Chân dung cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Rishi Sunak trở thành Thủ tướng Anh

25/10/2022, 11:23
báo nói -

TCDN - Không chỉ từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh, ông Rishi Sunak còn là một trong những người giàu nhất nước Anh và là Thủ tướng trẻ tuổi nhất nước Anh trong vòng 200 năm trở lại đây.

Ông Rishi Sunak sinh ngày 12/5/1980 tại TP Southampton, Anh, hiện 42 tuổi. Cha của ông tên là Yashvir và mẹ của ông tên là Usha. Trong đó, ông Yashvir sinh ra và lớn lên ở Kenya, làm bác sĩ đa khoa. Còn bà Usha sinh ra ở Tanzania, vừa làm dược sĩ vừa điều hành một tiệm thuốc địa phương. 

Gia đình ông di cư đến Anh vào những năm 1960, thời kỳ mà nhiều người từ các thuộc địa cũ của Anh đến để giúp tái thiết đất nước sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ông Rishi Sunak là con cả trong gia đình có 3 anh chị em. Ông từng theo học tại đại học Oxford và Đại học Stanford.

Ông Rishi Sunak trở thành tân Thủ tướng Anh.

Ông Rishi Sunak trở thành tân Thủ tướng Anh.

Năm 2009, ông kết hôn với bà Akshata Murthy. Bà Akshata sở hữu một nhãn hiệu thời trang của riêng mình, Akshata Designs, đồng thời là giám đốc của công ty đầu tư do cha bà - tỉ phú N.R. Narayana Murty - người sáng lập công ty gia công phần mềm khổng lồ Infosys Ltd. Vợ chồng ông Rishi Sunak có 2 người con gái là Krishna và Anoushka.

Ông Sunak lần đầu tiên được bầu làm nghị sĩ vào năm 2015. Ông làm thư ký trưởng Bộ Tài chính vào năm 2018, Bộ trưởng Bộ Ngân khố năm 2019 và thăng chức lên Bộ trưởng Bộ Tài chính vào năm 2020 dưới thời Thủ tướng Boris Johnso.

Sunak cũng là người ủng hộ đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU), từng nói với Yorkshire Post rằng ông tin Brexit sẽ giúp Anh "tự do hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn".

Ngoài ra, thay đổi chính sách nhập cư cũng là lý do chính khiến ông ủng hộ Brexit. "Tôi tin rằng chính sách nhập cư đúng đắn có thể có lợi cho đất nước chúng ta. Nhưng trước tiên, chúng ta phải kiểm soát biên giới của mình", ông nói.

Khi làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Sunak đã giành được nhiều lời khen ngợi trong đại dịch Covid-19, khởi động các kế hoạch như “Eat Out To Help Out”.

Ông Sunak đã đưa ra các biện pháp trị giá 400 tỷ bảng Anh (452 tỷ USD) nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm kế hoạch hào phóng, cho vay kinh doanh và giảm giá khi ăn uống tại các nhà hàng. Nhưng các kế hoạch kích thích này cũng đã phải trả một cái giá quá lớn và khiến chính phủ phải loay hoay tìm kiếm các khoản tiết kiệm.

Vào thời Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Sunak giới thiệu một chương trình cung cấp 330 tỷ bảng Anh hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp, duy trì nhân viên, cung cấp các khoản trợ cấp cho người sử dụng lao động trả 80% lương cho nhân viên và chi phí việc làm mỗi tháng, lên đến tổng cộng 2.500 bảng Anh/người/tháng. Chi phí vận hành ước tính khoảng 14 tỷ bảng Anh/tháng và liên tục được gia hạn tới năm 2021.

Ngoài ra, ông Sunak cũng từng đưa ra kế hoạch chi 70 tỷ bảng để rút ngắn thời kỳ suy thoái tại Anh.

Trong thời kỳ tại nhiệm, ông Sunak đã thúc đẩy một thỏa thuận cải cách thuế, tìm cách thiết lập mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia và công nghệ trực tuyến; đề xuất thuế xanh và đề xuất kinh doanh khí thải nhiên liệu hóa thạch nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải; thúc đẩy một luật mới mở đường cho stablecoin và NTF.

Tuy nhiên, ông cũng hứng chỉ trích vì chưa giúp các hộ gia đình trang trải chi phí cuộc sống tốt hơn. Cùng với đó, ông dường như đã nhanh chóng đánh mất cảm tình khi nhiều vấn đề xuất hiện, bao gồm vụ bê bối mở tiệc lúc phong tỏa liên quan đến ông Johnson.

Bên cạnh đó, hồi tháng 4, truyền thông hé lộ bà Murthy - vợ ông Sunak - được hưởng tư cách “non-dom” (tức không thường trú), đồng nghĩa với việc không phải đóng thuế tại Anh dù có thu nhập cao từ nước ngoài.

Vào tháng 7, ông Sunak đã bất ngờ từ chức bộ trưởng tài chính, dẫn đến phản ứng dây chuyền với hàng loạt thành viên nội các khác ra đi, cuối cùng buộc ông Johnson phải từ chức thủ tướng Anh. Ông Sunak sau đó bước vào cuộc đua để trở thành người kế nhiệm ông Johnson nhưng đã thua cuộc trước bà Liz Truss.

Tuy nhiên, ông Sunak đã cảnh báo rằng kế hoạch của bà Truss trong việc tăng vay mượn của chính phủ là liều lĩnh và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát vốn đã ở mức cao nhất nhiều thập niên cũng như khiến thị trường Anh chao đảo.

Trong bài phát biểu trước các nghị sĩ của đảng tối 24/10, ông Sunak nói rằng ưu tiên của ông là mang lại sự ổn định cho nền kinh tế, sau đó ông sẽ thực hiện những lời hứa của đảng trong cuộc bầu cử năm 2019, Reuters dẫn lời nghị sĩ Iain Duncan Smith cho hay. Ông Sunak cũng nói rằng nghị sĩ của toàn bộ các phái trong đảng Bảo thủ sẽ có ghế trong nội các của ông.

Tân Thủ tướng Anh hồi đầu năm có mặt trong danh sách những người giàu nhất Vương quốc Anh của tờ Sunday Times. Ông và vợ ước tính có tổng tài sản khoảng 730 triệu bảng Anh, gấp đôi tài sản 300 - 350 triệu bảng Anh của Vua Charles III cùng Vương hậu Camilla.

Vũ Nam (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Chân dung cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Rishi Sunak trở thành Thủ tướng Anh tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Rishi Sunak trở thành tân Thủ tướng Anh
Sau khi diện kiến Vua Charles III vào sáng mai (26/10), ông Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh, người vừa chiến thắng trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ giữ cương vị Thủ tướng Anh.