Chênh lệch thuế GTGT: Có doanh nghiệp than không được hoàn hơn 12 tỷ đồng
TCDN - Nguyên liệu đầu vào chịu mức thuế GTGT 10%, trong khi phần lớn sản phẩm bán ra chịu mức thuế GTGT 5%. Điều này khiến doanh nghiệp luôn gặp tình trạng phát sinh số thuế GTGT không được khấu trừ hết. Có doanh nghiệp vốn điều lệ 55 tỷ đồng nhưng số tiền kẹt chưa hoàn thuế tới hơn 12 tỷ.
Sáng 26/11, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2019.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của doanh nghiệp thắc mắc về việc sử dụng hóa đơn điện tử; thuế GTGT; chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp… đã được đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trả lời.
Đại diện Công ty cổ phần thiết bị y tế Vinahankook cho biết, các nguyên vật liệu doanh nghiệp nhập vào để sản xuất phải chịu thuế GTGT là 10%. Tuy nhiên, do mặt hàng là thiết bị y tế nên chỉ có duy nhất một mức thuế suất là 5%. Theo hướng dẫn của cơ quan thuế, doanh nghiệp được hoàn thuế đến hết năm 2015. Từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp không được hoàn thuế. Vì vậy, doanh nghiệp luôn gặp tình trạng phát sinh số thuế GTGT không được khấu trừ hết qua các tháng trong năm bởi sự chênh lệch thuế giá trị gia tăng nêu trên. Con số này hiện là hơn 12 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của doanh nghiệp chỉ là 55 tỷ đồng. Điều này dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn thấp và gây thiệt hại lớn cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh, Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến đóng góp ý kiến của doanh nghiệp. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ trao đổi với cơ quan nhà nước để báo cáo các cấp có thẩm quyền về vấn đề này và sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề hoàn thuế nhà thầu, đại diện Công ty VTC Công nghệ và nội dung số nêu vướng mắc, Công ty ký hợp đồng với một số cá nhân cư trú tại Singapo để thực hiện xúc tiến đầu tư và thương mại tại thị trường này. Theo đó, các cá nhân trên sẽ tìm hiểu và báo cáo các nội dung về thị trường cho công ty. Vậy dịch vụ các cá nhân này cung cấp cho công ty có thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu theo thông tư 103/2014/TT-BTC hay không?
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tại khoản 4 Điều 2 thông tư 103/2014/TT-BTC đã quy định như sau: đối tượng không áp dụng bao gồm tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài: (i) Sửa chữa phương tiện vận tải (tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển), máy móc, thiết bị (kể cả đường cáp biển, thiết bị truyền dẫn), có bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế kèm theo; (ii) Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên internet); (iii) Xúc tiến đầu tư và thương mại; (iv) Môi giới: bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài..
Ví dụ: Doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức ở Singapore để thực hiện dịch vụ quảng cáo sản phẩm tại thị trường Singapore thì dịch vụ quảng cáo này của tổ chức Singapore không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư. Trường hợp tổ chức ở Singapore thực hiện quảng cáo sản phẩm để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam trên internet thì thu nhập từ dịch vụ quảng cáo này thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư.
Như vậy, các cá nhân là người Singapore cung cấp dịch vụ cho công ty VTC không thuộc đối tượng áp dụng thông tư 103/2014/TT-BTC.
Về thời gian áp dụng hóa đơn điện tử, đại diện doanh nghiệp nêu tại khoản 2, Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định: “Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định này thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01/11/2020”. Điều này có nghĩa là từ ngày 01/11/2020, các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Tuy nhiên, kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế, tại Chương X đã quy định về việc áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử với một số nội dung tương tự như đã quy định tại Nghị định 119. Đặc biệt là Luật Quản lý thuế 2019 lại nêu: Những nội dung về hóa đơn, chứng từ điện tử sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2022. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện những quy định về hóa đơn điện tử tại Luật này trước ngày 01/7/2022.
Vậy thời hạn bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ lùi đến ngày 01/7/2022 phải không?
Đại diện Tổng cục Thuế cho hay, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 119/2019/NĐ-CP về hóa đơn điện tử. Theo đó, từ ngày 01/11/2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư này. Từ ngày 01/11/2020, các Thông tư, Quyết định của Bộ Tài chính nêu tại Khoản 2 Điều 26 hết hiệu lực thi hành. Đó là: Thông tư số 32/2011/TT-BTC; Thông tư số 191/2010/TT-BTC; Thông tư số 39/2014/TT-BTC; Thông tư số 37/2017/TT-BTC… các tổ chức, cá nhân xem xét điều kiện thực tế của đơn vị về hạ tầng công nghệ thông tin, việc lưu trữ, sử dụng chứng từ điện tử, chữ ký số và khả năng chấp nhận sử dụng hóa đơn theo hình thức này của khách hàng… để triển khai áp dụng hình thức hóa đơn điện tử.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899