Căng thẳng trong ngành ngân hàng báo hiệu cái kết của "thị trường gấu"

22/03/2023, 16:32
báo nói -

TCDN - Các chuyên gia dự đoán chứng khoán Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối của "thị trường gấu", nhưng khoảng thời gian phía trước vẫn sẽ rất khó khăn và khốc liệt với nhà đầu tư. Trong khi nhà đầu tư trong nước vẫn "hóng" Fed.

Nhà đầu tư vẫn “hóng” Fed

Theo nhận định của Chứng khoán MB (MBS), chứng khoán toàn cầu bật tăng mạnh mẽ khi lo ngại về khủng hoảng ngân hàng dịu bớt. Cổ phiếu ngân hàng khu vực tăng trong phiên đầu tuần sau khi giảm chóng mặt trong tuần trước.

Trong nước, ở thời điểm ngày thứ 2, thị trường lãi suất tương lai phản ánh khả năng 73% Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này. Thị trường trong nước hồi phục ngay từ đầu phiên nhờ lực kéo từ nhóm bluechips, áp lực bán không mạnh khiến nhịp rung lắc cuối phiên sáng và đầu phiên chiều qua nhanh, thị trường ngược dòng mạnh mẽ trong phiên chiều nhờ khối ngoại giải ngân ròng trở lại.

Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 9.428 tỷ đồng, giảm 14,24% so với phiên hôm trước, 2 phiên đầu tuần này thanh khoản đang giảm so với mức bình quân ở tuần trước. Khối ngoại quay lại mua ròng 113 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua tập trung tại các cổ phiếu như: VHM, HPG, VCI, VRE, POW... Ở chiều ngược lại: PDR, SSI, MBB, VND, PLX... là những cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.

Xu hướng kỹ thuật của Vn-Index.

Xu hướng kỹ thuật của Vn-Index.

Thị trường trong nước có phản ứng tích cực với thông tin hỗ trợ từ bên ngoài, bên cạnh đó khối ngoại cũng quay lại giải ngân, qua đó giúp thị trường không bị mất mức đáy hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua. Điểm còn thiếu là dòng tiền nội vẫn rất thận trọng dù khối ngoại đã trở lại mua ròng và chứng khoán thế giới phục hồi mạnh mẽ.

Nhà đầu tư vẫn “hóng” Fed nên tâm lý chờ đợi thông tin được công bố và thông điệp kèm theo, thị trường phản ứng theo chiều nào thì phản ứng theo kịch bản đó. Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index nhiều khả năng sẽ có nhịp rung lắc mạnh ở vùng cản 1.054 – 1.060 điểm, nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu danh mục với các nhóm cổ phiếu được dòng tiền quan tâm như: đầu tư công, thép, sản xuất điện, dầu khí, chứng khoán, ngân hàng...

Đã tìm thấy đáy?

Ông Michael Wilson, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley, cho rằng những căng thẳng gần đây trong hệ thống ngân hàng có thể là đoạn đầu cho chặng cuối của "thị trường gấu" tại Mỹ (Thị trường gấu là thuật ngữ được sử dụng để mô tả khi thị trường chứng khoán giảm từ 20% trở lên so với mức đỉnh trước đó và có xu hướng tồn tại trung bình dưới một năm). Ông dự đoán đây sẽ là một kết thúc đau đớn và khá "tàn khốc". Ông Wilson là một trong những chuyên gia có quan điểm bi quan nổi tiếng nhất trên Phố Wall - người từng dự báo chính xác cuộc bán tháo của chứng khoán Mỹ hồi năm ngoái và cả đợt phục hồi vào tháng 10.

Trong lưu ý mới đây, ông viết: “Nhiều nhà đầu tư cổ phiếu thắc mắc rằng liệu việc các cơ quan quản lý bảo đảm cho tiền gửi ngân hàng của người dân có phải là một hình thức nới lỏng định lượng hay không... Câu trả lời của chúng tôi là không. Thay vào đó, sự kiện này có thể là khởi đầu cho cái kết của thị trường gấu bởi tín dụng giảm sút sẽ vắt kiệt tăng trưởng kinh tế".

Theo vị giám đốc, chỉ số S&P 500 sẽ chỉ trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư khi phần bù rủi ro vốn cổ phần tăng lên ngưỡng 400 điểm cơ bản (bps) từ mức 230 bps hiện tại. Ông Wilson viết tiếp: “Chặng cuối của thị trường gấu có thể rất khốc liệt... Giá cổ phiếu giảm mạnh do phần bù rủi ro vốn cổ phần tăng vọt – đây là hiện tượng rất khó để ngăn chặn hoặc phòng vệ”.

Những căng thẳng gần đây trong hệ thống ngân hàng có thể là đoạn đầu cho chặng cuối của thị trường gấu tại Mỹ.

Những căng thẳng gần đây trong hệ thống ngân hàng có thể là đoạn đầu cho chặng cuối của "thị trường gấu" tại Mỹ.

Trong tháng này, sự sụp đổ của SVB và làn sóng bán tháo cổ phiếu Credit Suisse đã làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của hệ thống tài chính, khiến thị trường chao đảo. Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley cho rằng, sự hỗn loạn của hệ thống ngân hàng sẽ khiến nhà đầu tư tập trung vào triển vọng tăng trưởng yếu kém của doanh nghiệp, trong bối cảnh các điều kiện tín dụng thắt chặt lại.

Ông lưu ý thêm rằng nguy cơ cạn kiệt tín dụng đã tăng lên rõ rệt. Vị giám đốc tin rằng các nhà phân tích sẽ hạ kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh tới gần. Ông dự đoán các doanh nghiệp sẽ giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận một cách đáng kể. Ông Wilson khuyến nghị đầu tư vào các ngành và cổ phiếu phòng thủ, có hệ số beta thấp và đừng nghĩ rằng các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn sẽ không bị ảnh hưởng bởi lo ngại về tăng trưởng.

Ông Wilson không phải người duy nhất dự đoán thị trường sẽ phải trải qua một khoảng thời gian khó khăn. Các chuyên gia của JPMorgan nói rằng, tín hiệu từ đường cong lợi suất đảo ngược “sẽ được chứng minh là đúng”, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Ông Mislav Matejka, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu toàn cầu tại JPMorgan lưu ý rằng, quý I có thể là đỉnh của thị trường chứng khoán trong năm nay, sau đó thị trường sẽ đi xuống và chỉ tìm thấy đáy khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển sang cắt giảm lãi suất.

Thanh Tùng
Bạn đang đọc bài viết Căng thẳng trong ngành ngân hàng báo hiệu cái kết của "thị trường gấu" tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Sắp có Hệ thống giám sát giao dịch, phân tích, cảnh báo rủi ro trên thị trường chứng khoán
Theo bà Tạ Thanh Bình, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang hoàn thiện và đưa vào sử dụng Hệ thống giám sát giao dịch nâng cấp với các tính năng phân tích, cảnh báo, thống kê trên thị trường chứng khoán; kết nối các cơ sở dữ liệu dùng chung với Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.