Chính phủ đồng ý quy hoạch tổng thể hệ thống sân bay

06/06/2023, 22:35
báo nói -

TCDN - Thường trực Chính phủ đồng ý Tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc từ 2021 - 2030.

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 208/TB-VPCP ngày 6/6 kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

san-bay-16774866067581857740078

Thông báo nêu, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua, được Thường trực Chính phủ cho ý kiến trước đây.

Bộ GTVT đã cùng các cơ quan, địa phương liên quan tiếp thu ý kiến Thường trực Chính phủ và thời gian qua đã tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác 1121 để nghiên cứu khả năng tổ chức khai thác hàng không dân dụng tại các sân bay quân sự Biên Hòa và Thành Sơn, đề xuất sơ bộ phương án tổ chức khai thác trong trường hợp bổ sung vào quy hoạch, báo cáo Thường trực Chính phủ việc nghiên cứu, xem xét chuyển các sân bay quân sự thành các sân bay lưỡng dụng.

Đến nay, Quy hoạch đã hoàn thiện, bảo đảm căn cứ chính trị và căn cứ pháp lý.

Quy hoạch đã tiếp thu đầy đủ ý kiến Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch phải đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó bám sát chỉ đạo tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội là: "Trên cơ sở định hướng và nhu cầu phát triển KTXH của vùng, địa phương, nghiên cứu, đề xuất xây dựng các sân bay chuyên dùng gắn với các vùng sản xuất, trung tâm du lịch quy mô lớn; tận dụng, phục hồi nhanh các sân bay cũ, sân bay quân sự phục vụ lưỡng dụng".

Trên cơ sở các nguyên tắc trên đây, Thường trực Chính phủ đồng ý Tờ trình của Bộ GTVT về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thống nhất thông qua nội dung Quy hoạch.

Dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch cần có một danh mục các sân bay tiềm năng làm cơ sở triển khai ngay khi có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện quy định; nghiên cứu bổ sung điều khoản cho việc đưa ra khỏi quy hoạch các sân bay khi không triển khai được và bổ sung các sân bay khi có nhu cầu và đủ điều kiện thực hiện ngay.

Đồng ý xem xét, bổ sung sân bay Gia Bình của Bộ Công an (đã được Thủ tướng cho chủ trương bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh) vào danh mục các sân bay tiềm năng và duyệt quy hoạch bổ sung chính thức khi đủ điều kiện, đúng thẩm quyền để thực hiện ngay.

Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

Giao Phó thủ trướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng ký quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống sân bay trước ngày 7/6/2023.

Quy hoạch các cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030 được quy hoạch theo mô hình trục nan với 02 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành 30 cảng hàng không bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo) và 02 cảng hàng không quốc nội (Thành Sơn và Biên Hòa) được hình thành từ  việc chuyển đổi các sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không.

Cùng với đó, tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Quy hoạch các cảng hàng không, sân bay tầm nhìn đến năm 2050, hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 19 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hoà, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội).

PV
Bạn đang đọc bài viết Chính phủ đồng ý quy hoạch tổng thể hệ thống sân bay tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Nhà ga T2 sân bay Cát Bi được khởi công vào quý 4/2023
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được kỳ vọng đáp ứng công suất 5 triệu hành khách/năm. Tổng mức đầu tư dự án là 2.405 tỉ đồng. Kinh phí thực hiện dự án được chủ đầu tư là ACV huy động, không sử dụng vốn vay.