Chính phủ cho ý kiến về Dự án Luật Thuế TNDN, thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi

24/08/2024, 16:22

TCDN - Chính phủ sẽ thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật TNDN (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Quản lý thuế...

Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2024.

Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2024.

Sáng 24/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2024.

Theo chương trình, phiên họp diễn ra trong một ngày, thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế; Dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); cùng một số nội dung khác.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đến nay chúng ta đã đi gần hết khoảng 3/4 thời gian của cả nhiệm kỳ này; rà soát cho thấy nhiều chỉ tiêu mà Đại hội 13 của Đảng đã đề ra sẽ đạt và vượt, nhưng cũng có những chỉ tiêu đòi hỏi phải tăng tốc, đột phá hơn nữa trong thời gian tới thì mới có thể đạt được, như chỉ tiêu về tăng trưởng GDP, năng suất lao động do các nguyên nhân khác nhau, như hậu quả đại dịch Covid-19 còn kéo dài, tình hình thế giới những biến động nhanh, phức tạp, khó lường…

Trong bối cảnh đó, việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, hoàn thiện thể chế sẽ giúp huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực từ hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn lực của khu vực tư nhân, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, xóa bỏ cơ chế xin-cho và môi trường cho tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.

Đây là phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật thứ 7 trong năm 2024; Thường trực Chính phủ cũng họp gần như hằng tuần về công tác xây dựng pháp luật; Thủ tướng Chính phủ liên tục họp, chỉ đạo và thành lập Ban Chỉ đạo để rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cho thấy quyết tâm thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Đảng, nhà nước đã xác định, trong đó có đột phá chiến lược về thể chế.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự phiên họp tập trung cho ý kiến vào các nội dung, nhất là các dự án luật, đề nghị xây dựng luật để trình Quốc hội bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Chính phủ cho ý kiến về Dự án Luật Thuế TNDN, thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Luật Thuế TNDN sửa đổi
Ngày 29/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2024 để thảo luận 3 dự án luật và 2 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Thuế TNDN (sửa đổi).
Thủ tướng: Thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam
Về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh đây là luật thuế tác động tới nhiều ngành hàng, doanh nghiệp, người dân. Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng với một số mặt hàng nhưng cần phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.