Căng thẳng Mỹ- Iran: Nỗi lo nào cho kinh tế Việt Nam?
TCDN - Dù trong sáng 9/1 theo giờ Việt Nam, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phần nào xoa dịu căng thẳng giữa hai nước, nhưng lại đưa ra đề xuất về lệnh trừng phạt kinh tế.
Chỉ trong chưa đến 10 ngày của năm mới 2020, giá vàng đã liên tục tạo những cú sốc cho thị trường và giới đầu tư, khi hôm trước thì tăng mạnh cả triệu đồng, hôm sau đã giảm mức độ tương đương.
Đơn cử, sau một ngày chạm ngưỡng 45 triệu đồng/lượng, sang đến phiên giao dịch buổi sáng ngày 9/1, do ảnh hưởng từ các tuyên bố của Tổng thống Mỹ, giá vàng thế giới đã quay đầu tụt dốc, khiến giá vàng trong nước rớt thảm xuống còn dưới mức 44 triệu đồng/lượng.
Không chỉ giá vàng, các thông tin bất ổn trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran cũng khiến các chỉ số của nhiều thị trường chứng khoán lớn lập tức lao dốc. Tại Việt Nam, trong ngày 8/1, khi Iran tấn công vào căn cứ quân sự Mỹ thì thị trường chứng khoán nhiều nước, trong đó có Việt Nam chìm trong sắc đỏ. Phiên 8/1, trong nước, vàng lên mức trên 45 triệu đồng/lượng, còn chỉ số VN-Index giảm hơn 9 điểm với hàng loạt mã bluechip lao dốc, thổi bay hàng trăm tỷ đồng của nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, các cuộc xung đột quân sự và khủng bố bất ngờ thường gây ra phản ứng mạnh của thị trường, nên đây sẽ là một nỗi lo lớn của các thị trường tài chính trong năm 2020. Kéo theo những bất ổn này là sự lung lay trong tâm lý nhà đầu tư.
Rõ ràng, những tác động tới nền kinh tế Việt Nam là có, nhưng để thực sự ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế hay các vấn đề khác của nền kinh tế trong nước thì nhiều chuyên gia cho rằng điều này không đáng ngại.
Theo PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đây là xung đột giữa hai quốc gia, không phải xung đột mang tính chất vùng vịnh nên khó có thể tạo ảnh hưởng lớn đến toàn cầu. Giá vàng tăng, giá dầu tăng nhưng có thể bù đắp được, cân đối lại bằng các quan hệ kinh tế khác.
Với nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng của cuộc xung đột này sẽ càng xa hơn. Bởi kinh tế Việt Nam với Iran không có sự ràng cuộc, Tổng thống Mỹ càng không thể để tình hình căng thẳng giữa 2 nước ảnh hưởng tới các quan hệ kinh tế khác. Vì thế, trước mắt, nền kinh tế trong nước sẽ có biến động nhưng chủ yếu về mặt tâm lý.
“Các ảnh hưởng này sẽ không mang tính lan tỏa toàn hệ thống mà chỉ mang tính cục bộ. Chẳng hạn, nhà đầu tư vàng có thể được hưởng lợi trong thời điểm này, nhưng về lâu dài, nền kinh tế đã không còn phụ thuộc vào các yếu tố về giá vàng hay giá dầu, người dân đến với vàng chỉ để đầu cơ và tích trữ nhiều hơn là đầu tư, đồng tiền Việt Nam cũng đang tạo cơ hội sinh lời rất tốt. Giá dầu tăng cũng có thể chỉ là thay đổi nhất thời, Việt Nam còn có thể được tác động tích cực khi cũng là quốc gia khai thác dầu mỏ”, PGS.TS. Hoàng Đức Cường phân tích.
Ngoài ra, một số chuyên gia tài chính nhận định, trong ngắn hạn, giá vàng có thể tiếp tục tăng, nhưng trong trung hạn, nhiều yếu tố kinh tế không hỗ trợ cho giá vàng tăng, nhất là khi thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ đã đến rất gần, khiến xung đột giữa Mỹ - Trung Quốc và Mỹ - Iran sẽ được kiểm soát ở mức độ nhất định.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, các nhà đầu tư vàng là hãy cẩn trọng bởi cơ hội kiếm lời ở thị trường này là có nhưng rất rủi ro.
Để giảm thiểu rủi ro, vị chuyên gia này khuyến nghị người dân, giới đầu tư nên phân bổ tiền đầu tư vào nhiều kênh. Đặc biệt, không bao giờ đi vay để đầu tư vàng, hãy dùng tiền nhàn rỗi, không dùng tiền để kinh doanh mà đầu tư vào vàng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899