịu thuế VAT thì hàng nhập khẩu phải nộp thuế VAT khi nhập vào Việt Nam (thuế VAT đầu vào của hàng nhập khẩu) và phải nộp thuế VAT khi bán ra, tương tự như hàng sản xuất trong nước. Điều đó giúp xóa bỏ lợi thế cạnh tranh của hàng nhập khẩu, tạo môi trường bình đẳng về thuế, giúp bảo hộ sản xuất trong nước, tạo cơ hội và thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tái đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, cạnh tranh với hàng nhạp khẩu.

d) Áp dụng thuế VAT với phân bón đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích 3 nhà

- Đối với ngân sách nhà nước, việc áp dụng thuế VAT với phân bón sẽ tác động ảnh hưởng không lớn đến số thu ngân sách. Ngân sách có thể giảm thu thuế VAT từ các doanh nghiệp sản xuất (do thuế VAT đầu ra ở mức 5% thấp hơn số thuế đầu vào), nhưng lại tăng thu tương ứng 5% trên tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón.

- Đối với nhà sản xuất, áp dụng thuế VAT tạo dư địa để doanh nghiệp hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Thúc đẩy các dự án đầu tư mới do được khấu trừ thuế VAT đầu vào, giảm chi phí suất đầu tư. Điều đặc biệt ý nghĩa là theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các nhà sản xuất trong nước hoàn toàn có dư địa để hạ giá bán sản phẩm phân bón từ 2-5%, ngay khi áp dụng thuế VAT,  so với giá bán hiện hành.

- Đối với người nông dân, trong dài hạn sẽ được mua phân bón với giá cả thấp hơn, giảm chi phí canh tác. Trước mắt việc áp thuế VAT đối với phân bón có thể tạo ra tâm lý lo lắng về việc tăng giá bán, đặc biệt với phân bón nhập khẩu vào Việt Nam, làm tăng chi phí sản xuất, canh tác. Tuy nhiên, qua tổng hợp và phân tích tổng quan có thể nhận thấy việc áp thuế VAT sẽ không làm tăng gia bán phân bón tại thị trường nội địa, bên cạnh các lý do như đã phân tích trên đây, theo đánh giá của Hiệp hội phân bón, hiện tại công suất các nhà máy sản xuất nội địa đã đáp ứng hơn 70% nhu cầu sử dụng phân bón trong nước, 30% phải nhập khẩu là phân bón chất lượng cao và nguyên liệu đầu vào để sản xuất một số chủng loại phân bón. Do đó, giá cả phân bón tại Việt Nam sẽ phụ thuộc và nguồn cung từ các nhà sản xuất nội địa, trong khi họ có đầy đủ cơ sở để hạ giá bán khi áp dụng thuế VAT.

Đối với các nhà nhập khẩu phân bón, do chiếm tỉ trọng không chi phối về thị trường nên giá bán phân bón nhập khẩu phải điều chỉnh theo giá bán nội địa. Mặt khác, phân bón nhập khẩu đến từ các nước có nền sản xuất tiên tiến, nguồn nguyên liệu đầu vào sẵn có và rẻ, giá thành sản phẩm xuất khẩu thấp hơn của Việt Nam nhiều, khả năng cạnh tranh về giá với hàng sản xuất trong nước là rất lớn. 

Đề xuất và kiến nghị

Từ các nghiên cứu và phân tích về mặt chính sách và thực tiễn trên đây, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi Luật thuế VAT tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa 15 (tháng 10/2024) theo hướng áp dụng thuế VAT đối với mặt hàng phân bón (sản xuất trong nước và nhập khẩu), và quy định thời hiệu áp dụng ngay từ ngày 1/1/2025 nhằm sớm tạo lập môi trường thuế bình đẳng, bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tạo cơ chế hiệu quả để thực sự hỗ trợ người nông dân theo đúng các chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VTCA Nguyễn Đình Cư

Bạn đang đọc bài viết Phân tích, đánh giá về việc áp thuế đối với phân bón trong dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan