Trung Quốc "bơm" thêm 70 tỷ USD ra nền kinh tế
TCDN - Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiến hành bơm 70 tỷ USD ra nền kinh tế được thực hiện thông qua công cụ mới nhằm giải quyết căng thẳng thanh khoản và ổn định hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã "bơm" 70 tỷ USD vào thị trường tiền tệ trong tháng này thông qua một công cụ chính sách mới được thiết lập nhằm giảm bớt căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng.
Theo thông báo vào ngày 31/10, PBoC đã thực hiện các hợp đồng mua lại đảo ngược hoàn toàn (outright reverse repurchase agreements) trị giá 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 68,5 tỷ USD) trong tháng 10.
Động thái này nhằm đảm bảo thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng và làm phong phú thêm bộ công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Theo PBoC, các hợp đồng này có thời hạn 6 tháng.
Đây là lần đầu tiên PBoC công bố việc sử dụng công cụ mới, được giới thiệu vào đầu tuần. Chương trình cho phép ngân hàng trung ương mua nhiều loại chứng khoán từ các nhà giao dịch chính với thời hạn tối đa 1 năm, bao gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương và nợ doanh nghiệp.
Theo đó, công cụ mới này bổ sung vững chắc vào bộ công cụ hỗ trợ thanh khoản hiện tại của ngân hàng, cho phép thời hạn đáo hạn dài hơn so với các hợp đồng repo đảo ngược hiện có, vốn chỉ kéo dài 7 ngày.
"PBoC có thể hỗ trợ các ngân hàng để tạo điều kiện cho việc gia tăng phát hành trái phiếu chính phủ trong tương lai", bà Becky Liu, người đứng đầu chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Standard Chartered Hong Kong, nhận định.
Ngoài ra, PBoC cũng đã mua ròng 200 tỷ nhân dân tệ (28,1 tỷ USD) trái phiếu chính phủ từ thị trường mở trong tháng 10. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang trong quá trình cải tổ chính sách, bao gồm bổ sung công cụ repo đảo ngược và triển khai chương trình mua bán trái phiếu chính phủ định kỳ.
Sự thay đổi này có thể giúp PBoC vận hành giống với các ngân hàng trung ương trên thế giới, đồng thời tác động hiệu quả hơn đến chi phí đi vay trên thị trường.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899